Sáng 5-12, Hội thảo với chủ đề "Thu hút đầu tư xanh: lọc ngành hay giảm phát thải" do Báo Thanh Niên tổ chức đã đặt ra vấn đề nên lọc và chọn hướng nào thích hợp để thu hút đầu tư trong quá trình tăng trưởng xanh. Nhất là khi Việt Nam sẽ đặt ra mục tiêu, lộ trình phát thải ròng về 0% vào năm 2050 như cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ tại COP28 mới đây.
Rào cản trong thu hút đầu tư
Là chủ đầu tư Khu công nghiệp (KCN) Phú Mỹ 3 (Bà Rịa - Vũng Tàu), bà Nguyễn Thị Thảo Nhi đặt vấn đề làm sao để cơ quan quản lý và đơn vị phát triển hạ tầng KCN có thể nhận diện được khách hàng nào đặt mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững để mạnh dạn mời gọi.
"Cơ quan quản lý phải định nghĩa lại phát triển xanh, chứ không thể chỉ nghe thấy doanh nghiệp sản xuất vật liệu cơ bản, hóa chất cơ bản là tự động xếp vào ngành ô nhiễm. Nhiều đơn vị muốn đăng ký đầu tư phải xin chủ trương, chứng minh rất nhiều thức. Đó là rào cản, vô hình trung làm giảm cạnh tranh trong thu hút đầu tư vốn đầu tư nước ngoài"- bà Nhi chia sẻ.
Trong khi đó, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP HCM, cho rằng nếu phải lọc ngành thì TP HCM sẽ chủ động thực hiện. Vì quỹ đất công nghiệp còn khá hạn hẹp nên thành phố ưu tiên thu hút các dự án giá trị gia tăng cao, lĩnh vực công nghệ cao, suất đầu tư cao.
"TP HCM ghi nhận những đóng góp của các nhà đầu tư cũ, kể cả là nhà đầu tư thâm dụng lao động, ngành có công nghệ chưa phát triển. Vì họ đã mang giá trị kinh tế cho TP, vì sự phát triển kinh tế vùng, tạo công ăn việc làm cho người dân nên thời gian tới, thành phố vẫn tạo quỹ đất. Nếu sau này, doanh nghiệp không còn phù hợp ở vị trí KCN hiện tại sẽ đưa về những KCN mới, phù hợp hơn. Tuy vậy, bản thân doanh nghiệp phải thay đổi công nghệ cho phù hợp xu hướng cũng như mục tiêu Chính phủ đề ra"- ông Hưng nói.
Không xanh thì "chết"
Tại hội thảo, ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), nhấn mạnh xu thế xanh là tất yếu. Nếu sản phẩm không xanh thì không thể cạnh tranh. "Nhưng thực tế là chúng ta phải đánh cược với chính sách. Trong đó, một trong những trụ cột chính là khuôn khổ pháp lý cho chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia, cần một chương trình hành động cụ thể. Điều quan trọng, đi đầu là xây dựng chính sách, phải có công cụ cho phát triển xanh bền vững. Vì vậy cần có bộ phương pháp đánh giá chuẩn để chọn ngành thu hút đầu tư" - ông Sử nêu vấn đề.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, tăng trưởng xanh hiện nay còn "hot" hơn cả phát triển bền vững. Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là nội hàm quan trọng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0-5.0. "Xanh không phải là lựa chọn mà là con đường độc đạo để đi nhưng nếu không xanh thì "chết". Tuy vậy, quá trình xanh hóa nền kinh tế cần có lộ trình, không thể xanh trong một ngày mà cần mục tiêu, lộ trình rõ ràng. Nếu quá trình đi mà sai thì sẽ ra sao?" - ông Lộc đăt câu hỏi.
Bẫy lọc ngành trong tăng trưởng xanh
Đặc biệt, ông Lộc nhấn mạnh cần tránh bẫy lọc ngành. Bởi hệ thống kinh tế chúng ta là chuỗi giá trị mà chúng ta đang khuyến khích phát triển hệ sinh thái tuần hoàn, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ khi công nghệ này chưa phát triển trong khi nó cũng liên quan phát triển các nguồn tài nguyên. Nếu không gia tăng giá trị cho ngành này thì chúng ta cũng không thể tăng trưởng được cho cả nền kinh tế.
"Trong quá trình phát triển, tăng trưởng xanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) vẫn phải là đối tượng ưu tiên. Hãy lắng nghe họ nhiều hơn khi xây dựng chính sách để có thể hỗ trợ họ phát triển. Đừng để phát triển, tăng trưởng xanh mà SMEs ngoài cuộc trong khi họ là nhân tố quan trọng" – ông Lộc lưu ý tại hội thảo.
Bình luận (0)