Gần một tuần sau khi 85 trẻ, từ sơ sinh đến 10 tuổi, tại Mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TP HCM) được giải cứu, đưa về 3 trung tâm bảo trợ công lập tại TP HCM, chúng tôi đã đến thăm các em.
Đêm không quên!
Quay ngược thời gian về đêm 4-9, tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Bảo trợ trẻ em Tam Bình (TP Thủ Đức, TP HCM), chiếc xe chở theo 32 em nhỏ (26 trẻ từ 12-36 tháng tuổi, 5 trẻ từ 4-5 tuổi, 1 bé 10 tuổi) từng sống tại Mái ấm Hoa Hồng chầm chậm lăn bánh vào trung tâm. Những đôi mắt tròn xoe, ngập tràn nỗi sợ hãi. Những bước chân rụt rè chạm đất như đang dò dẫm, mong tìm sự quen thuộc ở nơi mới.
Nhân viên tại trung tâm, từ bảo mẫu đến các bác sĩ, đã túc trực chờ các em từ sớm, lòng đầy lo lắng. Cái lạnh của màn đêm khiến trái tim những người lớn thêm thắt lại. Họ đã đọc qua những dòng tin, nhìn thấy những hình ảnh xót xa về cảnh ngộ của các em.
Đến khi trông thấy những bước chân nhỏ xíu lóng ngóng bước xuống xe, những bàn tay bé nhỏ siết chặt lấy nhau trong sự bối rối, bà Nguyễn Thị Hồng Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và Bảo trợ trẻ em Tam Bình, xúc động nghẹn ngào. Trong khoảnh khắc ấy, những giọt nước mắt đã chảy dài trên gò má của các bảo mẫu Phượng, Bảo, Hiên... - những người mẹ mới của các em tại trung tâm.
Đón các em về nơi ở mới còn có những người anh, người chị cùng là trẻ mồ côi nhưng may mắn hơn vì được lớn lên trong sự an toàn và yêu thương. Sự đồng cảm, tình thương và khát khao mang lại hạnh phúc cho những đứa trẻ bé bỏng như dâng trào trong mỗi người. Không ai có thể kìm được nước mắt.
Dù lòng đầy xúc động, họ vẫn cố gắng nở nụ cười ấm áp để các em cảm thấy bớt lo lắng, sợ hãi. Họ dang rộng vòng tay, ôm chặt những đứa trẻ như muốn nhanh chóng xoa dịu cơn ác mộng trong tâm hồn các em.
Những đứa trẻ vừa được bồng lên đã níu chặt lấy bảo mẫu. Những đôi mắt trong veo ánh lên nỗi khao khát được che chở, những bàn tay nhỏ xíu bám chặt như sợ rằng chỉ cần buông ra, sự an toàn vừa chạm tới sẽ vuột mất. Giữa những giọt nước mắt và những cái ôm ấm áp, tình người lan tỏa khắp mọi ngóc ngách của trung tâm.
Bà Nguyễn Thị Hồng Châu nghẹn ngào chia sẻ: "Đêm đó, không chỉ các em nhỏ bắt đầu hành trình mới mà những người mẹ của trung tâm cũng bước vào thử thách mới. Thử thách của một hành trình dài đem lại yêu thương và sự an ủi cho những trái tim non nớt chịu nhiều tổn thương".
Mỗi ngày mới là một tia hy vọng mới
Bước qua cơn ác mộng, ngày chúng tôi đến, những tiếng cười khúc khích, dù còn e dè, đã bắt đầu vang lên trong căn phòng sáng sủa, khang trang ở lầu 4 của Trung tâm Nuôi dưỡng và Bảo trợ trẻ em Tam Bình. Các em được khoác lên mình những bộ quần áo sạch sẽ, vừa vặn và thơm tho.
Trong ngôi nhà mới này, từng đứa trẻ được gọi đúng tên thật của mình. Ban đầu khi chưa thể nhớ hết tên các con, các bảo mẫu cẩn thận viết lên những cánh tay nhỏ xíu họ tên đầy đủ của từng trẻ. Từ đây, những đứa trẻ bắt đầu hành trình tìm lại niềm tin rằng mình xứng đáng được yêu thương, được tôn trọng.
Nghe mẹ Phượng thông báo đến giờ ăn trưa, các anh chị lớn nhanh tay xếp những chiếc bàn nhỏ vào vị trí một cách ngay ngắn. Những đứa trẻ ngồi vào ghế như đã quen thuộc với nếp sinh hoạt mới. Hôm nay, các em được ăn bún mọc. Mùi bún thơm lừng lan tỏa khắp căn phòng. Ánh mắt của các em như sáng lên, vừa thích thú lại vừa lạ lẫm, háo hức. Những phần bún còn được các mẹ cẩn thận cắt ngắn, thổi nguội. Những đôi tay nhỏ bé tự múc từng muỗng đưa lên miệng. Dù chậm chạp, dù vương vãi nhưng chẳng ai trách mắng.
Các em bé chưa tự ăn thì các mẹ, các chị dịu dàng đút từng muỗng. Không vội vàng, không thúc ép. Khi miếng bún chạm vào môi, những ánh mắt lấp lánh niềm vui hiện lên, đôi môi hé nụ cười bé xinh. Trong khoảnh khắc tưởng chừng bình thường ấy, nước mắt chúng tôi chực trào. Không khóc, không đòi hỏi, vòi vĩnh, dường như với các em chỉ đơn giản tự múc ăn, một bữa ăn ngon, an lành đã là hạnh phúc lớn lao.
Bà Nguyễn Thị Hồng Châu cho biết sau thời gian cách ly, 32 em nhỏ từ Mái ấm Hoa Hồng sẽ được chuyển xuống các lầu dưới để hòa nhập với 223 bạn khác ở trung tâm.
"Các con trong độ tuổi đến trường sẽ được đi học. Hiện tại, dù các con đã bỏ lỡ lễ khai giảng, một ngày trọng đại mà mọi đứa trẻ đều mong đợi nhưng điều quan trọng hơn hết là làm sao để các con sớm ổn định tâm lý. Trẻ càng lớn, việc này lại càng khó khăn. Tuy nhiên, mọi thứ đều cần có thời gian và chúng tôi tin các con sẽ ổn. Mỗi ngày mới sẽ là một tia hy vọng mới" - bà Châu bày tỏ.
Nhìn cách nhân viên trung tâm chăm chút cho các em, chúng tôi nhận ra rằng nụ cười của các em là món quà to lớn đối với những người cha, người mẹ mới ở trung tâm. Bởi họ hiểu rõ sự kiên nhẫn và tình yêu thương sẽ làm nên điều kỳ diệu - chữa lành những vết thương sâu trong tâm hồn các em, đem lại cho các em một tuổi thơ, dù muộn màng nhưng trọn vẹn và ấm áp hơn.
Những chiếc lồng đèn nhiều màu sắc
Đến Trung tâm Nuôi dưỡng và Bảo trợ trẻ em Gò Vấp (quận Gò Vấp, TP HCM), chúng tôi cảm nhận không khí Trung thu ngập tràn nơi đây khi trên từng chiếc nôi nhỏ là những chiếc lồng đèn Trung thu đầy màu sắc. Không gian yên ắng thỉnh thoảng bị khuấy động bởi tiếng khóc của các bé sơ sinh, những đứa trẻ vừa được đưa về từ Mái ấm Hoa Hồng. Mỗi lần như thế, các bảo mẫu lại vội vã chạy đến, nhẹ nhàng vỗ về, an ủi.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và Bảo trợ trẻ em Gò Vấp, trung tâm đang thực hiện cách ly y tế đối với 15 trẻ sơ sinh này. Ngay khi các bé mới đến, trung tâm đã tiến hành khám sức khỏe tổng quát, đo cân nặng và thiết lập chế độ sữa, chế độ ăn phù hợp cho từng bé.
"Có thể do các con đã quen sống trong môi trường tập thể trước đó nên việc hòa nhập tại trung tâm diễn ra khá suôn sẻ. Trong thời gian cách ly, chỉ có các bảo mẫu được tiếp xúc và chăm sóc các con nhằm bảo đảm sự an toàn và vệ sinh tối đa. Quá trình cách ly hoàn tất, các con sẽ được chuyển về các khoa tương ứng với độ tuổi. Khi đó, trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ tâm lý, kỹ năng nhằm giúp các con thích nghi tốt hơn với môi trường mới và phục hồi từ những tổn thương đã trải qua" - ông Hải nói.
Mùa Trung thu, ánh sáng lung linh của những chiếc lồng đèn tỏa sáng trong căn phòng này như một lời hứa rằng dù cuộc đời có nghiệt ngã đến đâu, vẫn còn đó tình thương, bàn tay nhân ái dang rộng, che chở và nâng niu các em, những phận đời vừa sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi vì thiếu vắng tình thân.
Bảo vệ quyền lợi tối đa cho trẻ em
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, khẳng định 3 trung tâm bảo trợ xã hội tiếp nhận trẻ từ Mái ấm Hoa Hồng sẽ tạo dựng một môi trường sống, sinh hoạt và vui chơi an toàn, lành mạnh cho các em. Các trung tâm còn chú trọng đến việc phục hồi tâm lý và giáo dục, giúp trẻ phát triển toàn diện, hòa nhập tốt hơn với cộng đồng.
Trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tăng cường kiểm tra, giám sát tất cả cơ sở bảo trợ xã hội đã được cấp phép; đồng thời kiên quyết ngăn chặn các cơ sở hoạt động không phép. Sở cam kết sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá thường xuyên nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm, bảo đảm hệ thống bảo trợ xã hội hoạt động hiệu quả và bảo vệ quyền lợi tối đa cho trẻ em.
Bình luận (0)