Tờ South China Morning Post hôm 11-2 dẫn lời các nhà khoa học Trung Quốc cho biết một phi thuyền hoạt động ở tầng bình lưu được trang bị hệ thống hồng ngoại tiên tiến có thể phát hiện máy bay tàng hình - chẳng hạn như tiêm kích F-35 (biệt danh "Tia chớp) do Mỹ sản xuất - từ khoảng cách gần 2.000 km.
Thông tin trên - nếu xác thực - chỉ ra điểm yếu tiềm ẩn trong công nghệ tàng hình thế hệ thứ năm của Mỹ và đánh dấu bước tiến đáng kể trong việc theo đuổi năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực của Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Quang học, Cơ học tinh vi và Vật lý Trường Xuân (CIOMP) đã phân tích tín hiệu hồng ngoại của F-35 trong các tình huống chiến đấu mô phỏng. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Aerospace Technology bằng tiếng Trung vào tháng 5 năm ngoái. CIOMP là cơ quan chủ chốt trong các chương trình tên lửa và không gian của Trung Quốc.
![Trung Quốc tuyên bố phát hiện điểm yếu của "Tia chớp" F-35 Mỹ- Ảnh 1. Trung Quốc tuyên bố phát hiện điểm yếu của "Tia chớp" F-35 Mỹ- Ảnh 1.](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/640/291774122806476800/2025/2/13/screenshot-2025-02-13-at-150427-1739433879871447264052.png)
Trung Quốc "phát hiện điểm yếu" của "Tia chớp" F-35. Ảnh: Không quân Mỹ
Nhóm nghiên cứu của CIOMP được cho là đã phát triển một loại phi thuyền mới có thể lơ lửng trong tầng bình lưu. Chúng được trang bị các cảm biến hồng ngoại đặc biệt và máy dò có thể phát hiện máy bay tàng hình hiệu quả hơn radar.
Các máy bay tàng hình sẽ bị phát hiện từ khoảng cách xa khi nhìn từ bên hông hoặc phía sau. Phát hiện trực diện bị giới hạn ở khoảng cách khoảng 350 km do cấu hình nhiệt phía trước của máy bay giảm.
Nhóm nghiên cứu còn xác định lớp phủ hấp thụ radar và bên ngoài của máy bay tàng hình đã nguội đến nhiệt độ trung bình là 281 độ Kelvin (7,85 độ C), giúp chúng không bị phát hiện bởi các phương pháp truyền thống.
"Những phi thuyền này lơ lửng ở độ cao 20 km trở lên trong nhiều tháng, ngoài tầm với của hầu hết tên lửa đất đối không và máy bay chiến đấu" - nhóm nghiên cứu tại CIOMP cho biết, đồng thời đề xuất triển khai một mạng lưới phi thuyền như vậy có thể giúp cung cấp các hệ thống phát hiện cảnh báo sớm ở những khu vực quan trọng trong không phận Trung Quốc.
Điểm mạnh của mạng lưới phi thuyền này là chi phí tương đối rẻ và dễ chế tạo. Còn điểm yếu là tốc độ của chúng rất chậm (chỉ lên tới khoảng 120 km/giờ), cộng thêm kích thước khổng lồ 150 m khiến chúng không thể tàng hình, dễ bị các máy bay đánh chặn chuyên dụng phát hiện.
Bình luận (0)