Đối tượng Nguyễn Văn Tưởng bị truy nã về hành vi cố ý gây thương tích. Sau gần 11 năm lẩn trốn, qua quá trình theo dõi, truy bắt, các trinh sát đã phát hiện Tưởng quay về nhà thăm gia đình vào dịp Tết Nguyên đán và tiến hành bắt giữ.
Kiên trì đeo bám, bắt giữ các đối tượng bị truy nã
Theo Công an huyện Tân Phú, để truy bắt được các đối tượng bị truy nã sau nhiều năm lẩn trốn như vụ việc nêu trên, các trinh sát phải kiên trì đeo bám và xây dựng các kế hoạch truy bắt hiệu quả, nhất là việc liên kết với các lực lượng công an ở các địa phương và nhờ vào “tai mắt” của nhân dân để nắm bắt thông tin kịp thời.
Trung tá Nguyễn Thành Đông, Phó đội trưởng Đội Nghiệp vụ cơ bản Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết, nhiều đối tượng bị truy nã không chỉ tìm cách lẩn trốn trong thời gian dài mà còn có nguy cơ tiếp tục tái phạm tội rất cao. Nếu không bắt giữ kịp thời, các đối tượng này sẽ tiếp tục vi phạm pháp luật, gây mất ANTT.
Điển hình như vào năm 2016, Nguyễn Trọng Hiếu (44 tuổi, ngụ xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất) sau khi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng của các chủ tiệm cầm đồ thì bỏ trốn. Thủ đoạn của Hiếu là mượn, thuê xe ô tô rồi đem đi cầm trong các tiệm cầm đồ ở các huyện Thống Nhất, Trảng Bom.
Sau khi lực lượng công an vào cuộc điều tra, truy bắt thì Hiếu bỏ trốn đến nhiều tỉnh, thành khác nhau như: TP.Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đắk Lắk, thậm chí là phiêu bạt ở các tỉnh miền Tây và tiếp tục tìm cách vay tiền “nóng” của các đối tượng cho vay nặng lãi ngoài xã hội. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đến cuối năm 2019, các trinh sát đã bắt được Hiếu khi đối tượng đến phường Tân Biên (TP.Biên Hòa) để vay một khoản tiền lớn.
Cán bộ Công an huyện Tân Phú làm việc với một đối tượng bị truy nã. Ảnh: Bích Liên
Làm tốt công tác quản lý địa bàn, quản lý đối tượng
Thượng tá Bùi Văn Đại, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự cho biết, Công an tỉnh luôn quan tâm đến công tác bắt giữ các đối tượng bị truy nã nên đã thành lập tổ công tác từ 6-8 cán bộ trinh sát thường xuyên thực hiện các công tác truy bắt, vận động đối tượng ra đầu thú. Một trong những khó khăn trong công tác truy bắt các đối tượng bị truy nã là sau khi gây án, những người này thường bỏ trốn và di chuyển chỗ ở thường xuyên nên công tác nắm bắt tình hình gặp rất nhiều khó khăn. Đó là chưa kể đến việc khi bị phát hiện và truy bắt nhiều kẻ bị truy nã chống trả quyết liệt để thoát thân, gây nguy hiểm cho lực lượng công an.
Do đó, để thực hiện có hiệu quả công tác truy bắt các đối tượng bị truy nã, lực lượng công an toàn tỉnh đã thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nhất là phối hợp với công an các địa phương trong và ngoài tỉnh trong công tác quản lý địa bàn, quản lý đối tượng; chú trọng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao cảnh giác của người dân và dán thông báo các đối tượng bị truy nã ở nhiều điểm để người dân kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm.
Theo Thượng tá Bùi Văn Đại, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an thì rất cần sự chung tay của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân để có những nguồn tin báo giá trị nhằm đem lại hiệu quả cao hơn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và truy bắt đối tượng bị truy nã nói riêng.
Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng tội phạm bỏ trốn, Trung tá Nguyễn Thành Đông, Phó đội trưởng Đội Nghiệp vụ cơ bản Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho rằng, điều quan trọng nhất là công tác điều tra, tố tụng phải được thực hiện chặt chẽ ngay từ đầu. Trong một số trường hợp nếu nhận thấy đối tượng có khả năng bỏ trốn thì cơ quan tố tụng nên tiến hành bắt giữ để tránh nguy cơ thả đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật ra rồi lại phải bỏ công đi bắt khi các đối tượng bỏ trốn.
Theo Công an tỉnh, thời gian tới ngoài việc lực lượng công an phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tỉnh, thành trong cả nước trong việc tìm kiếm, truy bắt các đối tượng bị truy nã thì cần nâng cao chất lượng công tác vận động đầu thú để các đối tượng hiểu được tính nhân đạo, nhân văn của pháp luật, sớm ra đầu thú để nhận sự khoan hồng của pháp luật.
Bình luận (0)