Việc khánh thành nhà ga mới hiện đại ở sân bay Tân Sơn Nhất sẽ giải quyết ùn tắc ở "cửa ngõ" quan trọng, trong khi dự án lấn biển ở Cần Giờ chắp cánh để TP HCM vươn cao, bay xa.
Ngày 19-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đã dự lễ khánh thành nhà ga hành khách T3 (nhà ga T3) - Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Đây là một trong những công trình trọng điểm được khánh thành, khởi công cùng lúc với 79 công trình, dự án trọng điểm quốc gia nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP HCM và Tập đoàn Vingroup nhấn nút khởi công dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ
Giải quyết tình trạng quá tải, ùn tắc
Sau hơn 20 tháng triển khai thi công quyết liệt, dự án xây dựng nhà ga T3 do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư đã chính thức về đích, hoàn thành vượt tiến độ 2 tháng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương ACV và TP HCM khi đã đồng lòng, chung sức và phối hợp chặt chẽ để hoàn thành đưa vào khai thác nhà ga T3 đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
"Thắng lợi này, kết quả của công trình này sẽ ảnh hưởng tích cực tới dự án xây dựng nhà ga sân bay quốc tế Long Thành để cơ bản hoàn thành trong năm 2025. Đây cũng là một kỳ tích đối với các chủ thể liên quan nếu làm vượt tiến độ" - Thủ tướng đánh giá.
Nhà ga T3 được ứng dụng nhiều công nghệ hàng không hiện đại, đang được áp dụng ở các sân bay lớn thông minh trên thế giới như Incheon T2 (Hàn Quốc), Changi T4 (Singapore)… Nhà ga có công suất 20 triệu hành khách/năm, đáp ứng 7.000 hành khách/giờ cao điểm. Công trình có tổng mức đầu tư gần 11.000 tỉ đồng, do ACV làm chủ đầu tư. Các hạng mục của công trình gồm: Nhà ga hành khách (PTB); nhà xe cao tầng (PNA) và các hạng mục phụ trợ; hệ cầu ống dẫn hành khách (PBB); hệ băng chuyền hành lý (BHS) và hệ kết cấu thép do Tổng Công ty Xây dựng Số 1 (CC1) thực hiện.
Khi nhà ga T3 đưa vào khai thác, tổng công suất của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được nâng lên 50 triệu lượt khách/năm, góp phần giải quyết tình trạng quá tải, ùn tắc tại sân bay quốc tế này.
Biến Cần Giờ thành nơi đáng sống
Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP HCM và Tập đoàn Vingroup nhấn nút khởi công dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ - Vinhomes Green Paradise.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng dự lễ khởi công dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM, nhấn mạnh dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ là công trình trọng điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tương lai phát triển của TP HCM. Dự án hứa hẹn tạo ra hàng chục ngàn việc làm; thúc đẩy phát triển dịch vụ, thương mại, tăng thu ngân sách và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Dự án trở thành một điểm đến quan trọng trong chiến lược đưa TP HCM trở thành trung tâm kinh tế tài chính, du lịch quốc tế.
Ông Dương Ngọc Hải khẳng định TP HCM sẽ đồng hành, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư trong toàn bộ quá trình triển khai dự án; giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất về hạ tầng kết nối và môi trường đầu tư. Bên cạnh đó, thành phố sẽ giám sát chặt chẽ việc thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và trách nhiệm cộng đồng, bảo đảm phát triển hài hòa giữa kinh tế và thiên nhiên, đúng định hướng phát triển bền vững.
"TP HCM tin tưởng với năng lực và kinh nghiệm của Tập đoàn Vingroup, sự ủng hộ của người dân và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ sẽ thành công và trở thành một biểu tượng mới của đô thị biển Việt Nam hiện đại, nhân văn và bền vững" - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM khẳng định.
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, cho biết khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ có quy mô 2.870 ha. Dự án được quy hoạch và phát triển bài bản theo mô hình ESG chuẩn quốc tế gồm 3 trụ cột: Xanh - thông minh - sinh thái; hướng đến mục tiêu trở thành "thiên đường vui chơi giải trí đẳng cấp - du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng lý tưởng" của Việt Nam và là "nơi ở hoàn hảo - nơi làm việc tuyệt vời".
"Vingroup cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực tốt nhất để triển khai Vinhomes Green Paradise một cách bài bản, đồng bộ và quyết liệt, đóng góp thiết thực vào chiến lược phát triển của TP HCM trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" - ông Quang nhấn mạnh.
Đánh giá sự kiện là cột mốc quan trọng đối với địa phương, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng cho biết trong tương lai gần, địa phương còn được định hướng phát triển với các công trình trọng điểm như cảng trung chuyển quốc tế và cầu Cần Giờ nối Nhà Bè - Cần Giờ; tuyến metro cao tốc kết nối trung tâm TP HCM với Cần Giờ.
Dự lễ khởi công, nhiều người dân Cần Giờ bày tỏ kỳ vọng khi dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ hoàn thiện sẽ góp phần nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của người dân. "Tôi mong rằng dự án vừa phát triển hiện đại vừa gìn giữ hệ sinh thái ngập mặn. Khi có hạ tầng tốt hơn, dịch vụ du lịch chuyên nghiệp hơn, đời sống người dân nhờ đó sẽ khấm khá lên" - chị Lê Thị Kim Oanh bày tỏ.
Tiến tới làm thủ tục không giấy tờ ở bến xe, nhà ga
Trong sáng 19-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên dự lễ công bố triển khai thí điểm giải pháp ứng dụng định danh, xác thực điện tử và nhận diện sinh trắc học phục vụ làm thủ tục lên máy bay (gọi tắt là giải pháp).
Theo đó, hành khách đi máy bay có thể sử dụng căn cước/căn cước công dân gắn chip hoặc định danh điện tử VNeID để làm thủ tục hàng không tự động cho toàn bộ quá trình từ check-in đến khâu gửi hành lý tự động, qua cửa kiểm soát an ninh cho đến cửa ra máy bay. Quy trình này tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Trước đây, việc xác thực giấy tờ tùy thân được thực hiện thủ công, gây mất thời gian và dễ ùn tắc. Nay, việc số hóa toàn bộ giấy tờ của hành khách, số hóa quy trình lên máy bay giúp rút ngắn thời gian chờ đợi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh công nghệ hiện đại giúp hành khách đi máy bay không cần giấy tờ là minh chứng hiệu quả của chuyển đổi số, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm. Giải pháp này giảm chi phí, giảm thời gian và chống lãng phí. Thủ tướng giao Bộ Công an tiếp tục nỗ lực triển khai, áp dụng công nghệ này tại tất cả sân bay trên toàn quốc. Sau đó, sẽ tiến tới việc làm thủ tục không giấy tờ ở các bến tàu, bến xe, nhà ga đường sắt, ga tàu thủy... Trong thời gian đầu, các đơn vị vận hành cần nhanh chóng khắc phục mọi trục trặc ngay khi phát sinh, để bảo đảm hành khách cảm thấy thoải mái.
L.Giang
Sải cánh lớn của TP HCM
PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam, cho rằng lễ khởi công dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ không chỉ đánh dấu bước ngoặt trong khai thác không gian biển, mà còn mở ra một vận hội mới đưa TP HCM từng bước trở thành "siêu đô thị quốc tế ven biển". "Việc lấn biển giúp tạo thêm quỹ đất cho đô thị hóa, mở rộng không gian kinh tế theo hướng bền vững. Sự đồng hành của doanh nghiệp tư nhân như Vingroup sẽ góp phần tăng tốc thực hiện các ý tưởng lớn vốn ấp ủ từ lâu của thành phố" - PGS Hồi đánh giá.
PGS Hồi cũng đề xuất một tư duy liên kết vùng mới: Phát triển các tuyến giao thông thủy bộ nối trung tâm TP HCM với Cần Giờ - Vũng Tàu - Côn Đảo, tích hợp chuỗi đô thị du lịch - cảng biển - năng lượng tái tạo (gió ngoài khơi, mặt trời); đồng thời đặt công nghiệp đại dương và nghiên cứu biển sâu làm mũi nhọn dài hạn.
"Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ không chỉ là dự án mà là biểu tượng của một TP HCM vươn mình ra biển, có không gian mới, dữ liệu phát triển mới và là một "sải cánh lớn" để thành phố thực hiện khát vọng siêu đô thị biển mang tầm vóc quốc tế" - ông Hồi nhấn mạnh.
Tr.Thịnh
Bình luận (0)