xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trường ĐH - CĐ địa phương cùng quẫn, giảng viên kêu cứu

NHÓM PHÓNG VIÊN

Tuyển sinh không được, thiếu chiến lược phát triển trong sự cạnh tranh khốc liệt là những lý do chính khiến không ít trường ĐH, CĐ tại các địa phương lâm vào cảnh cùng quẫn, hàng trăm giảng viên kêu cứu

Ngày 11-1, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết vừa tổ chức cuộc họp với Ban Giám hiệu Trường ĐH Quảng Bình cùng các sở, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn về nợ lương giảng viên, nhân viên, người lao động (NLĐ) đang công tác tại trường ĐH này mà Báo Người Lao Động phản ánh.

Hàng trăm giảng viên lâm vào khốn khó

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, Trường ĐH Quảng Bình hiện có 236 nhân sự, trong đó 99 người là công chức. Hơn 130 người còn lại là viên chức và lao động hợp đồng, đa phần là cán bộ, giảng viên, nhiều người đã giảng dạy tại trường hơn 15 năm.

Tuy nhiên, 8 tháng qua, chỉ 99 người trong diện công chức được nhận lương, số còn lại bị nợ lương. Đáng chú ý, trong số này có 18 người trình độ tiến sĩ, 82 người trình độ thạc sĩ.

Vì không có lương trong thời gian dài, nhiều gia đình giảng viên rơi vào cảnh khốn khó, túng quẫn phải chạy vạy khắp nơi để lo cho gia đình. Trong số đó có nhiều giảng viên phải bán hàng online để kiếm thêm thu nhập.

Dù không có lương nhưng vì tính chất công việc nên hơn 130 giảng viên, nhân viên vẫn phải đi làm đều đặn ngày 8 giờ. Nhiều cán bộ, giảng viên bị nợ lương bức xúc và liên tục "kêu cứu" lên ban lãnh đạo trường trong thời gian qua.

Trong khi Tết Nguyên đán 2024 đang đến gần, họ lại tiếp tục thông báo bị nợ lương từ tháng 1 đến tháng 3-2024, do nhà trường không có nguồn để chi trả.

Trao đổi về lý do Trường ĐH Quảng Bình nợ lương, ông Nguyễn Đức Vượng - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường - cho biết thời gian qua, trường gặp khó khăn về công tác tuyển sinh dẫn đến nguồn thu sụt giảm.

Theo ông Vượng, hiện Trường ĐH Quảng Bình chỉ còn hơn 1.000 sinh viên, trong đó hơn một nửa là sinh viên sư phạm. Trong khi nguồn thu chính lại đến từ sinh viên các ngành ngoài sư phạm, khiến nguồn thu sụt giảm nghiêm trọng nên việc cân đối chi trả lương không thực hiện được.

Trường ĐH Quảng Bình, nơi hàng trăm giảng viên đang kêu cứu vì bị nợ lương Ảnh: HOÀNG PHÚC

Trường ĐH Quảng Bình, nơi hàng trăm giảng viên đang kêu cứu vì bị nợ lương Ảnh: HOÀNG PHÚC

Từ tháng 7-2023, Trường CĐ Y tế Quảng Nam (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) bắt đầu nợ lương, bảo hiểm và phụ cấp của NLĐ hơn 7,6 tỉ đồng. Tháng 12-2023, sau suốt 6 tháng mỏi mòn chờ lương không được, 27 giảng viên của trường đã quyết định ngừng việc tập thể.

Ông Huỳnh Tấn Tuấn, Hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Quảng Nam, cho biết lý do khiến trường nợ lương NLĐ là vì không đạt chỉ tiêu tuyển sinh trong nhiều năm và Bệnh viện Đa khoa trực thuộc trường thực hiện kinh phí khám chữa bệnh BHYT vượt trần, vượt tổng mức (giai đoạn 2016 - 2020) hơn 12,1 tỉ đồng nhưng chưa được thanh toán lại.

Trường CĐ Y tế Quảng Nam còn để xảy ra sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian dài. Cụ thể, trong 2 nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025, trường đã sử dụng kinh phí vượt so với số lượng tuyển sinh đào tạo hơn 23 tỉ đồng. Bệnh viện Đa khoa - Trường CĐ Y tế Quảng Nam nợ tiền mua thuốc khám chữa bệnh của các đơn vị cung ứng (giai đoạn 2016 - 2020) 9,4 tỉ đồng. Phần lớn số tiền sai phạm đến nay vẫn chưa được thu hồi.

Bệnh viện Đa khoa thuộc Trường CĐ Y tế Quảng Nam đã phải tạm dừng hoạt động từ giữa tháng 1-2023, có 22 NLĐ chưa được trả lương (hơn 800 triệu đồng) nhưng đã bị cho thôi việc.

Tìm cách giải cứu

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định cấp bổ sung cho Trường CĐ Y tế Quảng Nam kinh phí hơn 1,2 tỉ đồng, từ nguồn sự nghiệp đào tạo chưa phân bổ trong dự toán ngân sách tỉnh năm 2023 để đào tạo lưu học sinh Lào năm 2022. Nhà trường đã dùng kinh phí 1,2 tỉ đồng được tỉnh bổ sung để trả 1 tháng lương cùng 3 tháng BHXH cho cán bộ, giảng viên. Sau khi nhận được lương tháng 7-2023, giảng viên của trường đã quay lại làm việc và tiếp tục chờ lương các tháng tiếp theo. Hiện nay, Tỉnh ủy đang giao UBND tỉnh và các ngành liên quan rà soát quy định hiện hành để tìm hướng giải quyết dứt điểm nợ lương, bảo đảm đời sống, động viên NLĐ yên tâm công tác. Về lâu dài, tỉnh Quảng Nam định hướng cơ cấu lại Trường CĐ Y tế Quảng Nam để hoạt động hiệu quả hơn.

Ngoài nợ lương, BHXH tỉnh Quảng Bình cũng công bố Trường ĐH Quảng Bình đang nợ 232 cán bộ, nhân viên tiền BHXH hơn 2 tỉ đồng. Trường này thuộc tốp 10 đơn vị nợ BHXH của NLĐ nhiều nhất.

Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết trước mắt, tỉnh đề nghị Trường ĐH Quảng Bình tạm khoanh số nợ lương của giảng viên, nhân viên trong gần 8 tháng qua, đồng thời chỉ đạo các ngành liên quan dự kiến cho trường ứng trước khoảng 2,5 tỉ đồng từ kinh phí bồi dưỡng giáo viên phổ thông năm 2024 để tạm chi trả cho NLĐ trước Tết Giáp Thìn.

Bên cạnh đó, ngành chức năng tạo điều kiện cho trường thực hiện 10 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh trong năm nay để mang lại nguồn thu nhất định. Cùng với đó, trường rà soát lại cơ sở vật chất để cho thuê phục vụ các hoạt động thể - mỹ của cộng đồng, vừa hạn chế sự xuống cấp vừa tạo nguồn thu cho nhà trường.

Mong người học như "nắng hạn chờ mưa"

Một trong những lý do được lãnh đạo các trường nhìn nhận về tình trạng khốn đốn của các ĐH địa phương là không tuyển được sinh viên. Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều trường ĐH, CĐ địa phương sẽ không thể trụ vững.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, địa phương có 3 trường ĐH và 6 trường CĐ đóng trên địa bàn nhưng thông tin phóng viên nắm được ngoài số ít trường tuyển đủ chỉ tiêu, các trường vẫn loay hoay trong công tác tuyển sinh. Nhiều trường thậm chí tuyển sinh đợt 2, đợt 3 nhưng số lượng sinh viên đăng ký rất thấp.

Lãnh đạo một trường CĐ đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cho biết trong 2 - 3 năm gần đây, công tác tuyển sinh ở các trường gặp rất nhiều khó khăn. "Trước mỗi kỳ tuyển sinh, các trường triển khai công tác tuyển sinh, giới thiệu những ngành học hấp dẫn nhưng nhiều khoa, ngành học vẫn không tuyển được sinh viên, chỉ đáp ứng được 30% - 40% chỉ tiêu đề ra" - lãnh đạo này nói.

Theo dữ liệu tuyển sinh 2 năm gần nhất được Trường ĐH Công nghiệp Việt Trì (Phú Thọ) công bố trong đề án tuyển sinh năm 2023, phần lớn ngành của nhà trường đều không tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Năm 2021 trường tuyển sinh được 469/1.870 chỉ tiêu (chiếm 25%), năm 2022 tuyển sinh được 287/1.930 chỉ tiêu (14,8%), có những ngành chỉ vài ba sinh viên nhập học.

Cũng rơi vào tình trạng khó tuyển sinh tương tự là Trường ĐH Điều dưỡng Nam Định. Theo đề án tuyển sinh của trường, từ năm 2018 đến 2022, nhà trường đều không tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Vì khó khăn, từ năm 2020 trường đã dừng tuyển sinh ngành y tế công cộng. Năm 2022, trường chỉ tuyển sinh 2 ngành điều dưỡng và hộ sinh với tổng chỉ tiêu là 837 nhưng chỉ có 523 thí sinh nhập học ở cả 2 phương thức xét học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Theo báo cáo thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định năm 2021, nhà trường tuyển sinh được 661/1.010 chỉ tiêu được phê duyệt (đạt 65,44%)…

Nhận định về tình trạng khó tuyển sinh của các trường công lập địa phương, nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng trường ĐH công lập đặt tại địa phương xa trung tâm kinh tế lớn khó thu hút sinh viên. Để nhận được sự quan tâm của phụ huynh, thí sinh, trường phải có những ngành đào tạo đặc biệt, có đặc thù riêng, có tính ứng dụng cao và thật sự phù hợp với điều kiện địa phương. Các trường ĐH công lập địa phương sẽ ngày càng khó tuyển sinh nếu không có chiến lược thay đổi kịp thời. 

Cạnh tranh khốc liệt

Một giảng viên của ĐHQG Hà Nội nhận định sự cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo trong công tác tuyển sinh ngày càng khốc liệt hơn. Thương hiệu, sự thành công của mỗi trường đều thể hiện qua chất lượng, quy mô tuyển sinh. Việc tuyển sinh khó khăn ảnh hưởng đến triển khai thực hiện chiến lược phát triển của nhà trường cũng như thực hiện chế độ, chính sách đối với viên chức, NLĐ mà Trường ĐH Quảng Bình là một ví dụ.

Nhận định về công tác tuyển sinh, Vụ Giáo dục ĐH - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng 4 lĩnh vực đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất là: nông - lâm nghiệp và thủy sản, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên và dịch vụ xã hội. Cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo trong tuyển sinh ngày càng mạnh mẽ. Số lượng và chất lượng tuyển sinh khẳng định thương hiệu, uy tín, yếu tố thành công cốt lõi trong chiến lược phát triển của mỗi cơ sở đào tạo. Xu hướng phân cực ngày càng rõ nét, các trường mạnh ngày càng mở rộng quy mô và thu hút thí sinh tốt hơn, ngược lại các trường đang tuyển kém thì càng kém.

Cũng theo lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH, cạnh tranh lành mạnh, minh bạch trong tuyển sinh buộc các cơ sở đào tạo phải nỗ lực đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo và dịch vụ hỗ trợ người học, đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo. Các trường cần tăng cường hoạt động định hướng nghề nghiệp, tư vấn ngành nghề, tư vấn tuyển sinh cho học sinh phổ thông, đặc biệt chú trọng truyền thông về cơ hội việc làm và triển vọng phát triển nghề nghiệp đối với những ngành nghề khó tuyển sinh nhưng thiết yếu đối với sự phát triển của đất nước.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo