Báo cáo mới của Sở Công Thương TP HCM về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố tháng 1-2024 cho thấy doanh thu bán lẻ hàng hóa trong tháng đầu năm 2024 tăng khá.
Hầu hết các nhóm hàng đều có doanh thu bán lẻ tăng so với cùng kỳ, bao gồm: lương thực, thực phẩm (tăng 8,8%); hàng may mặc (tăng 7,3%); đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình (tăng 16,4%); vật phẩm văn hóa, giáo dục (tăng 10,8%); gỗ và vật liệu xây dựng (tăng 18,3%); ô tô các loại (tăng 38,8%)...
Theo Sở Công Thương, tháng 1 năm nay là thời điểm kinh doanh sôi động nhất trong năm, nhiều siêu thị và cửa hàng thực hiện chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.
Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu và ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu trước, trong và sau Tết, thành phố đã triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường, xây dựng các giải pháp để chuẩn bị nguồn hàng đạt chất lượng, an toàn thực phẩm. Đến nay, các hệ thống phân phối trên địa bàn duy trì và bảo đảm khả năng cung ứng phục vụ xuyên suốt cho người dân.
Về nguồn vốn chuẩn bị phục vụ 2 tháng Tết Giáp Thìn, 45 doanh nghiệp bình ổn thị trường mặt hàng lương thực, thực phẩm chuẩn bị hơn 22.000 tỉ đồng; trong đó hơn 8.500 tỉ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường. Các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25% đến 43%.
Doanh nghiệp cũng sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ (nếu có)…
Từ nay đến Tết Nguyên đán, ngành công thương TP HCM tổ chức triển khai chuẩn bị nguồn hàng hóa Tết theo đúng kế hoạch, kịch bản đề ra. Theo đó, tiếp tục theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng gạo, thịt gia súc, trứng gia cầm, rau củ quả, bánh kẹo, nước giải khát…; chủ động có phương án hoặc để xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Cùng với đó là tiếp tục phối hợp chặt chẽ với hệ thống phân phối trên địa bàn, vận động chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phi khác trong giai đoạn hiện nay để giảm áp lực tăng giá bán đến tay người dùng; đẩy mạnh đối với sản phẩm bình ổn thị trường và các mặt hàng thiết yếu khác…
Theo Sở Công Thương TP HCM, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1 ước giảm 4,5% so với tháng trước, nhưng tăng 26,9% so với tháng cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 1 cũng giảm 4,2% so với tháng trước, nhưng tăng 23,3% so cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 giảm 34,6%), ước đạt 3,79 tỉ USD.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 1 ước đạt 4,61 tỉ USD, giảm 5,3% so với tháng trước, nhưng tăng 21% so tháng cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 giảm 29,9%).
"Nhìn chung trong ngắn hạn, các ngành hàng còn gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu thế giới giảm, nhất là đối với hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu" – báo cáo nêu.
-
Bình luận (0)