Theo Sci-News, các nhà khoa học Trung Quốc vừa xác định được một loài quái vật tiền sử mới, được đặt danh pháp khoa học là Yinshanosaurus angustus, tức "thằn lằn Âm Sơn có hộp sọ hẹp".
Loài bò sát kỳ dị này sống trên Trái Đất khoảng 259-254 triệu năm trước, tức cuối kỷ Nhị Điệp.

"Quái vật Âm Sơn" kỷ Nhị Điệp của Trung Quốc - Ảnh: Viện Cổ sinh vật học động vật có xương sống và cổ nhân chủng học.
Vì vậy, nó cổ xưa hơn cả khủng long: Loài được cho là khủng long cổ xưa nhất là Nyasasaurus parringtoni, sống vào khoảng 243 triệu năm trước, tức đầu kỷ Tam Điệp.
Nhóm tác giả từ Viện Cổ sinh vật học động vật có xương sống và cổ nhân chủng học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc), Đại học Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Viện Cổ sinh vật học Trùng Khánh đã mô tả loài mới này dựa trên 2 mẫu vật được khai quật từ năm 2018.
Theo bài công bố trên tạp chí Papers in Palaeontology, mẫu vật đầu tiên được khai quật từ đá phiến sét màu tím sẫm ở hệ tầng Sunjiagou ở TP Hãn Châu, tỉnh Sơn Tây - Trung Quốc.
Mẫu vật thứ 2 được khai quật từ đá bùn sét màu tím ở hệ tầng Naobaogou, thành phố Bao Đầu, khu tự trị Nội Mông - Trung Quốc. Âm Sơn là tên một dãy núi ở khu vực này.
Kết quả cho thấy loài quái vật mới này thuộc về nhánh bò sát cổ đại Pareiasaurs, khá to lớn và là nạn nhân của vụ tuyệt chủng hàng loạt cuối kỷ Nhị Điệp.
Pareiasaurs phân bố trên toàn thế giới, với các hóa thạch được phát hiện ở châu Phi, châu Âu, châu Á và Nam Mỹ.
Một số loài thuộc dòng họ bò sát này đã được tìm thấy ở Trung Quốc từ năm 1960.
Theo các tác giả, Yinshanosaurus angustus có hộp sọ hẹp nhất trong tất cả các loài Pareiasaurs. Ngoài ra, hóa thạch của chúng là những mẫu vật hoàn chỉnh nhất của Pareiasaurs từng được tìm thấy ở Trung Quốc.
Bên cạnh đó, chúng cũng đại diện cho lớp động vật cổ xưa thuộc về Toàn Lục Địa, tức Pangaea, một siêu lục địa cổ đại bao gồm đất đai của tất cả các châu lục ngày nay, bắt đầu tan rã vào khoảng 200 triệu năm trước (cuối kỷ Tam Điệp).
Bình luận (0)