Ngày 2-8, Bộ Tài nguyên – Môi trường có buổi làm việc với UBND TP HCM về công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trên địa bàn.
Báo cáo đoàn công tác của Bộ Tài nguyên – Môi trường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP HCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết ngoài khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (rác) có khả năng tái chế sử dụng thông qua cơ chế thị trường, mỗi ngày TP HCM phát sinh khoảng 9.700 tấn rác, 100% được thu gom, vận chuyển về các nhà máy xử lý tập trung của thành phố.
Hiện nay, khối lượng rác được xử lý bằng công nghệ đốt, sản xuất phân compost, tái chế chiếm tỉ lệ 33%, còn lại 67% được chôn lấp hợp vệ sinh.
Thành phố đang thực phân loại rác thành 2 nhóm là có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm còn lại.
Thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, thành phố đang xây dựng và hoàn thiện nội dung Đề án phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn, chia thành 3 nhóm: có khả năng tái sử dụng, tái chế; thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Trong đó, đối với chất thải thực phẩm, thành phố sẽ ưu tiên phân loại, thu gom thức ăn thừa và thực phẩm hết hạn sử dụng tại hệ thống nhà hàng, khách sạn chuyển về nhà máy xử lý rác thải Vietstar ở Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) để sản xuất phân compost.
Theo bà Mỹ, hiện nay trên địa bàn thành phố đang thực hiện thủ tục triển khai đầu tư nhiều nhà máy đốt rác phát điện. Trong đó, vừa qua Công ty Tâm Sinh Nghĩa đã khởi công lại dự án đốt rác phát điện công suất xử lý 2.000 tấn/ngày. Công ty Vietstar cũng đang hoàn thành những thủ tục cuối cùng và có thể khởi công trong tháng 8 dự án đốt rác phát điện công suất 2.000 tấn rác/ngày.
Ngoài ra, thành phố còn có các dự án chuyển đổi công nghệ sang đốt rác phát điện: Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt NAM (3.000 tấn/ngày), Công ty Môi trường Đô thị TP (1.000 tấn rác/ngày); Công ty TASCO (500 tấn/ngày). Song song đó, thành phố kêu gọi đầu tư dự án đốt rác phát điện theo hình thức PPP, nâng công suất trong tương lai có thể đạt 10.500 tấn/ngày.
Từ đó, TP HCM kiến nghị Bộ Tài nguyên – Môi trường hỗ trợ, có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương về việc ưu tiên tăng quy mô nguồn điện rác của TP HCM từ 123 MW hiện nay lên tối thiểu 240 MW nhằm phù hợp với hiện trạng triển khai các dự án nhà máy xử lý rác theo công nghệ đốt phát điện của thành phố.
Tại buổi làm việc, đại diện Cục Hải quan TP HCM đã thông tin về công tác nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Theo đó, đối với phế liệu nhập khẩu về TP HCM trước 2018, đến nay thành phố đã tiêu hủy 682 container không đủ tiêu chuẩn, còn 410 container đủ điều kiện nhập khẩu chờ thẩm định giá bán đấu giá, 210 container tiếp tục được giám định để có hướng xử lý. Từ năm 2018 tới nay, TP HCM không tồn động phế liệu nhập khẩu.
Bình luận (0)