HTS đã thành lập chính phủ quá độ và tuyên bố tạm ngừng hiệu lực của hiến pháp và hoạt động của quốc hội trong thời gian 3 tháng nhưng chưa cho trong và ngoài đất nước này biết sẽ lựa chọn mô hình chính trị nào và theo ý thức hệ nào cho Syria.
Những lực lượng vũ trang khác chống ông Assad lâu nay ở Syria vẫn giữ khoảng cách với HTS, không tuyên bố ủng hộ nhưng cũng không đối địch quân sự với HTS.
Chưa có quốc gia nào công nhận chính quyền mới do HTS thành lập trong khi các nước phương Tây vẫn coi đây là tổ chức khủng bố. Nga vẫn duy trì căn cứ quân sự và vẫn có binh lính đồn trú ở Syria.
Trong khi đó, Iran cáo buộc Mỹ, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ chủ mưu và hậu thuẫn HTS lật đổ ông Assad.
Từ thực trạng trên, có thể thấy hiện tại cũng như thời gian tới, tình hình bên trong Syria sẽ vẫn rất bất ổn và khó lường, còn các quốc gia bên ngoài vẫn chưa buông bỏ Syria mà sẽ tiếp tục cuộc chơi lợi ích và ảnh hưởng của họ ở đó.
Ở bên trong Syria, ngoài HTS còn có những lực lượng vũ trang lớn khác là Quân đội quốc gia Syria (SNA) và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) của người Kurd. Cả HTS và SNA được Thổ Nhĩ Kỳ chống lưng kể từ khi bùng phát cuộc nội chiến đến nay. Mỹ đã lợi dụng và hậu thuẫn cả 3 lực lượng vũ trang trên để chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng như để lật đổ chính quyền của ông Assad.
Trong cuộc nội chiến vừa qua, 3 lực lượng vũ trang này vừa chống đối chính phủ Syria vừa chống đối lẫn nhau. Sau khi ông Assad bị lật đổ, bộ ba này sẽ cùng quyết định tương lai của Syria chứ không phải tất cả chỉ do HTS định đoạt.
Nếu bộ ba này không hòa giải và hợp tác với nhau thì nội chiến mới sẽ bùng phát ở Syria. Cho tới hiện nay, HTS dường như không có chủ ý sẵn sàng chia sẻ quyền lực với SNA và SDF. Còn SNA và SDF đang chờ xem HTS lẫn các nước bên ngoài hành xử thế nào.
Quân nổi dậy Syria tràn vào thủ đô Damascus, tuyên bố lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad
Sự sụp đổ của chính quyền ông Assad và sự thắng thế của HTS tạo nên một khoảng trống quyền lực ở Syria, đẩy các quốc gia bên ngoài liên quan lâu nay là Mỹ, Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ vào tình huống mới và làm thay đổi cục diện địa chính trị và an ninh ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh.
Mỹ lo ngại IS sẽ trỗi dậy trở lại nên không kích dữ dội những mục tiêu mà Mỹ cho là căn cứ của IS ở Syria.
Israel không kích triệt phá các kho vũ khí của quân đội chính phủ Syria trước đây vì lo ngại chúng lọt vào tay các nhóm vũ trang ở nước này, đồng thời chiếm thêm lãnh thổ của Syria để tạo vùng đệm an ninh. Điều Israel lo ngại nhất là sự hình thành chính thể Hồi giáo cực đoan thù địch Israel ở Syria.
Nga duy trì hiện diện quân sự trực tiếp ở Syria trong khi Iran sẽ tìm cách bảo lưu ảnh hưởng thông qua chuyển sang hậu thuẫn SDF của người Kurd. Bên ngoài vẫn sẽ tiếp tục xâu xé Syria nhằm mưu tính lợi ích riêng và để không mất phần trong cuộc chơi mới ở Syria.
Do đó, câu hỏi về tương lai chính trị và triển vọng an ninh, ổn định của Syria tiếp tục là câu hỏi không biết đến khi nào mới có câu trả lời.
Bình luận (0)