Cuối ngày 26-4, giá vàng miếng SJC được Công ty SJC niêm yết mua vào ở 83 triệu đồng/lượng, bán ra 85,2 triệu đồng/lượng, tăng gần 1 triệu đồng/lượng so với cuối ngày trước.
Giá vàng miếng được các doanh nghiệp niêm yết có sự cách biệt đáng kể khi Tập đoàn DOJI bán ra với giá thấp hơn Công ty SJC, chỉ 84,8 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, Công ty PNJ bán ra vàng miếng ở mức 85 triệu đồng/lượng.
Với đà nhảy vọt vào cuối ngày, giá vàng miếng SJC hướng tới vùng đỉnh mọi thời đại, quanh mốc 85,4 triệu đồng/lượng từng lập vào tháng 4-2024.
Không chỉ vàng miếng, giá vàng nhẫn và vàng trang sức 24K các loại cũng tăng vọt. Tại TP HCM, giá vàng nhẫn được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 73,8 triệu đồng/lượng, bán ra 75,5 triệu đồng/lượng, tăng hơn 500.000 đồng/lượng so với hôm trước.
Tại Hà Nội, giá vàng nhẫn trơn được niêm yết ở 76,1 triệu đồng/lượng, tăng hơn 1 triệu đồng/lượng so với hôm trước.
Giá vàng trong nước tăng mạnh trước kỳ nghỉ lễ 30-4 trong bối cảnh giá thế giới cũng phục hồi nhanh chóng.
Cuối ngày 26-4, theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới ở mức 2.346 USD/ounce, tăng 15 USD/ounce so với phiên trước.
Đáng chú ý, giá vàng trong nước tăng nhanh hơn thế giới khiến khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lại giãn rộng. Hiện giá vàng miếng SJC quy đổi cao hơn giá thế giới khoảng 13 triệu đồng/lượng.
Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường Quỹ đầu tư Vinacapital, cho biết giá vàng đã tăng 16% trong năm nay và tăng khoảng 30% kể từ cuối năm 2022. Điều này đang gây áp lực lên tỉ giá USD/VNĐ do nhà đầu tư Việt Nam đẩy mạnh việc mua vàng.
"Chính phủ Việt Nam đã hạn chế nhập khẩu vàng trong hơn 10 năm qua, dẫn đến giá vàng miếng độc quyền của Công ty SJC luôn cao hơn đáng kể so với thế giới. Mức chênh lệch gần đây tăng lên mức rất cao bởi các nhà đầu tư trong nước tham gia vào thị trường vàng toàn cầu tăng" - ông Michael Kokalari nói.
Để thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đấu thầu vàng miếng.
Bình luận (0)