Chiều 20-8, đã diễn ra hội nghị lấy ý kiến đại biểu HĐND TP HCM đối với quyết định điều chỉnh quyết định số 02/2020 của UBND TP HCM về bảng giá đất trên địa bàn thành phố.
Hầu hết các đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết ban hành bảng giá đất điều chỉnh. Tuy nhiên, giá đất nhiều nơi tăng cao, tác động sâu rộng vì vậy cần nghiên cứu chính sách, lộ trình áp dụng phù hợp để đảm bảo lợi ích người dân, nhất là người dân nông thôn chuyển mục đích sử dụng đất. Việc ban hành bảng giá đất điều chỉnh đảm bảo thời gian tới thực hiện được các dự án trên địa bàn và nâng cao được đời sống người dân.
Đại biểu Lê Minh Đức, Phó Ban Pháp chế HĐND TP HCM, cho biết cử tri băn khoăn một số khu vực giá đất tăng cao, cũng như cho rằng bảng giá đất điều chỉnh chưa phù hợp thực tế, một số bộ phận người dân bị ảnh hưởng. "Giá đất điều chỉnh tác động nhiều đối tượng, người dân gặp khó khăn khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Thành phố cần ghi nhận thêm ý kiến tổ chức, cá nhân để giá tối ưu, hài hòa lợi ích nhà nước, người sử dụng đất" - đại biểu Lê Minh Đức nêu.
Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn, cho rằng tăng giá đất đột ngột khiến việc chuyển mục đích sử dụng đất của người dân là cả vấn đề. Vì vậy, điều chỉnh bảng giá đất phải hài hòa lợi ích các bên, trong đó lợi ích của người dân là tối cao, đảm bảo đúng chủ trương của nhà nước là người dân phải có nhà ở, nhất là khu vực nông thôn.
Từ đó, ông kiến nghị từ đây tới 31-12-2025 phải nghiên cứu chính sách, lộ trình phù hợp để tạo điều kiện cho người người dân chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà cửa.
Đại biểu Trần Văn Bảy, Chánh Thanh tra TP HCM, cho rằng thời điểm hiện nay là giai đoạn "quá độ" để áp dụng bảng giá đất mới từ ngày 1-1-2026. Vì vậy, nếu không điều chỉnh lần này thì khi đó sẽ tạo cú sốc cho thị trường. Tuy nhiên, điều chỉnh mức nào người dân chấp nhận được để hài hòa lợi ích, vì vậy cơ quan chức năng xem xét.
Với việc dự thảo bảng giá đất điều chỉnh khoảng 70% giá thị trường, ông Bảy đặt câu hỏi tại sao lại là 70% và mức giá nào cho giai đoạn chuyển tiếp? Từ đó, ông đặt vấn đề nên chăng cần thảo luận để tham mưu UBND TP HCM ban hành mức giá chấp nhận được.
"Nếu mức 70% giá thị trường mà người dân, chuyên gia, đánh giá tác động lớn thì cân nhắc lại mức tăng ở mức nào? Chúng ta cần tập trung nội dung này, nếu chần chừ thì hồ sơ đất đai ách tắc. Tôi mong muốn cơ quan chức năng nghe đầy đủ ý kiến, kỹ lưỡng nhưng quyết định sớm" – ông Bảy nói.
Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP HCM Nguyễn Toàn Thắng khẳng định việc xây dựng bảng giá đất điều chỉnh là đúng quy định pháp luật và phù hợp tình hình thực tiễn địa phương. Theo ông Thắng, ảnh hưởng nhất là người dân chuyển mục đích sử dụng đất ở 9 địa phương còn nhiều đất nông nghiệp, mặc dù Luật Đất đai năm 2024 cho phép nợ tiền sử dụng đất để xây nhà.
"Những ý kiến đại biểu đặt ra sở sẽ tiếp thu hết, mong đại biểu đồng hành, chia sẻ luật thì không thể nào làm khác được. Nếu có vấn đề gì thì thành phố kiến nghị, báo cáo cơ quan thẩm quyền. Thành phố sẽ tiếp thu, nghiên cứu hoàn thiện dự thảo" – ông Thắng nói.
Bình luận (0)