Thực hiện Nghị quyết 1278/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 10 quận trên địa bàn TP HCM - gồm 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp và Phú Nhuận - đang khẩn trương sắp xếp 80 phường để hình thành 41 phường mới. Các hoạt động từ ngày 1-1-2025 sẽ là nhiệm vụ của phường mới, bộ máy mới.
Vượt khó
Quận 6 đang thực hiện sắp xếp 14 phường thành 10 phường. Chủ tịch UBND quận 6 Lê Thị Thanh Thảo cho biết nếu chỉ sáp nhập cơ học từ phường này vào phường khác thì dễ. Song, quận có phường tách làm 2, nhập về 2 nơi khác nhau, dẫn tới trở ngại trong giải quyết hồ sơ hộ tịch, hồ sơ nhà đất... Vì thế, quận đã xin ý kiến của Sở Tư pháp để tháo gỡ.
Quận 6 cũng chuẩn bị giải pháp hỗ trợ người dân. Theo đó, trong thời gian đầu, quận hỗ trợ 100% phí thực hiện, đồng thời lập tổ công tác giao kết quả tận nhà cho người dân, nhất là trường hợp lớn tuổi, người Hoa không rành tiếng Việt.
"Trong quá trình sắp xếp phường cũ và vận hành phường mới chắc chắn sẽ có những vấn đề phát sinh. Quận đã quán triệt phát sinh đến đâu xử lý liền đến đó, không để chậm trễ công việc của người dân" - bà Thảo cho hay.
Theo Chủ tịch UBND quận 6, sau khi sắp xếp thì dôi dư 24 cán bộ, 56 công chức, 40 người hoạt động không chuyên trách. Quận phải trao đổi, gặp gỡ, chia sẻ và lắng nghe tâm tư của họ để giải quyết thấu đáo, kịp thời. Tuy có khó khăn nhưng các địa phương đều cố gắng bảo đảm, thực hiện sắp xếp theo lộ trình 5 năm.
Tương tự quận 6, UBND quận 10 cho biết qua sắp xếp, số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách tại các phường dôi dư nhiều, nhu cầu tiếp tục được công tác cao dẫn đến khó khăn trong chọn lọc, bố trí nhân sự tiếp tục công tác tại phường mới hình thành. Việc giải quyết chế độ, chính sách cho người thôi tham gia công tác cũng nan giải.
UBND quận 4 cũng cho hay việc giảm số lượng biên chế tại các phòng, ban gây khó trong việc luân chuyển, điều động công chức phường. Với nhiệm vụ nhập 6 phường để hình thành 3 phường mới, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư là 57 người. Sau nhiều động thái sắp xếp, quận còn dư 26 người, gồm 6 công chức lãnh đạo, 20 công chức chuyên môn.
Các quận còn lại - gồm 3, 5, 8, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp và Phú Nhuận - cũng đang khắc phục những khó khăn phổ biến, như giải quyết thủ tục hành chính, công tác cán bộ hoặc xử lý tài sản công.
Giải quyết tốt chính sách
Về những băn khoăn trong việc giải quyết giấy tờ, Sở Tư pháp cho hay theo Nghị quyết 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giấy tờ còn thời hạn vẫn có giá trị sử dụng nên các quận cần thông tin rộng rãi để người dân biết và không thay đổi ồ ạt. Riêng hộ tịch, Sở Tư pháp sẽ có văn bản hướng dẫn việc chốt sổ, giấy tờ đã xử lý, cấp bản sao cho đơn vị chia tách...
Nhận định người dân sẽ không gặp khó khăn gì, thượng tá Nguyễn Ngọc Vũ Vương, Phó Trưởng Phòng PC06 Công an TP HCM, cho biết sẽ không phát sinh thủ tục hành chính. Cụ thể, cơ quan công an điều chỉnh, tách, gộp thông tin lưu trú của người dân trực tiếp trên hệ thống; sẽ điều chỉnh đồng loạt khi Nghị quyết 1278/2024 có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.
Công an TP HCM đã có văn bản triển khai cho công an các địa phương rà soát, lập danh sách nhân khẩu ở các địa bàn hành chính thuộc diện sáp nhập để báo cáo Bộ Công an thực hiện, hỗ trợ và phối hợp điều chỉnh dữ liệu trên hệ thống. Do đó, UBND các phường thuộc diện sắp xếp cần phối hợp với công an tuyên truyền về nội dung này.
Đề cập việc xử lý thủ tục hành chính, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho rằng cần khuyến nghị người dân những thủ tục làm sớm hoặc làm sau ngày 1-1-2025 để lực lượng công an tập trung chỉnh lý trên hệ thống. Trường hợp người dân có những việc gấp, cần phải làm ngay thì cơ quan chức năng cũng phải sắp xếp để giải quyết.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan nhìn nhận việc sắp xếp 80 phường ảnh hưởng nhiều mặt đời sống của người dân, nhất là về thủ tục, giấy tờ. Ông yêu cầu địa phương, sở, ngành liên quan làm thật kỹ, thật khéo, không để ách tắc, không để ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân.
Ông Võ Văn Hoan nhận định sau sắp xếp, 80 phường dôi dư hơn 1.000 cán bộ, công chức, viên chức sẽ ảnh hưởng lợi ích và tâm tư của họ. Vì thế, các địa phương cần tiếp tục tìm kiếm cách bố trí, giải quyết chính sách.
Trong quá trình giải quyết, nên cân nhắc bố trí ở phường khác hoặc lĩnh vực đang có nhu cầu; cố gắng linh hoạt để sử dụng cán bộ một cách tốt nhất.
Vừa qua, HĐND TP HCM đã thông qua nghị quyết về chế độ hỗ trợ thêm dành cho trường hợp nghỉ do dôi dư khi sắp xếp đơn vị hành chính. Ngoài chế độ của trung ương, TP HCM trợ cấp thêm 1,5 tháng lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, 5 tháng lương cho 20 năm đầu công tác và từ năm thứ 21 trở đi, mỗi năm công tác được cấp thêm nửa tháng lương. Chính sách này được tin tưởng giúp các địa phương thuận lợi hơn trong quá trình sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền
UBND quận 10 cho biết công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân được địa phương đặc biệt đẩy mạnh.
Lãnh đạo quận đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa Hòa Bình phối hợp với Ban Tuyên giáo Quận ủy trong công tác định hướng tuyên truyền, triển khai. Từ đó, tham mưu cho UBND quận xây dựng kế hoạch tổ chức thông tin, tuyên truyền về Nghị quyết 1278 để tạo sự đồng thuận, thống nhất, thực hiện từ ngày 1-12-2024 cho đến khi các đơn vị hành chính phường mới đi vào hoạt động ổn định.
UBND các phường thông qua cuộc họp giao ban chi bộ, khu phố, trang thông tin điện tử của phường, trang mạng xã hội như Zalo, Facebook của phường, khu phố truyền tải hiệu quả chủ trương, mục đích, yêu cầu của công tác sắp xếp đến từng hộ dân.
Bình luận (0)