Chuyên gia tâm lý NGUYỄN THỊ MỸ DUNG, Đơn vị Tâm lý - Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), trả lời: Khi trẻ than đau bụng vào buổi sáng trước khi đi học, đau đầu khi có bài kiểm tra lặp đi lặp lại thường xuyên có thể là dấu hiệu của sự lo lắng, căng thẳng. Thực tế, sự lo lắng liên quan đến một loạt triệu chứng thể chất, bao gồm đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, tim đập nhanh, run rẩy hoặc đổ mồ hôi... Những triệu chứng này đang thông báo rằng cơ thể đang phản ứng hoặc báo động trước các vấn đề gây khó chịu cho cơ thể.
Khi trẻ xuất hiện một loạt triệu chứng thể chất trước khi đến trường hoặc những thời điểm khác, gia đình nên đưa đến gặp bác sĩ để loại trừ các mối lo ngại về y tế. Với trường hợp của bạn, trẻ đã được khám và kết quả chưa ghi nhận bất thường. Để giúp trẻ nhận ra mối liên hệ giữa những lo lắng và các triệu chứng cơ thể trẻ gặp phải, đầu tiên cha mẹ không nên hỏi trẻ những câu hỏi dẫn dắt như "Con có lo lắng về bài kiểm tra toán không?". Các câu hỏi nên kết thúc mở như "Con cảm thấy thế nào về bài kiểm tra toán?".
Nếu những vấn đề trẻ gặp phải làm trẻ khó khăn cho việc đến lớp học, khả năng tập trung ở trường, tham gia hoạt động, giao tiếp với bạn bè cùng trang lứa thì trẻ có thể đã xuất hiện những triệu chứng căng thẳng, lo âu, cần được điều trị bởi chuyên gia sức khỏe tinh thần. Phương pháp điều trị đối với chứng rối loạn lo âu là liệu pháp hành vi nhận thức, giúp trẻ em xác định lo lắng của bản thân, học các kỹ năng để giảm bớt và ứng phó. Các chuyên gia gợi ý có thể giúp trẻ giảm những triệu chứng đang gặp phải. Nếu không biết bắt đầu từ đâu, hãy nghĩ đến sự trợ giúp của chuyên gia để được tư vấn hỗ trợ.
Bình luận (0)