Thạc sĩ - bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho biết theo thống kê, TP HCM có khoảng 7.500 trẻ chưa được tiêm đủ vắc-xin 5 trong 1. Do đó, sau kỳ nghỉ Tết dương lịch, ngành y tế đã nhanh chóng mời trẻ chưa được chủng ngừa đến tiêm. Tuy nhiên, một số trẻ chưa trở lại thành phố sau kỳ nghỉ. Vì vậy, số trẻ được phụ huynh đưa đến trạm vào ngày đầu tiên tiêm chủng còn chưa đủ theo danh sách, phải hẹn hôm sau.
Điều dưỡng Trương Kim Mỹ - Trưởng Trạm Y tế phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 - cho biết phường có tổng cộng 45 trẻ chưa tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin 5 trong 1. Do đến thời hạn tiêm nên một số phụ huynh đã đưa trẻ tiêm vắc-xin dịch vụ. Dự kiến trong đợt 1, khoảng 5 trẻ chưa tiêm mũi 1 vắc-xin sẽ được nhân viên trạm gọi đến để tiêm theo lịch, kịp thời chủng ngừa.
Theo bác sĩ Tăng Phước Quân - Trưởng Trạm Y tế phường 1, quận 3 - qua rà soát, phường có 44 trẻ còn thiếu các mũi tiêm vắc-xin 5 trong 1. Hiện tại, vắc-xin phân bổ về trạm được 4 liều, trong khi trung bình các trạm cũng chỉ xấp xỉ dưới 10 liều. "Với số liều vắc-xin như trên thì chưa đủ để tiêm hết cho trẻ trong đợt này. Do đó, cần phải được phân bổ về nhiều hơn nữa" - bác sĩ Quân đề xuất.
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết - Trưởng Trạm Y tế phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức - cho biết theo thống kê, trên địa bàn phường, trẻ chưa được tiêm mũi 1 vắc-xin 5 trong 1 là 33; mũi 2 là 38 cháu.
Theo bác sĩ Tuyết, trước đó, trong thời gian vắc-xin bị gián đoạn, nhiều phụ huynh có con nhỏ đã đến trạm hỏi tiêm vắc-xin. Nhân viên tại trạm đã hướng dẫn phụ huynh cách phòng bệnh trong thời gian chờ vắc-xin hoặc tư vấn họ tiêm vắc-xin dịch vụ...
Trong chiến dịch tiêm vắc-xin từ ngày 2-1 đến 6-1-2024, TP HCM ưu tiên tiêm cho trẻ từ đủ 2-18 tháng tuổi đang sinh sống trên địa bàn, sau đó sẽ tiếp tục tiêm cho trẻ chưa được chủng ngừa mũi 2, mũi 3.
Bác sĩ Lê Hồng Nga khuyến cáo bạch hầu, ho gà, uốn ván là bệnh nguy hiểm ở trẻ. Vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa vắc-xin phòng ngừa các bệnh này vào chương trình tiêm chủng bắt buộc. Khi có vắc-xin sẽ giảm số ca mắc bệnh, giảm gánh nặng bệnh tật.
Bên cạnh đó, đối với người làm công tác phòng chống dịch, vắc-xin là công cụ hữu hiệu để ngừa bệnh. Do đó, thời gian qua, việc gián đoạn vắc-xin trong thời gian dài là sự lo lắng của cha mẹ nói riêng, người làm công tác phòng chống dịch nói chung.
"Khi có vắc-xin, những người làm công tác phòng chống dịch chúng tôi rất vui mừng. Vì vậy, trước đó, khi thông báo sẽ có vắc-xin, các trạm đã lập danh sách tổng hợp và mời trẻ đến tiêm. Điều này sẽ giúp trẻ được bảo vệ và giúp phụ huynh giảm bớt gánh nặng kinh tế" - bác sĩ Nga nhìn nhận.
Bình luận (0)