Bị bào mòn "sức khỏe" từ đại dịch COVID-19 và chịu ảnh hưởng chung từ tình hình khó khăn của thế giới, đã có thời điểm, tăng trưởng của TP HCM - đầu tàu kinh tế của cả nước - thấp ở mức chưa từng có.
Vượt "cơn gió ngược"
Năm 2021, "cú sốc" đại dịch COVID-19 khiến GRDP của thành phố giảm sâu 4,01%. Dù phục hồi ngoạn mục với mức tăng trưởng dương 9,26% trong năm 2022 song bình quân 2 năm 2021 - 2022, thành phố chỉ tăng trưởng 2,41%.
Năm 2023, tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức của giai đoạn hậu đại dịch, tăng trưởng quý I của TP HCM chỉ đạt 0,7%. Trước tình hình đó, thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Trung ương, qua đó tạo chuyển biến tích cực, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trở lại. Cụ thể, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng, kích cầu du lịch, cải cách hành chính... Sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng sự chung tay góp sức của người dân, doanh nghiệp đã giúp thành phố ngăn chặn được đà suy giảm và "bật dậy" trong những tháng còn lại của năm 2023. Cả năm này, tăng trưởng GRDP của TP HCM đạt 5,81% với sự đóng góp của cả 4 khu vực, trong đó khu vực dịch vụ đóng góp lớn nhất khi chiếm đến 64,9% GRDP.
Cũng trong năm 2023, ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 98/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, thành phố đã chủ động triển khai, từng bước tạo được động lực thúc đẩy sự phát triển.
Bước sang năm 2024, TP HCM xác định tập trung phát huy hiệu quả, hiệu lực hơn nữa những thuận lợi, thời cơ, nhất là đối với các cơ chế, chính sách mà Trung ương đã ban hành như Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 98/2023. Song song đó là nâng cao chất lượng quản lý, triển khai quy hoạch; phát triển mạnh kinh tế số; thúc đẩy tương tác giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với thực hiện hiệu quả chính quyền đô thị... Đồng thời, nhận diện rõ những khó khăn, thách thức trong thời gian tới để kịp thời điều chỉnh nhiệm vụ, giải pháp thực hiện.
Với sự thích ứng linh hoạt trong điều hành, 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế TP HCM ghi nhận dấu hiệu hồi phục tích cực khi GRDP ước tăng 6,46% - mức tăng 6 tháng đầu năm cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Cả năm 2024, GRDP của thành phố ước tăng 7,5%, đạt kế hoạch đề ra. Năng suất lao động tiếp tục được cải thiện với tốc độ tăng 4%, giá trị năng suất lao động gấp 1,8 lần trung bình cả nước. Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao tiếp tục phát triển đúng định hướng, trong đó thương mại điện tử phát triển nhanh, xuất nhập khẩu tăng trưởng cao hơn thời điểm trước dịch COVID-19.
Tái cấu trúc, kiến tạo không gian mới
TS Huỳnh Thanh Điền, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, đánh giá từ sau đại dịch COVID-19, TP HCM đã có sự thích ứng linh hoạt để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, để bứt phá và phát triển bền vững, thành phố cần tái cấu trúc những ngành nghề truyền thống từng là mũi nhọn kinh tế, gồm dệt may, da giày và chế biến lương thực - thực phẩm. Theo đó, tập trung vào những dòng sản phẩm giá trị cao, ứng dụng công nghệ số, tự động hóa... để phù hợp với xu hướng của một đô thị lớn. "Kinh nghiệm thế giới cho thấy những thành phố công nghiệp hóa sớm đều phải sắp xếp lại để phù hợp với xu hướng thị trường. TP HCM cũng vậy, không thể không chuyển đổi" - TS Huỳnh Thanh Điền góp ý.
Bên cạnh đó, TP HCM cần kiến tạo những không gian phát triển mới với ngành nghề mới, ngành nghề ứng dụng công nghệ cao như viễn thông, công nghệ sinh học... Muốn vậy, thành phố phải tập trung thu hút vốn đầu tư, xem nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là chủ lực. Đồng thời, có chương trình khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; nghiên cứu phát triển khoa học - công nghệ, hình thành những không gian mới sáng tạo.
TS Huỳnh Thanh Điền cũng gợi mở thành phố cần cơ cấu lại những khu công nghiệp, khu chế xuất lâu đời theo hướng sắp xếp lại các ngành nghề không còn phù hợp, chuyển từ công nghiệp nặng sang công nghiệp nhẹ, công nghệ cao, dịch vụ, thương mại. Với những khu công nghiệp còn lại, có thể quy hoạch nền tảng hạ tầng theo hướng tuần hoàn xanh, bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng, hành lang pháp lý theo xu hướng phát triển xanh, bền vững.
Theo các chuyên gia, TP HCM cần đẩy mạnh hơn nữa phát triển hạ tầng và đô thị thông minh, đặt trọng tâm vào phát triển giao thông thông minh, dùng công nghệ số giám sát các hoạt động của cộng đồng. "Quan trọng là cần có cơ chế để thực hiện, trước hết là sự phân cấp, phân quyền mạnh của Chính phủ cho TP HCM. Thành phố đã có Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội song nhiều cơ chế, chính sách chưa thể phát huy vì còn vướng luật hiện hành. Do đó, cần xây dựng Luật Đô thị đặc biệt cho TP HCM để thành phố chủ động hơn, phát triển hơn" - TS Huỳnh Thanh Điền nêu quan điểm.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, TP HCM phải "nhìn xa trông rộng" để dự tính, dự báo, vừa thích ứng linh hoạt vừa có những bước đi chắc chắn, bền vững.
(Trích phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo TP HCM triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội ngày 27-8)
Bình luận (0)