TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM (1 trong 5 trường ĐH có sinh viên nhận học bổng Nguyễn Trường Tộ, gồm: Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Y Dược, Nhạc viện TP HCM và Trường ĐH Nông Lâm), cho biết mỗi sinh viên ứng tuyển nhận học bổng đều có hoàn cảnh , câu chuyện riêng được viết từ những miền quê khác nhau. Điểm chung là các em đều có ý chí nghị lực vươn lên không ngừng nghỉ, quyết tâm vượt lên hoàn cảnh, hướng đến một tương lai tươi sáng.
"Các học bổng dành cho sinh viên khó khăn học giỏi không chỉ là việc hỗ trợ tài chính mà còn mang lại nhiều giá trị tinh thần, khuyến khích và tạo cơ hội cho sự phát triển bản thân, đồng thời góp phần vào việc xây dựng một xã hội công bằng và phát triển" - TS Trần Đình Lý nói.
Một nét mới năm nay, để động viên tân thủ khoa các trường, thủ khoa ngành có hoàn cảnh khó khăn, VNHELP đã cùng nhà trường xét thưởng cho 2 sinh viên của Trường ĐH Nông Lâm và Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật 2 suất đặc biệt với mức thưởng 1 triệu đồng/1 điểm xét tuyển. Trong đó, VNHELP tặng các em 50% khoản thưởng này.
VNHELP đã hoạt động liên tục từ năm 1991 đến nay, ban đầu với việc cấp học bổng cho vài chục sinh viên từng năm học, đến nay đã cam kết cấp học bổng xuyên suốt cho toàn khoá học để động viên những sinh viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoàn tất chương trình học để vững bước vào đời.
Hoat động của VNHELP cũng không chỉ gói gọn ở việc cấp học bổng Nguyễn Trường Tộ mà còn mở rộng sang các lĩnh vực xây dựng trường học, trợ giúp người khuyết tật, tài trợ các bệnh xá miễn phí, hỗ trợ vốn để người dân ở những vùng khó khăn có cơ hội phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống…
Theo TS Trần Đình Lý, Nguyễn Trường Tộ còn được gọi là thầy Lân, là một danh sĩ, kiến trúc sư và là nhà cải cách xã hội Việt Nam ở thế kỷ XIX. Ông là người có tài và có tâm huyết, có sự đóng góp to lớn, từng vạch ra nhiều kế hoạch canh tân giúp dân, giúp nước… Về kinh tế, ông đề nghị chấn hưng "nông, công, thương nghiệp" để làm cho dân giàu nước thịnh bằng những hành động cụ thể như: Tổ chức khai hoang, bảo vệ rừng, thành lập các đoàn tàu đem nông sản đi bán, cử người thăm dò tài nguyên, khai thác mỏ, thành lập các cơ sở sản xuất công nghệ và đào tạo thợ kỹ thuật… Để nền kinh tế cả nước có thể giao thông dễ dàng thì phải chú ý đến việc làm mới và tu bổ đường bộ và đường thủy...
Bình luận (0)