Vừa ngồi gói bánh, bà Xuân vừa cho biết sau khi từ chiến trường trở về, hai vợ chồng bà bươn chải làm đủ nghề nhưng chẳng khấm khá lên được. Bỗng một ngày, bà nhớ đến bí quyết làm bánh lọc và bánh nậm do mẹ chồng truyền lại, từ đó quyết định khởi nghiệp bằng nghề bán bánh lọc.
Bánh được làm từ những nguyên liệu đồng quê như: bột lọc, tôm đất, thịt ba chỉ, mộc nhĩ... và đùm bởi lá chuối. Khi luộc chín, bột lọc trong veo, tôm đất ngọt thanh, thịt ba chỉ béo ngậy, hòa quyện hương lá chuối thanh mát.
"Quan trọng nhất là khâu chọn nguyên liệu. Tôm phải là loại nhỏ ở cửa sông, đậm vị phù sa và mặn mòi vị biển. Tôm rim kỹ đến độ khô, ngâm gia vị rồi xào cùng mộc nhĩ và thịt đã ướp gia vị. Nhờ vậy, nhân bánh vừa ngọt vừa béo, không hề có mùi tanh" - bà Xuân chia sẻ.
Bánh lọc Mệ Xuân có hai loại là bánh lọc trần và bánh lọc lá. Bánh lọc trần có nhân từ tôm, thịt heo băm, măng chua và hành khi chiên lên rất thơm ngon. Còn bánh lá ngoài các nguyên liệu kể trên còn thêm mộc nhĩ và gói trong lá chuối rồi hấp chín. Những miếng bánh nhỏ nhắn, trong suốt, lộ rõ nhân tôm đỏ cam... khi chấm vào chén nước mắm tỏi ớt đậm đà, tạo nên một hương vị khó quên.
Từ một gánh hàng rong nhỏ bé, nay bà Xuân đã gây dựng được cơ sở sản xuất lớn tại TP Đồng Hới, cung cấp từ 15.000 - 20.000 chiếc bánh mỗi ngày cho người dân cả nước.
"Gần Tết, nhiều Việt kiều đã sớm đặt bánh để mang sang Hàn Quốc, Nhật Bản. Mới đây, một người đặt 5.000 chiếc bánh lọc mang sang Anh, vừa để thưởng thức vừa làm quà cho bạn bè" - bà Xuân tự hào kể.
Hiện con gái bà là chị Lê Linh đã tiếp nối nghiệp mẹ, vẫn giữ vững cách làm bánh truyền thống vừa đổi mới hiện đại. Bên cạnh việc xây dựng thương hiệu, quán của bà Xuân đã tạo việc làm cho gần 30 lao động với mức thu nhập từ 7-8 triệu đồng/người/tháng.
Trong 15 năm qua, bà Xuân đã trích 50-70 triệu đồng mỗi năm để giúp đỡ và tặng quà ngày Tết cho người có hoàn cảnh khó khăn. Mới đây, Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình đã cấp giấy chứng nhận thương hiệu "Bánh lọc Mệ Xuân" của bà Hà Thị Xuân.
Bình luận (0)