Ngày 3-7, tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 9 thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM có Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi và tổ đại biểu HĐND TP HCM đơn vị số 6 tiếp xúc cử tri quận 4, 7 và huyện Nhà Bè, sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV và trước kỳ họp thứ 17 HĐND TP HCM khóa X.
Tăng lương phải tăng năng suất lao động
Tại buổi tiếp xúc, vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm là thực hiện tăng lương cơ sở từ ngày 1-7 tại TP HCM. Cử tri cho rằng làm sao tăng lương phải tăng được năng suất lao động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Cử tri Phạm Thị Hai (ngụ quận 7), nhìn nhận chương trình cải cách tiền lương là nhiệm vụ khó, tăng lương là biện pháp tốt nhất để giải quyết các khó khăn, tồn tại, là phương án cải cách tiền lương hiệu quả.
"Sau khi tăng lương phải xây dựng bảng lương mới theo chính sách cải cách tiền lương, cải cách tiền lương khu vực công để tăng năng suất lao động. Đồng thời tinh giảm bộ máy, tạo động lực làm việc cho khu vực công, có biện pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường; ngăn tăng giá hàng hóa, dịch vụ khi tăng lương cơ sở, làm mất ý nghĩa của việc tăng lương"- cử tri Hai nêu quan điểm.
Đồng tình, cử tri Khương Thành Long (ngụ quận 7) cho rằng lương tăng là niềm vui lớn nhưng đi cùng đó là nỗi lo tăng giá cả. "Vấn đề cũ nhưng luôn mới" – ông Long nói và mong việc tăng giá hàng hóa phải được cơ quan nhà nước quản lý để có mức tăng hợp lý, tránh "lương tăng 1 mà giá tăng 2".
Cử tri Lê Tô Thu Uyên (ngụ quận 4) phản ánh lương cơ sở cho công chức, viên chức và người về hưu tăng 30% từ ngày 1-7 nhưng lương chưa tăng thì giá cả, dịch vụ đã tăng trước. Vì vậy, cần có giải pháp căn cơ để bình ổn giá cả thị trường, tránh trường hợp lợi dụng để tăng giá.
Trả lương theo vị trí việc làm
Trao đổi với cử tri, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết chính sách cải cách tiền lương mới có hiệu lực từ ngày 1-7, không chỉ tác động tới cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách mà còn ảnh hưởng đến các cử tri hưởng lương hưu.
TP HCM đã có sự chuẩn bị, sẵn sàng ngân sách để chi trả lương mới. Vừa qua UBND TP HCM đã chỉ đạo rà soát, đảm bảo không có khó khăn khi áp dụng lương mới.
Chủ tịch UBND TP HCM cho biết việc tăng lương cơ sở đối với các đối tượng được hỗ trợ khác, người lao động hưởng lương từ mức lương tối thiểu vùng là việc cần tiếp tục giám sát.
Do đó, ông Phan Văn Mãi đề nghị Sở Lao động Thương binh và Xã hội theo dõi để việc áp dụng tăng lương đồng bộ, không chỉ đối với người hưởng lương từ ngân sách mà cả người hưởng lương từ mức lương tối thiểu vùng, hưởng các khoản theo lương để thực hiện đồng bộ.
"Có ý kiến rất hay khi cho rằng lương mới làm sao phải tăng được năng suất của công chức, viên chức, tức tăng lương đúng người đúng việc"- Chủ tịch UBND TP HCM nhìn nhận và cho biết việc cải cách tiền lương hướng tới gắn với cải cách bộ máy, tinh gọn hiệu lực hiệu quả và tiền lương theo vị trí việc làm.
Hiện TP HCM đang xây dựng đề án vị trí việc làm và tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới. TP HCM sẽ áp dụng trả lương theo vị trí việc làm, tức là tạo ra năng suất cao, đóng góp nhiều thì sẽ được hưởng lương cao.
TP HCM cũng nghiên cứu các hình thức trả lương phù hợp để không tăng tổng quỹ tiền lương nhưng trả lương đúng, nâng cao năng suất lao động và có thể hướng tới khoán quỹ lương, khoán công việc.
Để tránh việc tăng lương, tăng giá, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết Quốc hội đã lưu ý, Chính phủ đã chỉ đạo. Tại TP HCM, một mặt tăng cường quản lý giá, một mặt triển khai chương trình bình ổn thị trường. TP HCM có chương trình bình ổn thị trường hiệu quả. Sáu tháng đầu năm 2024, chỉ số giá thấp hơn so với cùng kỳ. Đây là điều kiện tốt để tiếp tục duy trì, quản lý nhà nước về giá.
Ông Phan Văn Mãi cũng cho biết trong 6 tháng đầu năm, kinh tế TP HCM có phục hồi, dòng tiền đi vào nền kinh tế, tuy khả năng lạm phát tăng lên nhưng vừa phải, có tín hiệu tích cực hơn, thể hiện sự phục hồi của nền kinh tế.
Tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn dự án chống ngập
Trước ý kiến cử tri về vấn đề ngập nước, ùn tắt giao thông, một số công trình chậm tiến độ, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết đây được xem như "bệnh mãn tính" của thành phố.
"Trong điều hành, Thường trực UBND TP HCM và cá nhân tôi cũng thấy áp lực, day dứt với chuyện này. Lãnh đạo sở ngành, quận huyện cũng sót ruột nhưng cũng có nhiều lý do chủ quan và khách quan"- Chủ tịch UBND TP HCM chia sẻ.
Từ đây đến cuối năm 2025, TP HCM sẽ tập trung các giải quyết để tháo gỡ những điểm nghẽn dự án chống ngập. Đồng thời xác định thêm 4-5 điểm ngập để giảm ngập.
Về các giải pháp giảm ùn tắt giao thông, bên cạnh những dự án trọng điểm như nút giao An Phú, Mỹ Thủy, Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, TP HCM sẽ xác định thêm các nút giao trong nội thành hoặc vùng cửa ngõ để đầu tư cầu vượt, điều chỉnh phương án giao thông giảm bớt ùn tắt.
Bên cạnh đó, TP HCM cũng đẩy nhanh tiến độ các công trình chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường như cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, rạch Xuyên Tâm, bờ bắc Kênh Đôi. Đồng thời chuẩn bị hồ sơ để khởi công một số dự án như cải tạo kênh Hy Vọng, văn Thánh... từ đây đến năm 2025.
Bình luận (0)