Theo SciTech Daily, nghiên cứu mới dẫn đầu bởi TS Congrui Grace Jin từ Đại học Texas A&M (Mỹ) đã chỉ ra một giải pháp đầy hứa hẹn để xây dựng các căn cứ ngoài hành tinh: Gạch sống.

"Gạch sống" theo công nghệ của Mỹ hứa hẹn giúp con người xây dựng các căn cứ ngoài hành tinh dễ dàng hơn - Ảnh minh họa: SCITECH DAILY
Xây dựng các thành phố ngoài hành tinh - mà mục tiêu gần nhất của nhiều cơ quan vũ trụ là Sao Hỏa - vốn đầy thách thức.
Vì môi trường trên Sao Hỏa và các hành tinh khác rất khắc nghiệt, thiếu thốn. Chúng cũng quá xa Trái Đất nên bất tiện trong việc mang vác vật liệu để xây và bảo trì.
Câu hỏi được đặt ra: Có thể xây dựng từ những vật liệu hạn chế trên Sao Hỏa hay không?
Nhóm của TS Jin đã phát triển một hệ thống địa y tổng hợp có khả năng sản xuất vật liệu xây dựng độc lập, không cần sự can thiệp của con người.
Địa y là sinh vật cộng sinh đặc biệt, được tạo thành từ sự kết hợp mật thiết giữa một loài nấm và vi khuẩn lam hoặc tảo. Địa y tổng hợp cũng như vậy, nhưng việc tổng hợp được chúng sẽ giúp chúng ta có đủ lượng địa y phục vụ việc xây dựng.
Thiết kế địa y tổng hợp sử dụng nấm sợi dị dưỡng làm vật liệu liên kết vì chúng có thể thúc đẩy lượng lớn khoáng sinh học và sống sót trong điều kiện khắc nghiệt tốt hơn nhiều so với vi khuẩn dị dưỡng.
Những loại nấm này được ghép nối với vi khuẩn lam quang tự dưỡng diazotrophic để tạo ra hệ thống địa y tổng hợp.
Cũng như địa y tự nhiên, những sinh vật nhỏ bên trong thảm sinh vật cộng sinh này có thể tự nuôi dưỡng nhau chỉ nhờ không khí, ánh sáng và các yếu tố môi trường hạn chế khác của Sao Hỏa.
Quan trọng hơn, cả nấm và vi khuẩn đều tiết ra các polymer sinh học giúp tăng cường độ bám dính và sự gắn kết, cũng như các hạt kết tủa.
Viết trên tạp chí khoa học Journal of Manufacturing Science and Engineering, nhóm nghiên cứu cho biết khi trộn dạng sinh vật đặc biệt này vào "đất Sao Hỏa" regolith hỗn hợp gồm bụi, cát và đá của hành tinh này, chúng ta sẽ có những viên gạch bền chắc lâu dài.
Bình luận (0)