Ngày 20-7, Tập đoàn Bamboo Capital đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi, TP HCM).
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP HCM, cho biết đến năm 2025, thành phố phấn đấu đạt chỉ tiêu xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80% và hướng tới đạt 100% vào năm 2030.
"Việc xây dựng nhà máy đốt rác phát điện hôm nay cũng đánh giá sự hưởng ứng tích cực, nỗ lực, cầu thị của những doanh nghiệp đang xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho thành phố trong giải quyết các vấn đề về môi trường theo hướng phát triển bền vững" – ông Thắng nói.
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Tập đoàn Bamboo Capital, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Tâm Sinh Nghĩa, cho biết mỗi ngày, TP HCM có lượng rác thải sinh hoạt lên đến gần 10.000 tấn, các khu xử lý rác đều đang có nguy cơ quá tải.
Tính đến nay, cả thành phố chưa có nhà máy điện rác nào đi vào hoạt động. Tập đoàn Bamboo Capital đã chủ động nghiên cứu các công nghệ đốt rác phát điện tiên tiến đang được sử dụng tại các nước phát triển và lựa chọn công nghệ SUS-Hitachi Zosen Vonroll để đưa vào thiết kế và xây dựng cho dự án điện rác ở Củ Chi.
Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa được xây dựng trên diện tích có quy mô 20 ha, chia làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 được triển khai từ năm 2024 đến năm 2025 có tổng vốn đầu tư là 6.400 tỉ đồng, công suất đốt 2.000-2.600 tấn rác/ngày, công suất phát điện 60MW/ngày. Sản lượng điện phát lên lưới dự kiến lên đến 365 triệu kWh/năm, đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện của khoảng 100.000 hộ dân, đồng thời giúp giảm phát thải khoảng 257.000 tấn CO2/năm.
Giai đoạn 2: Công suất xử lý rác 6.000 tấn/ngày, công suất phát điện 130 MW/ngày.
Giai đoạn 3: Công suất đốt rác 8.600 tấn/ngày, công suất phát điện đạt tới 200 MW/ngày.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường cho rằng sự kiện là tín hiệu tích cực trong việc khuyến khích kêu gọi đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn.
Theo ông Cường, dự kiến năm 2040, lượng rác sinh hoạt trên địa bàn thành phố khoảng 21.000 tấn/ngày. Trong đó, quy mô xử lý rác theo quy hoạch tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc dự kiến 8.000 – 10.000 tấn/ngày.
Trong thời gian tới, bên cạnh tập trung triển khai dự án, TP HCM cũng sẽ thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó có việc phân loại rác thải tại nguồn; tiếp tục hoàn thiện quy trình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác. Vì vậy, thành phố cần nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm, đồng hành trong xử lý rác.
Vào cuối năm 2019, các nhà máy tích hợp xử lý chất thải rắn Vietstar và nhà máy xử lý, đốt rác của Công ty cổ phần đầu tư - phát triển Tâm Sinh Nghĩa lần lượt được khởi công. Tuy nhiên do vướng mắc nhiều thủ tục, đến thời điểm hiện tại chỉ có nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa đã được cấp phép xây dựng.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường giao nhiệm vụ cho các sở, ngành phối hợp với nhà đầu tư để đưa nhà máy vào vận hành trong 18 tháng tới. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để trong tháng 7-2024 có thể khởi công nhà máy đốt rác phát điện của Công ty Vietstar với công suất xử lý 2.000 tấn/ngày.
Bình luận (0)