Theo Chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 21-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước vào sáng 22-5.
Cũng theo chương trình kỳ họp, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước trong sáng ngày 22-5, tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ và phát biểu nhậm chức.
Trước đó, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất rất cao giới thiệu Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, để Quốc hội khóa XV bầu giữ chức Chủ tịch nước.
Nội dung, trình tự và nghi thức tuyên thệ
Điều 8 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 quy định sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.
Theo quy định tại Điều 31 Nội quy Kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 71/2022/QH15, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.
Ngoài nội dung quy định nêu trên, người tuyên thệ quyết định nội dung tuyên thệ phù hợp với trách nhiệm được giao.
Vị trí tuyên thệ là vị trí trang trọng của lễ đài. Đại biểu Quốc hội, người được mời tham dự, dự thính tại phiên họp đứng trang nghiêm chứng kiến Lễ tuyên thệ.
Lễ tuyên thệ được tiến hành theo trình tự sau đây:
Quân nhạc cử nhạc nghi lễ và đội tiêu binh vào vị trí.
Người tuyên thệ chào Quốc kỳ, tiến vào vị trí tuyên thệ và tiến hành tuyên thệ. Sau khi tuyên thệ, người tuyên thệ phát biểu nhậm chức.
Như vậy, so với Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 102/2015/QH13 ngày 24-11-2015, thì Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 71/2022/QH15 đã có sự thay đổi là không khống chế thời gian phát biểu nhậm chức thay vì thời gian tuyên thệ không quá 3 phút như quy định tại Nghị quyết số 102/2015/QH13 trước đây.
Trình tự bầu Chủ tịch nước
Theo Hiến pháp 2013, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, đại diện cho nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội.
Trước tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.
Ngoài danh sách do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào chức danh Chủ tịch nước; người được giới thiệu ứng cử có quyền rút khỏi danh sách người ứng cử.
Sau đó, đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề có liên quan.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; trình Quốc hội quyết định danh sách người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử (nếu có).
Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước.
Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu.
Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu, kết quả biểu quyết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội dự thảo nghị quyết bầu Chủ tịch nước.
Quốc hội thảo luận.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo nghị quyết.
Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết.
Chủ tịch nước tuyên thệ.
Tiêu chuẩn Chủ tịch nước
Theo Quy định 214-QĐ/TW ngày 2-1-2020 của Ban Chấp hành Trung ương về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, thì tiêu chuẩn Chủ tịch nước bên cạnh phải bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn chung nêu tại Mục 1, Phần I, Quy định 214-QĐ/TW; đồng thời bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực:
Có uy tín cao, là trung tâm đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân.
Có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp.
Là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước.
Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.
Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.
Bình luận (0)