Phóng viên: Thưa ông, triển vọng về sự "nên dáng nên hình" của Trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM sắp tới sẽ như thế nào, khi địa bàn TP HCM rộng lớn hơn, tiềm lực mạnh hơn?
- GS-TS TRẦN NGỌC THƠ, ĐH Kinh tế TP HCM: Trung tâm Tài chính quốc tế đó, theo tôi, cũng xa thật đấy nhưng cũng gần lắm. Gần như hơi thở của thành phố này mỗi sáng thức dậy vẫn nhộn nhịp nghĩa tình. Gần như tiếng rao bánh mì sớm mai trong con hẻm nhỏ. Gần như ly cà phê đen đặc quánh, thơm lừng buổi sáng. Và gần nhất, là nhịp sống vẫn rộn ràng trên từng con phố - nơi người dân Sài Gòn - TP HCM chưa bao giờ thôi tin vào ngày mai.

Năm 1957, một tạp chí của Mỹ gọi Sài Gòn là "thành phố mỹ lệ và tưng bừng nhất Đông Nam Á". Những con tàu cập cảng Bến Nhà Rồng, những hãng buôn, ngân hàng, bảo hiểm mọc lên trên đại lộ Catinat (nay là đường Đồng Khởi, quận 1) - tất cả đã từng tạo nên một đô thị tài chính sôi động bậc nhất khu vực. Giấc mơ tài chính không phải mới. Giờ chỉ là lúc mình viết tiếp thôi.
Vì sao nơi đặt Trung tâm Tài chính quốc tế phải là TP HCM, chứ không phải nơi nào khác?
- Vì TP HCM là nơi hội tụ cả chiều sâu lịch sử và sức mạnh kinh tế thực. Nếu có nơi nào xứng đáng để Việt Nam xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế, chỉ có thể là TP HCM.
Hãy nhớ Sài Gòn từng là cửa ngõ kinh tế lớn nhất dưới thời Pháp thuộc, là trái tim tài chính của miền Nam trước năm 1975. Và nay, TP HCM đóng góp hơn 20% GDP của cả nước, hơn 1/3 ngân sách quốc gia, là nơi tập trung hơn 50% hệ thống ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm của cả nước.
Nếu Việt Nam là một cơ thể sống thì TP HCM chính là trái tim bơm máu tài chính. Một trung tâm tài chính quốc tế không thể mọc lên ở nơi không có nhịp đập.
Nhìn lại Amsterdam (Hà Lan), London (Anh), Hồng Kông (Trung Quốc) đều đi lên từ trung tâm thương mại cổ điển. Từ thương thuyền, bến cảng, dần hình thành ngân hàng, bảo hiểm, rồi sàn chứng khoán. TP HCM cũng vậy, từ làng chài Bến Nghé, thành một đô thị cảng sầm uất, rồi đến đại đô thị hơn 10 triệu dân ngày nay.

TP HCM là một trong hai địa điểm được chọn để xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị về việc sẽ chỉ lập 1 trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, đặt tại 2 nơi là TP HCM và Đà Nẵng, thay cho chủ trương đã thông qua là lập 2 trung tâm độc lập tại 2 thành phố. Ông đánh giá thế nào?
- Đúng thôi. Làm trung tâm tài chính quốc tế không thể theo kiểu "mỗi nơi một ít". Singapore là ví dụ thành công - một thành phố, một chiến lược, một luật chơi rõ ràng. Ngược lại, Ấn Độ từng thất bại vì chia lẻ Mumbai và Gujarat. Malaysia cũng từng hụt hơi khi chọn Labuan làm trung tâm tài chính hải ngoại nhưng thiếu sự hỗ trợ từ Kuala Lumpur.
Bài học rất rõ: Ta chỉ cần một trung tâm tài chính quốc tế chính thức. Nhưng có thể cần một nơi thử nghiệm thể chế, chính sách cho những ý tưởng mới. TP HCM là "khu vườn chính", nơi trồng cây lớn, hái trái to. Còn Đà Nẵng, nếu tham gia thì có thể là tiền trạm, nơi thử giống, "rèn gươm, mài lưỡi" cải cách, chuẩn bị cho tương lai.
Còn việc sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP HCM, sẽ tạo ra những cơ hội gì?
- Đây là cơ hội vàng để xây dựng một đại đô thị nhiều trục phát triển. TP HCM sẽ là não bộ tài chính; Bình Dương là bắp tay công nghiệp; Bà Rịa - Vũng Tàu là lá phổi biển khơi. Quả là một tam giác vàng - nơi tài chính gắn liền với sản xuất, logistics, cảng biển.
Một trung tâm tài chính quốc tế không thể chỉ ngồi "đếm tiền". Nó phải sống cùng mạch đập của nền kinh tế thực - có hàng hóa, có dịch vụ, có xuất nhập khẩu, có công nghệ, có nhà máy.
Nhiều tổ chức tài chính quốc tế đã bắt đầu nhìn Việt Nam như một điểm đến thay thế cho những điểm đến khác. Tín hiệu thị trường đã có, vấn đề là mình nắm bắt được hay không.
Hơn nữa, TP HCM đã có sẵn nền tảng là trụ sở của hầu hết ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán lớn. Cơ sở hạ tầng tài chính hiện đại đang hình thành. Chúng ta cần quyết tâm thật lớn, mang tầm chiến lược.
Giáo sư có thông điệp gì đặc biệt cho dịp 30-4 năm nay, đại lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước?
- Ngày 30-4 là ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Giờ đây, chúng ta cần một cuộc "giải phóng" mới, đó là giải phóng tiềm năng TP HCM, khai phóng tư duy về kinh tế tài chính.
Từ "Sài Gòn đẹp lắm" - một hình ảnh của ký ức, đến "TP HCM vươn mình" - một bức tranh tương lai. Giữa hai điểm đó chính là lịch sử, hiện tại và khát vọng.
Bình luận (0)