xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TP HCM tăng tốc số hóa dữ liệu

PHAN ANH thực hiện

Cơ sở dữ liệu được số hóa hoàn chỉnh chính là "trái tim vàng" để TP HCM xây dựng chính quyền số hiệu quả, phục vụ công tác quản lý nhà nước và quan trọng hơn hết là nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp

Cán bộ UBND phường 12 (quận 10, TP HCM) hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cán bộ UBND phường 12 (quận 10, TP HCM) hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Năm 2022, TP HCM xếp thứ hai trong chỉ số chuyển đổi số quốc gia, dẫn đầu về thể chế số và hạ tầng số. Năm 2023, TP HCM tiếp tục gặt hái thành quả khi mới đây được Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) trao giải thưởng ASOCIO 2023 cho hạng mục Chính phủ số xuất sắc. Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Võ Thị Trung Trinh về sự "chuyển mình" hiệu quả của thành phố trong chuyển đổi số, nhất là trong lĩnh vực cải cách hành chính, số hóa dữ liệu.

Số hóa mang lại nhiều lợi ích

* Phóng viên: Xin bà cho biết những kết quả mà TP HCM đạt được trong xây dựng chính quyền số?

- Bà VÕ THỊ TRUNG TRINH: Thời gian qua, thành phố đã triển khai 5 hệ thống lớn xây dựng chính quyền số; phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp, cán bộ, công chức trên nền tảng số.

Đầu tiên là hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội. Hệ thống sẽ cải thiện hiệu quả hoạt động các thủ tục không cần giấy tờ, đồng thời hướng tới việc giám sát và báo cáo theo thời gian thực. Nền tảng thứ hai là hệ thống bản đồ nền dùng chung.

Bà VÕ THỊ TRUNG TRINH

Bà VÕ THỊ TRUNG TRINH

Thứ ba là hệ thống 1022, đóng vai trò là kênh liên lạc chính thức giữa người dân địa phương, doanh nghiệp (DN) và chính quyền thành phố. Thứ 4 là chỉ số chuyển đổi số TP HCM (DTI) để đánh giá, giám sát mức độ chuyển đổi số tại các cơ quan của thành phố. Cuối cùng là hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) TP HCM. Hệ thống ra đời trên cơ sở hợp nhất cổng dịch vụ công trực tuyến và các phần mềm một cửa điện tử rời rạc trên toàn địa bàn thành phố.

Song song đó, nhiều lĩnh vực đã được số hóa. Điển hình như lĩnh vực hộ tịch. Từ năm 2022, thành phố đã thực hiện cấp bản sao trích lục kết hôn, khai sinh, khai tử, đăng ký nhận cha, mẹ, con từ dữ liệu số hóa sổ hộ tịch tại kho dữ liệu dùng chung TP HCM cho người dân mà không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký, nơi lưu trữ sổ hộ tịch và nơi cư trú. Tính đến tháng 6-2023, thành phố đã cấp được hơn 1,5 triệu bản sao hộ tịch điện tử.

* Bà vừa nhắc đến hệ thống thông tin giải quyết TTHC TP HCM. Hiệu quả giải quyết TTHC cho người dân, DN của hệ thống sau hơn một năm đưa vào vận hành là gì, thưa bà?

- Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cuối tháng 10-2022, hệ thống thông tin giải quyết TTHC TP HCM đã chính thức đi vào hoạt động. Từ khi vận hành chính thức, cán bộ, công chức thành phố thực hiện tiếp nhận số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC của người dân và DN trên hệ thống. Đồng thời, kết quả giải quyết TTHC sẽ được chuyển vào kho dữ liệu của người dân, tổ chức.

Về phía người dân, DN, hệ thống mang lại nhiều lợi ích hiệu quả. Người dân đăng ký tài khoản dịch vụ công có thể tham gia sử dụng dịch vụ trên Cổng dịch vụ công quốc gia hay Cổng dịch vụ công của thành phố. Quan trọng nhất là cung cấp cho các cá nhân, DN, tổ chức khai thác dữ liệu điện tử từ kho dữ liệu các hồ sơ đã đăng ký và kết quả trực tuyến; kho dữ liệu số hóa cá nhân; kho dữ liệu từ hệ thống chứng thực pháp lý văn bản điện tử. Dữ liệu này sẽ được sử dụng lại cho các lần sử dụng dịch vụ công trực tuyến tiếp theo.

Mặt khác, hệ thống công khai, minh bạch thông tin chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, DN trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử của các sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn thành phố theo bộ chỉ số tại Quyết định 766 của Thủ tướng Chính phủ.

* Nhưng TP HCM cũng gặp không ít khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi số ở lĩnh vực cải cách hành chính?

- Hạ tầng công nghệ thông tin và con người là hai yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của quá trình chuyển đối số, ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính. Trong đó, nhân lực là bài toán rất lớn mà thành phố cần giải quyết. Nguồn nhân lực không những thiếu ở cơ sở mà còn thiếu ở cấp sở ngành, quận, huyện. Qua khảo sát, một số quận, huyện, sở, ngành chỉ có 1-3 nhân lực phụ trách chuyển đổi số, công nghệ thông tin và trong đó đã có 1 vị trí kiêm nhiệm do phó văn phòng cấp sở hoặc UBND quận, huyện phụ trách.

Cán bộ UBND phường 12 (quận 10, TP HCM) hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cán bộ UBND phường 12 (quận 10, TP HCM) hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Hay đơn cử như việc vận hành hệ thống thông tin giải quyết TTHC TP HCM. Đây là hệ thống chuyên ngành nên cán bộ, công chức cũng gặp nhiều khó khăn trong thời kỳ chuyển đổi. Ngoài việc tiếp nhận và xử lý như trước kia thì trong quá trình thực hiện phải số hóa hồ sơ. Việc liên thông kết nối với các bộ, ngành chưa hoàn thiện, nhiều thủ tục cán bộ, công chức nhập trên hai phần mềm.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

* Có ý kiến cho rằng việc số hóa mới chỉ dừng lại ở sao chụp chuyển từ bản giấy sang bản điện tử nên chưa bảo đảm giá trị pháp lý giấy tờ được số hóa; không thể tái sử dụng mà còn lãng phí nguồn lực, tốn kém tài nguyên lưu trữ. Phải chăng đây là một thách thức lớn trong quá trình số hóa dữ liệu?

- Trước tiên, tôi xin khẳng định là về giá trị pháp lý, theo điều 26, Nghị định 30/2020 của Chính phủ về công tác văn thư nêu rõ "Bản sao y, bản sao lục và bản trích sao được thực hiện theo đúng quy định tại nghị định này có giá trị pháp lý như bản chính".

Còn về ý kiến cho rằng việc số hóa dừng ở mức sao chụp, không thể tái sử dụng mà còn lãng phí nguồn lực, tốn kém tài nguyên lưu trữ, thực ra đây là điều thành phố cân nhắc rất nhiều trong quá trình triển khai số hóa hồ sơ. Bởi lẽ, ngoài việc số hóa để lưu trữ hồ sơ không bị rách, hư theo thời gian thì việc số hóa cần phải bóc tách các trường dữ liệu để tiến hành khai thác, tái sử dụng. Qua đó, cắt giảm quy trình thủ tục, tạo sự thuận tiện nhất cho người dân, DN khi tham gia dịch vụ hành chính công. Công tác tổ chức triển khai số hóa phải bảo đảm không trùng lắp, chồng chéo tránh lãng phí. Đồng thời khi số hóa, bóc tách xong phải bảo đảm đưa vào sử dụng khai thác cho toàn thành phố.

Nhận thức được tầm quan trọng của dữ liệu cũng như công tác số hóa, UBND thành phố đã ban hành Chiến lược quản trị dữ liệu theo Quyết định 328/2023, tập trung vào 3 nhóm dữ liệu: Người dân, tài chính - doanh nghiệp, đất đai - đô thị. Từ quý I/2024, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ đưa vào vận hành chính thức nền tảng số hóa dùng chung TP HCM. Đây sẽ là công cụ giúp các sở, ngành và địa phương số hóa, lưu kho, khai thác dữ liệu.

* Những công việc, giải pháp của TP HCM trong thời gian tới?

- Về hạ tầng công nghệ thông tin, trong năm 2024, thành phố hướng đến mục tiêu 100% hạ tầng công nghệ thông tin được rà soát, nâng cấp, bảo đảm liên thông kết nối từ thành phố đến cấp huyện, xã.

Về nguồn nhân lực, sắp tới, thành phố thành lập Trung tâm Chuyển đổi số để tập trung nguồn lực giải quyết những bài toán dùng chung và hỗ trợ các đơn vị trong quá trình chuyển đổi số. Đồng thời phối hợp với những đơn vị đào tạo để hỗ trợ lực lượng chuyên trách của các quận, huyện, sở, ngành nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số của thành phố.

Với việc xác định dữ liệu là yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, thành phố tiếp tục thực hiện tiếp nhận số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC của người dân, DN trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Đồng thời, đưa vào vận hành chính thức nền tảng số hóa dùng chung thành phố; thực hiện số hóa và khai thác dữ liệu theo chiến lược dữ liệu của thành phố với nguyên tắc từ cấp thành phố, quận, huyện, phường, xã; ngành, lĩnh vực.

Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các sở chuyên ngành xây dựng các mô hình tham chiếu dữ liệu trong lĩnh vực để tiến hành số hóa, bóc tách và khai thác dữ liệu toàn thành phố. Đồng thời, sở sẽ phối hợp với các đơn vị chuyên môn của bộ, ngành tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia về kho dữ liệu dùng chung thành phố. 

"Nghiêm cấm việc yêu cầu người dân, DN cung cấp thông tin, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đã được số hóa hoặc chia sẻ từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành theo đúng quy đinh".

(Trích chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi

tại Văn bản 5898 ngày 27-11-2023)

Hơn 66% hồ sơ thực hiện trên môi trường điện tử

Bà Võ Thị Trung Trinh cho biết TP HCM hiện có 1.862 TTHC đang áp dụng. Đến nay, thành phố đã triển khai và cung cấp 664/740 dịch vụ công trực tuyến cho người dân và DN, trong đó có 463 thủ tục toàn trình, 277 thủ tục một phần.

Theo số liệu ghi nhận trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC TP HCM, từ đầu năm đến nay, thành phố tiếp nhận 683.347 hồ sơ, giải quyết đúng hạn đạt 98%, trễ hạn là 2%. Đáng nói là có 453.174 hồ sơ trực tuyến, chiếm tỉ lệ 66,3%.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo