Hôm nay (28-11), tỉnh Phú Yên trong thể tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 - 28/11/2024).
Chuyến tàu mở bến Vũng Rô
Dự lễ có ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; các mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ Trang Hồ Đắc Thạnh - thuyền trưởng tàu không số C41 đã 3 chuyến cập bến Vũng Rô thành công, trong đó có chuyến mở bến Vũng Rô đêm 28-11-1964.
Tại buổi lễ, các đại biểu, lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Phú Yên đã dâng hương, thả vòng hoa để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong quá trình vận chuyển hàng hóa, bảo vệ bến Vũng Rô 60 năm trước.
Phát biểu tại buổi lễ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh nhớ lại sau chuyến đi Cà Mau thắng lợi, ngày 1-11-1964, khi vừa về đến Hải Phòng, ông được lệnh chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới. Ông mừng đến run người khi biết nhiệm vụ mới lần này là đưa hàng, vũ khí về bến mới – bến Vũng Rô – quê hương của ông.
Ngày 16-11-1964, tàu chuẩn bị xuất phát với 63 tấn hàng, vũ khí. Để bảo đảm bí mật sử dụng lâu dài bến mới này, cấp trên chỉ đạo thời gian cho phép tàu vào bến khoảng 23-24 giờ và nhất thiết phải rời bến trước 3 giờ sáng.
Sau 12 ngày trên biển, đêm 28-11-1964, tàu chuẩn bị cập bến Vũng Rô. "Khi tàu đã gần bờ, tôi cho phát tín hiệu đèn pin chiếu xuống nước 3 lần, nhưng rồi vẫn không thấy tín hiệu từ bến trả lời" – Anh hùng Hồ Đắc Thạnh kể lại.
Trong lúc lưới ngụy trang trên các ụ súng trên tàu được mở ra, sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống, cùng với đó là chiếc xuồng ba lá được thả xuống, 3 cán bộ, chiến sĩ mang theo vũ khí bơi vào bờ tìm cách liên lạc với bến, thì bỗng phía bờ có ánh đèn pin chớp lên. Đúng là tín hiệu phát ra từ bến, cả tàu mừng rỡ, thở phào.
Tàu vào bến. Cán bộ, chiến sĩ trên tàu và bến gặp nhau, ôm chầm lấy nhau, xúc động đến nghẹn lời. Tuy nhiên, không khí nhanh chóng chuyển sang lo lắng khi bến cho biết khó có thể vận chuyển hết 63 tấn hàng và vũ khí chỉ trong 3 giờ để tàu trở ra lúc 3 giờ sáng như chỉ đạo. Cuối cùng, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh quyết định cho tàu ở lại, vũ trang kỹ, tối mai bốc hàng rồi ra khơi.
Tàu được ngụy trang cây rừng kín đáo nên địch không phát hiện. Tối sau, lực lượng trên bến đã dốc toàn lực để bốc dỡ hàng nên chỉ đến 2 giờ sáng, hàng, vũ khí đã bốc dỡ xong và tàu ra khơi.
Từ tháng 11-1964 đến tháng 2-1965 đã có 4 chuyến tàu không số cập bến Vũng Rô, trong đó có 3 chuyến cập bến thành công, mang khoảng 200 tấn vũ khí, hàng chi viện cho chiến trường miền Nam.
Mãi tự hào bến Vũng Rô
Trong diễn văn kỉ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương khẳng định Vũng Rô là một địa danh lịch sử, gắn liền với con đường vận tải chiến lược - "Đường Hồ Chí Minh trên biển" đã trở thành biểu tượng vinh quang của cả dân tộc, hiện thân của ý chí và khát vọng đấu tranh chống giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước. Con đường ấy được làm nên bởi những người con ưu tú của dân tộc, với tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng và sự gan dạ, mưu trí đã biến điều không thể thành có thể, đưa những con tàu vượt qua hải trình gian nan và cập bến thành công, chính ở nơi mà địch tự tin luôn trong tầm kiểm soát.
Từ Bến Vũng Rô, những con đường mòn bí mật len qua khe núi, đèo dốc, được hàng ngàn thanh niên xung phong, dân công ngày đêm vận chuyển vũ khí, hàng hóa về hậu cứ và tỏa đi khắp các tỉnh của chiến trường Nam Trung Bộ. Nhờ đó, sức mạnh chiến đấu của quân và dân 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đăk Lăk được nâng lên, đã lập nên nhiều chiến thắng vang dội, góp phần làm phá sản hoàn toàn chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của địch trên chiến trường Khu 5.
"Khi nhắc đến chiến công bến Vũng Rô, chúng ta cũng mãi mãi trân trọng, ghi lòng tạc dạ công lao to lớn của cán bộ, thủy thủ những con tàu không số. Mỗi con tàu là một tập thể kiên trung, không có khó khăn nào có thể ngăn cản, không có tình huống nào không có cách giải quyết. Chúng ta cũng mãi mãi trân trọng, ghi lòng tạc dạ công lao to lớn của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công, du kích và nhân dân các địa phương tỉnh nhà đã không sợ hy sinh gian khổ, tham gia chiến đấu, bảo vệ, vận chuyển vũ khí, hàng hóa tại bến" - ông Phạm Đại Dương phát biểu.
Bài diễn văn cũng khẳng định tỉnh Phú Yên mãi mãi tự hào về bến Vũng Rô. Đó là sự kết nối gắn liền với "Ðường Hồ Chí Minh trên biển" - con đường huyết mạch, trọng yếu chi viện cho chiến trường miền Nam. 60 năm trôi qua, nhưng sự kiện những chuyến tàu không số đưa hàng trăm tấn hàng hóa, vũ khí vào bến Vũng Rô vẫn luôn được nhắc đến như một kỳ tích của sự mưu trí, sáng tạo, một trang sử vẻ vang của quân dân Phú Yên và của cả dân tộc.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đề nghị Phú Yên cần bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, đưa Bến Vũng Rô và "Đường Hồ Chí Minh trên biển" trở thành một trung tâm giáo dục truyền thống lịch sử, là điểm đến ý nghĩa trong phát triển du lịch bền vững, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.
Đón nhận bằng di tích Quốc gia đặc biệt
Tại buổi lễ, tỉnh Phú Yên đã long trọng đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đường Hồ Chí Minh trên biển cho địa phương có cảng xuất phát (TP Hải Phòng) và các tỉnh có mở bến gồm: Phú Yên, Bà Rịa-Vũng Tàu và Cà Mau. Bến Vũng Rô (thuộc xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) được Trung ương và Khu V chọn để đón các chuyến Tàu Không số tiếp tế vũ khí, hàng chi viện cho các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Đắk Lắk.
Bình luận (0)