Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa đoàn kết gắn bó, làm tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, là điểm tựa vững chắc để ngư dân vươn khơi bám biển
Sau hải trình dài, sáng sớm 28-4, con tàu KN 290 đưa đoàn đại biểu TP HCM ra thăm cán bộ, chiến sĩ (CBCS), nhân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 đã đến đảo Sinh Tồn. Đây là đảo đầu tiên trong các đảo mà đoàn sẽ đến: Sinh Tồn, Cô Lin, Núi Le B, Tốc Tan C, Đá Tây B, Trường Sa Lớn và nhà giàn DK1 (Phúc Tần).
Thương nhau như anh em một nhà
Đảo Sinh Tồn hiện ra rõ dần, màu xanh cây trái, mái ngói đỏ doanh trại. Đặt bàn chân đầu tiên lên đảo, ai cũng rưng rưng, đất nước mình đây, trời của ta, biển của ta, là máu xương của bao thế hệ cha ông khai phá, giữ gìn. Chúng tôi đi dưới bóng những hàng dương, cây bàng, cây phong ba tỏa bóng mát…
Đón đoàn là đại diện gia đình quân nhân trên đảo, các sĩ quan của đơn vị bảo vệ đảo thuộc Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân. Báo cáo với Chuẩn Đô đốc Phạm Như Xuân - Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác và Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Phước Lộc, trưởng đoàn đại biểu TP HCM, trung tá Phạm Sỹ Thoại - Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn, Chủ tịch UBND xã đảo Sinh Tồn - cho biết CBCS và nhân dân đoàn kết gắn bó, làm tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, là điểm tựa vững chắc để ngư dân vươn khơi bám biển.
Tại đảo Cô Lin, nổi bật trên biển xanh là hình khối hai tòa nhà bê-tông bề thế. Cũng như các đảo tiền tiêu ở Trường Sa, khó khăn là thời tiết khắc nghiệt, ảnh hưởng đến việc bảo quản vũ khí, trang bị, song theo thượng úy Phan Văn Trung, Chỉ huy trưởng đảo Cô Lin, CBCS luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, duy trì huấn luyện trực chiến, tuần tra canh gác 24/24 giờ, an tâm công tác, quyết hoàn thành nhiệm vụ.
Tương tự, ở các đảo Tốc Tan C, Núi Le B, Đá Tây B, Trường Sa Lớn, chúng tôi đều gặp những chiến sĩ bồng súng đứng gác hay dõi mắt quan sát khi đang trực chiến. Các CBCS làm nhiệm vụ khác với sự khẩn trương. Ai cũng vui khi có đoàn từ đất liền ra thăm đảo.
Tại đảo Tốc Tan C, trò chuyện với chúng tôi, chiến sĩ Lê Văn Nguyên, quê Phú Yên, nói ra đảo đã 4 tháng, nay quen dần và bớt nhớ nhà. Chiến sĩ Vũ Văn Hòa, quê Thanh Hóa, đã ra được 8 tháng, nói vất vả trong sinh hoạt vì thời tiết khắc nghiệt đều được vượt qua, đó cũng là môi trường để lính trẻ như anh rèn luyện. Tại đảo Đá Tây B, chiến sĩ Trương Quang Thuận, quê Bình Định, cho biết CBCS trong đơn vị hòa đồng, thương nhau như anh em một nhà nên tất cả gian lao, khó nhọc đều cùng nhau vượt qua.
Trước khi ra Trường Sa, một trong những quà tặng được chuẩn bị là hạt giống. Ra đảo, các thành viên trong đoàn đều rất vui khi thăm các vườn rau. Hầu như đảo nào cũng có rau xanh, khá tươi tốt, nhiều loại. Đảo Cô Lin có 3 vườn rau xanh, đủ loại rau: muống, cải, mồng tơi, dền, bí xanh, ớt. Những vườn rau đã bảo đảm đủ chất xanh cho bữa ăn của bộ đội Trường Sa.
"Còn người là còn nhà giàn, còn đất nước"
Những ngày này, sóng không quá lớn nên hầu hết các thành viên trong đoàn đều có thể lên được nhà giàn DK1 (Phúc Tần). Leo từng bậc thang lên nhà giàn, nhiều người không dám nhìn xuống bởi biển sâu hun hút phía dưới, lên trên giàn cao gió thổi phần phật. Từ đây mới thấy sự kiên cường, hy sinh lớn lao của CBCS nhà giàn để bảo vệ thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Những CBCS nhà giàn đều cho biết ở nhà giàn thường thiếu nước ngọt nên phải hết sức tiết kiệm nước. Tiêu chuẩn mỗi người một ngày 20 lít, tắm chỉ gội đầu, giữ nước tráng để tưới rau.
Đại úy Nguyễn Văn Phương, quê Nghệ An, nhân viên quân y nhà giàn DK1, cho biết những năm gần đây, đời sống bộ đội ở nhà giàn được cải thiện nhiều. Anh em trồng rau lên xanh tốt và nuôi được heo, gà. Phương nói có tiếng heo kêu, gà gáy cũng làm cho bộ đội cảm giác như ở quê nhà thân thuộc.
Nói về những gian lao, chiến sĩ Trương Văn Vàng, quê Phú Yên, kể lại có những lúc gió mạnh, sóng đánh rất cao, song ở quê anh từng đi biển nên cũng không ngại. Dần dần các lính trẻ cũng quen với hoàn cảnh, nắng mưa, gió bão vẫn trực chiến, cảnh giác cao độ, sẵn sàng chiến đấu.
Theo thượng tá Phạm Ngọc Quý, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, đã có nhiều trận bão lớn, sóng to đánh đổ 5 nhà giàn. Song, CBCS vẫn bám trụ đến cùng, dặn nhau rằng "còn người là còn nhà giàn, còn đất nước"; "1 người chết để cho 1.000 người sống". Những năm qua, các trận bão lớn hoành hành trên biển đã cướp đi mạng sống của 10 CBCS trên các nhà giàn. "Chào thủ trưởng, chào đồng chí, chào đất liền, chúng tôi đi", những người lính quả cảm đã đánh đổi mạng sống để giữ vững cột mốc chủ quyền biển đảo.
Rèn luyện bản lĩnh, vững vàng tiếp bước cha anh
Trong chuyến thăm Trường Sa lần này có 3 cựu binh của tàu HQ 505 là thượng tá Phạm Văn Hưng và các cựu binh Lê Tiến Dũng, Phạm Văn Cương - những người trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển Trường Sa, là nhân chứng của trận hải chiến Gạc Ma ngày 14-3-1988, nơi 64 CBCS anh dũng hy sinh. Các cựu binh cảm ơn Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân đã tạo cơ hội cho họ được trở lại chiến trường xưa trong niềm xúc động.
Các cựu binh cùng Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Phước Lộc đã tặng tấm ảnh có lời phát biểu của Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, khi dự lễ kỷ niệm 33 năm ngày truyền thống Quân chủng Hải quân 7-5-1988 tại đảo Trường Sa lớn, sau sự kiện Gạc Ma gần 2 tháng: "Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của CBCS đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta".
Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Phước Lộc nhắn nhủ với những người lính trẻ rằng, 3 cựu binh thời đó cũng 23-25 tuổi, như họ bây giờ, dâng hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, chiến đấu dũng cảm, là nhân chứng cho ý chí quật khởi, kiên cường. Ông Nguyễn Phước Lộc và Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP HCM Nguyễn Mạnh Cường đã tặng chiếc áo khoác của đoàn mà các ông đang mặc cho chiến sĩ, dặn dò chiến sĩ trẻ phấn đấu rèn luyện bản lĩnh vững vàng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.
Ông Nguyễn Phước Lộc khẳng định TP HCM sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để tạo nguồn lực chăm lo cho quân dân Trường Sa. Những phần quà của chuyến công tác là tấm lòng, là tình yêu để quân và dân Trường Sa cảm nhận rõ TP HCM và cả nước luôn bên cạnh, là hậu phương vững chắc cho quần đảo kiên cường này.
Kỳ tới: Một lòng son sắt, thủy chung
Mãi ghi ơn những người ngã xuống
Trong chuyến công tác, đoàn đã tổ chức 2 buổi lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Trường Sa. Đoàn đã dâng hương, thả vòng hoa xuống biển để tưởng nhớ trong niềm tiếc thương vô hạn.
Trong diễn văn tưởng niệm, thượng tá Vũ Trọng Lực, Cục Chính trị - Bộ Tư lệnh Hải quân, nghẹn ngào: "Máu các anh đã tan vào biển mặn, hòa vào cánh sóng, hóa linh hồn bất tử, nhắc nhở thế hệ muôn đời sau tinh thần quyết tử để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Biển thì rộng mà sức người có hạn, đến nay xương cốt nhiều CBCS Hải quân chúng tôi vẫn nằm lại dưới biển sâu lạnh lẽo, đang hằng ngày hằng giờ mòn mỏi trong thời gian, quặn đau trong sự khắc nghiệt của thiên nhiên, bão tố. Gia đình, người thân của các đồng chí chỉ biết lấy nước biển nơi các anh đã hy sinh để thay cho xương cốt về thờ cúng"…
Bình luận (0)