Trong chuyển đổi số (CĐS) hiện nay, vẫn đang tồn tại hiện trạng "hồn tin học hóa, da CĐS".
Một trong những vướng mắc của công cuộc CĐS hiện nay là còn tắc nghẽn ở yêu cầu liên thông dữ liệu (LTDL), đặc biệt là dữ liệu dùng chung. Tin học hóa thì không cần thiết phải LTDL. Nhưng CĐS sẽ không thể thực hiện được nếu không có LTDL.
Trong chính quyền số (cùng với kinh tế số và xã hội số là 3 mục tiêu mang tính trụ cột của CĐS), các dịch vụ thủ tục hành chính công phải được số hóa và vận hành trên nền internet. Thực tế thì nhiều nơi, nhiều ngành đã cơ bản thực hiện xong việc chuyển đổi từ văn bản giấy sang điện tử. Nhưng giấy tờ điện tử sẽ mang lại tác dụng nhiều khi không có LTDL (cấp địa phương tới quốc gia) cũng như thiếu các quy định làm cơ sở pháp lý (thường là phải sửa đổi quy định cũ).
Vào thời điểm này, khi có việc phải tới các cơ quan hành chính địa phương, hay bệnh viện, ngân hàng..., công dân sẽ được tiếp cận hình thức điện tử của các loại văn bản như giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế… đã giúp việc giải quyết các thủ tục hành chính tiện lợi và thông thoáng hơn. Tuy nhiên, từ nhiều công dân, thậm chí cả cán bộ xử lý, cũng chưa hài lòng với quy trình thực hành giấy tờ điện tử. Hai sự cố phổ biến là lỗi kết nối và chưa thể LTDL dùng chung thông suốt. Chẳng hạn, như gặp trường hợp cấp giấy chứng nhận độc thân mà đương đơn có quá trình sống tại nhiều địa phương, cán bộ thụ lý thường gặp bị vướng ở khâu xác minh.
Có nhiều cái vướng đã và vẫn đang cần cơ quan chức năng tháo gỡ. Ví dụ, với Thông tư số 59/2021/TT-BCA ngày 15-5-2021 của Bộ Công an, công an cấp phường, xã có quyền thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin về công dân trong Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư. Về lý thuyết, người dân không phải đi đâu xa hơn, thậm chí tránh được cảnh phải mệt mỏi trở về địa phương gốc để xác minh và chỉnh sửa. Nhưng nhiều nơi, hệ thống cơ sở dữ liệu lại không được cơ quan chức năng cập nhật lên hệ thống.
Theo các chuyên gia, quy trình thủ tục hành chính truyền thống trên văn bản giấy không tương thích với quy trình điện tử, đòi hỏi cơ quan chức năng phải thay đổi. Ngay cả giao diện phần mềm trước đây thiết kế cho máy tính, giờ lại không tương thích với các thiết bị di động có màn hình cảm ứng hay mỗi nhà cung cấp phần mềm quản lý hành chính công lại có sự khác nhau về quy trình, thường là giao diện. Mỗi khi thay đổi hay thậm chí cập nhật phần mềm, tình trạng lỗi dễ xảy ra, thậm chí bị mất dữ liệu sao lưu.
CĐS là một hành trình liên tục nên các cơ quan đầu ngành có liên quan phải có cơ chế thường xuyên nắm bắt, cập nhật, bám sát thực tế thực hiện ở cấp cơ sở.
Bình luận (0)