Ngày 6-12, HĐND TP HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc kỳ họp thứ 13 (kỳ họp cuối năm). Dự phiên khai mạc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi.
Mở ra cơ hội mới
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết kỳ họp sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định 4 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội; kết quả giải quyết kiến nghị cử tri; chất vấn, trả lời chất vấn và lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND thành phố bầu.
Bà Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh các nghị quyết được thông qua tại kỳ họp rất quan trọng. Những nghị quyết này mở ra nhiều cơ hội mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiều năm tới, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân thành phố.
Thay mặt UBND thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan đã báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội thành phố năm 2023.
Ông cho biết dù gặp nhiều khó khăn nhưng thành phố làm tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 5,81%.
Trong 21 chỉ tiêu thành phần kinh tế - xã hội chủ yếu của năm, dự kiến có 13 chỉ tiêu đạt và vượt. Cùng với đó, việc triển khai Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, đạt kế hoạch đề ra.
Nói về thách thức, ông Võ Văn Hoan thừa nhận thành phố đã nỗ lực tập trung giải quyết các công việc tồn đọng theo thẩm quyền nhưng tiến độ một vài công việc còn chậm. Phó Chủ tịch UBND TP HCM cũng trình lên kỳ họp gần 50 tờ trình, trong đó có 10 tờ trình cụ thể hóa các chính sách, cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98.
Điển hình như tờ trình mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt với các lĩnh vực TP HCM có nhu cầu thu hút; chủ trương đầu tư các công trình lớn như mở rộng đường Nguyễn Thị Định vào cảng Cát Lái hơn 2.000 tỉ đồng; xây dựng cầu - đường Nguyễn Khoái hơn 3.700 tỉ đồng...
Bí quyết để tăng tốc
Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết thành phố đang thực hiện song song hai việc. Đó là vừa phải đưa Nghị quyết 98 của Quốc hội vào cuộc sống hiệu quả nhất vừa phải xử lý những việc tồn đọng. Do đó, ông đề nghị HĐND thành phố xem xét, đưa ra những quyết nghị thỏa đáng, nhất là những giải pháp liên quan những việc thành phố đang làm.
Tại kỳ họp, 2 nhân sự mới của UBND và HĐND ra mắt. Theo đó, ông Phạm Thành Kiên nhận quyết định của Quốc hội về phê chuẩn kết quả bầu Phó Chủ tịch HĐND thành phố, ông Nguyễn Văn Dũng nhận quyết định của Thủ tướng về phê chuẩn kết quả bầu Phó Chủ tịch UBND thành phố.
Theo Bí thư Thành ủy TP HCM, năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TP HCM. Ông nhấn mạnh trong bối cảnh thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, thành phố phải thích ứng linh hoạt, tận dụng tối đa thời cơ, khắc phục những hạn chế, bất cập và dự liệu những rủi ro có thể xảy ra. Có như vậy mới có thể vượt chướng ngại vật, tăng tốc, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Đề cập việc kỳ họp lần này lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND thành phố bầu hoặc phê chuẩn, ông Nguyễn Văn Nên cho biết kết quả lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét, đánh giá cán bộ. Do đó, đại biểu HĐND thành phố cần đánh giá người được lấy phiếu tín nhiệm trên cơ sở bảo đảm khách quan, công tâm, công khai, minh bạch. Theo Bí thư Thành ủy TP HCM, đây cũng là dịp để các cá nhân được lấy phiếu tín nhiệm soi rọi lại mình.
Hôm nay (7-12), kỳ họp tiếp tục với phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các sở, ngành, chủ tịch UBND quận 12. Đồng thời, nghe Chủ tịch UBND thành phố làm rõ các nội dung, kết quả đạt được cũng như việc thực thi nhiệm vụ của các cơ quan. Buổi chiều, các đại biểu sẽ bỏ phiếu tín nhiệm đối với 31 lãnh đạo chủ chốt.
Trình xin chủ trương xây cầu Cần Giờ vào năm 2024
Chiều 6-12, trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, một số đại biểu đặt vấn đề vì sao UBND TP HCM chưa trình dự án xây dựng cầu Cần Giờ như kế hoạch đề ra trước đó.
Giải trình, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM Trần Quang Lâm cho biết cầu Cần Giờ là công trình dây văng rất đặc biệt với tổng vốn đầu tư 11.000 tỉ đồng. Về mặt kỹ thuật, cầu bắc qua đoạn sông có độ cong lớn nên cần phương án nghiên cứu bảo đảm khả thi, đạt hiệu quả về kinh tế. Việc chưa kịp trình tại kỳ họp này có lý do phải lấy ý kiến của các bộ, ngành, nhất là Bộ GTVT về tĩnh không và luồng hàng hải qua sông Soài Rạp.
Ông Lâm cho hay Sở GTVT đã trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, phấn đấu sẽ trình HĐND thành phố tại kỳ họp tiếp theo. Nếu chủ trương đầu tư dự án được thông qua đầu năm 2024, công trình sẽ được khởi công vào năm 2025.
Bình luận (0)