Lỗ đen siêu khối Sagittarius A* từ lâu đã được biết đến là "trái tim quái vật" của thiên hà chứa Trái Đất Milky Way (Ngân Hà) và đang trong trạng thái "ngủ đông" tĩnh lặng.
Tuy nhiên, các quan sát mới của kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới James Webb, do NASA phát triển và điều hành chính, cho thấy con quái vật này đang trong trạng thái sống động hơn chúng ta từng nghĩ.

Lỗ đen trung tâm của thiên hà chứa Trái Đất có thể sống động hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây - Minh họa AI: Thu Anh
Theo Science Alert, các quan sát ở 2 bước sóng gần hồng ngoại đã ghi nhận các đợt bùng phát vũ trụ có độ sáng và thời gian kéo dài khác nhau từ phía lỗ đen Sagittarius A*.
Các sự kiện này vô cùng mạnh mẽ, khiến lỗ đen được mô tả là như đang sủi bọt hoặc đang bắn pháo hoa vào không gian.
Các nhà nghiên cứu cho biết đĩa bồi tụ khí nóng bao quanh Sagittarius A* đã tạo ra 5-6 đợt bùng phát lớn mỗi ngày và một số vụ nổ nhỏ hơn ở giữa.
"Trong dữ liệu của chúng tôi, chúng tôi thấy độ sáng liên tục thay đổi, sủi bọt. Và rồi bùm! Một luồng sáng lớn đột nhiên xuất hiện. Sau đó, nó lại dịu xuống" - tác giả chính Farhad Yusef-Zadeh từ Đại học Northwestern (Mỹ) mô tả.
Các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng họ không thể tìm ra mô hình phù hợp để giải thích các vụ bùng nổ này.
Có vẻ như nó diễn ra ngẫu nhiên và một lần nữa cho thấy lỗ đen này chứa đựng nhiều bí mật thú vị hơn chúng ta tưởng.
Mặc dù vậy, kịch bản khả thi vẫn được đưa ra trong bài công bố trên tạp chí khoa học Astrophysical Journal Letters.
Các nhà nghiên cứu cho rằng 2 quá trình riêng biệt đang tạo ra màn trình diễn ánh sáng.
Các đợt bùng phát nhỏ hơn có thể là do sự nhiễu loạn trong đĩa bồi tụ, nén khí nóng, từ hóa của đĩa. Những nhiễu loạn như vậy có thể tạo ra các đợt bức xạ ngắn giống như các đợt bùng phát của Mặt Trời, thứ thỉnh thoảng vẫn gây ra bão địa từ trên Trái Đất.
Trong khi đó, các vụ nổ lớn hơn có thể là do các sự kiện kết nối lại từ trường. Điều đó sẽ xảy ra khi hai từ trường va chạm, tạo ra các luồng hạt sáng di chuyển với vận tốc gần bằng tốc độ ánh sáng.
Một phát hiện bất ngờ khác liên quan đến cách các đốm sáng sáng lên và mờ đi khi nhìn thấy ở hai bước sóng khác nhau.
Vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng cho nguồn gốc hiện tượng này, nhưng kết hợp một loạt đặc điểm gây kinh ngạc nói trên, điều đó có thể đóng vai trò là manh mối cho các quá trình vật lý đang diễn ra trong đĩa xoáy xung quanh lỗ đen.
Đó cũng là cánh cửa để nhân loại có thể "nhìn" vào một thế giới tưởng chừng hoàn toàn tăm tối.
Bình luận (0)