Nhiều học sinh "thử" nhiều nghề trước khi đặt bút đăng ký nguyện vọng vào đại học (ĐH).
Đầu tháng 1-2025, hơn 400 học sinh lớp 12 ở TP HCM và các tỉnh, thành lân cận đã có một ngày trải nghiệm làm sinh viên đầy thú vị tại Trường ĐH Luật TP HCM.
Em Nguyễn Thị Bảo Ngọc, học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn, TP HCM), cho biết ban đầu chỉ có ý định tham quan, trải nghiệm để biết cuộc sống sinh viên thế nào, hoàn toàn không có ý định đăng ký học ngành luật. Thế nhưng, chỉ sau vài hoạt động trải nghiệm, Ngọc bắt đầu "yêu" ngành học này.
Em Hà Kim Quý, học sinh Trường THPT Thủ Đức (TP Thủ Đức, TP HCM), cũng cho biết sẽ thay đổi nguyện vọng, đặt Trường ĐH Luật TP HCM làm nguyện vọng đầu tiên. "Mọi thứ khác hoàn toàn với suy nghĩ của em. Thực tế, sinh viên trường luật rất năng động, sáng tạo; giảng viên thân thiện, gẫn gũi và vui tính. Bên cạnh điểm chuẩn, học phí, môi trường học tập cũng là tiêu chí quan trọng để em lựa chọn học tập" - Quý bày tỏ.
Theo ThS Vũ Đình Lê, Phó Giám đốc phụ trách Phòng Tư vấn tuyển sinh - Trường ĐH Luật TP HCM, số lượng học sinh THPT thử sức làm sinh viên Trường ĐH Luật TP HCM tăng dần qua mỗi năm. Theo thống kê, chỉ riêng năm học 2024, có khoảng 300 tân sinh viên cho biết từng tham gia hoạt động trải nghiệm này tại trường.
Mục đích chính của hoạt động trải nghiệm chính là giúp học sinh cảm nhận được "hơi thở" văn hóa của từng trường ĐH. Không nhất thiết tham gia trải nghiệm ở trường ĐH nào thì các em sẽ đăng ký nguyện vọng vào trường đó. Mỗi hoạt động là một mảnh ghép giúp học sinh hình dung rõ hơn về bức tranh tổng thể ĐH.
ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp - Trường ĐH Tài chính - Marketing (UFM), cho biết mỗi năm, nhà trường có khoảng 2.000 học sinh trải nghiệm làm sinh viên tại trường. Không chỉ tổ chức trải nghiệm cho học sinh trong nước, mới đây, chương trình "Một ngày là UFMer" còn đón hơn 100 học sinh Ấn Độ đến tham quan và giao lưu văn hóa.
"Học sinh trường THPT nào trải nghiệm thì nhà trường sẽ bố trí sinh viên là cựu học sinh trường THPT đó hỗ trợ. Thầy cô cung cấp kiến thức nhưng rất khó truyền được động lực cho học sinh như những anh chị cựu học sinh của trường" - ThS Phụng nhìn nhận.
ThS Phụng nhận xét việc tổ chức các chương trình trải nghiệm cho học sinh không khó, quan trọng nhất là sự kết nối giữa trường THPT và trường ĐH. UFM đang triển khai những chương trình tham quan, giao lưu trực tuyến thông qua các nền tảng số cho những học sinh ở xa.
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, cô Nguyễn Thị Ánh Mai, cho biết việc hướng nghiệp đóng vai trò then chốt khi định hướng tương lai cho học sinh. Ngoài việc phối hợp với các trường CĐ, ĐH, nhà trường còn chủ động triển khai nhiều hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, đặc biệt dành cho khối lớp 12.
Theo cô Mai, một vấn đề đáng quan tâm là nhiều học sinh, dù học lực trung bình hay xuất sắc, đều gặp khó khăn trong việc lựa chọn ngành nghề. Các em học lực trung bình thường tự ti, không dám đăng ký vào ngành nào; còn các em học giỏi lại phân vân giữa nhiều lựa chọn mà chưa biết đâu là con đường phù hợp.
Chính vì vậy, trường khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm trong và ngoài nhà trường, tăng cường mở rộng không gian học tập với phương pháp "thực học, thực nghiệm". Thông qua những lần "va chạm", học sinh có thể tìm thấy thích thú ở vài ngành nghề hoặc tìm ra "tài lẻ" của mình, từ đó dễ dàng lên kế hoạch phá triển cho tương lai.
Bình luận (0)