Trinh sát Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an Vĩnh Long dẫn giải đối tượng Nguyễn Thị Chuốt vừa xuống sân bay Cần Thơ để di lý về Vĩnh Long.
Đó là tâm sự của Thiếu tá Nguyễn Văn Nghĩa- Phó đội trưởng Đội truy bắt đối tượng truy nã, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm- Công an tỉnh Vĩnh Long (gọi tắt là Đội truy nã).
Là một cán bộ dày dạn kinh nghiệm và có thâm niên trong “nghề” truy bắt tội phạm có lệnh truy nã, năm 2016, Thiếu tá Nguyễn Văn Nghĩa đã sát cánh cùng đồng đội bắt giữ 38 đối tượng có lệnh truy nã, vận động 7 đối tượng ra đầu thú và hoàn tất hồ sơ thanh loại 2 đối tượng.
Nếu so với năm 2015, đơn vị Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm đã vượt chỉ tiêu đề ra. Còn quá trình truy tìm và bắt giữ Nguyễn Thị Chuốt- đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm là kỷ niệm khó quên nhất đối với Thiếu tá Nguyễn Văn Nghĩa.
Lần theo dấu vết
Tháng 2/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an TP Vĩnh Long ra quyết định truy nã đối với Nguyễn Thị Chuốt (SN 1962, tạm trú ấp Tân Quới Đông, xã Trường An) về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Theo hồ sơ của cơ quan điều tra, từ năm 2008- 2011, lợi dụng mối quan hệ và sự quen biết trong kinh doanh đại lý bia, Chuốt chiếm đoạt tài sản của nhiều người với trên 2 tỷ đồng. Khi nhiều hộ dân tố cáo đến cơ quan công an thì Chuốt đã cùng chồng trốn khỏi địa.
Tiếp nhận hồ sơ về đối tượng này, đồng chí Nghĩa dành hẳn 2 ngày để nghiên cứu. Theo hồ sơ thể hiện, đối tượng là người gốc Hải Phòng, cùng chồng vào Nam lập nghiệp đã nhiều năm.
Với kinh nghiệm của một trinh sát có bề dày truy bắt đối tượng, thời điểm đó, đồng chí Nghĩa đã nhận định ít có khả năng đối tượng trở về quê.
Một là, đối tượng còn luẩn quẩn ở các đô thị lớn phía Nam hòng lợi dụng tính phức tạp của địa bàn đông dân cư để trốn tránh sự truy tìm của các trinh sát. Hai là, đối tượng có thể về hẳn luôn miền Bắc, tìm một địa bàn tương đối phức tạp ở lân cận quê nhà để định cư và ẩn náu.
Quá trình thực hiện kế hoạch truy tìm tung tích đối tượng, đồng chí Nghĩa nhận được nhiều thông tin có liên quan đến hành tung của đối tượng. Tuy nhiên, những lúc anh cùng đồng đội lần theo thông tin đến nơi để xác minh thì đều “chậm một bước”.
Tuy đối tượng đã di chuyển trước đó một vài hôm nhưng điều này chứng tỏ các anh đã đi đúng hướng và việc tìm ra, bắt giữ đối tượng chỉ còn là việc của… thời gian.
Tuy nhiên, tiếp sau đó đối tượng đột nhiên mất dạng, không để lại bất cứ manh mối, dấu vết có liên quan nào, làm các thành viên trong tổ trinh sát cảm thấy mất phương hướng và thoáng một chút thất vọng.
Riêng đối với đồng chí Nghĩa, việc đối tượng đột ngột “mất tăm, không sủi bọt” lại là một cơ sở quan trọng để đồng chí khẳng định rằng đối tượng đã “lẩn” ra Bắc và mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo, xin được đổi hướng truy tìm sang các tỉnh từ Hải Phòng trở ra.
Do khoảng cách địa lý, điều kiện đi lại dài ngày, khó khăn nên bước đầu đồng chí Nghĩa cùng các trinh sát chọn phương án liên hệ với đồng nghiệp ở các tỉnh phía Bắc để nắm thông tin. Và “cái duyên” mà đồng chí Nghĩa thường nói vui cuối cùng cũng đã đến vào một ngày cuối năm.
Anh cùng đồng đội vui mừng nhận tin báo của đồng nghiệp ở Quảng Ninh về việc tại TP Móng Cái đang có 2 vợ chồng nọ sinh sống, có nhiều đặc điểm rất giống với đối tượng mà Công an tỉnh Vĩnh Long đang tìm. Thế là phương án phối hợp lực lượng giữa hai tỉnh được khẩn trương triển khai.
Tuy nhiên, quá trình trao đổi thông tin xác minh về đối tượng phát sinh chi tiết không trùng khớp. Đó là họ tên, quê quán và cả giấy chứng minh nhân dân cũng thể hiện là một người khác.
“Cất vó”
Chiều cuối năm, sau khi nhận nhiệm vụ, 2 trinh sát vội vã về nhà để chia tay với gia đình, đồng thời chuẩn bị những vật dụng cần thiết cho lần đi công tác xa này.
Ngay sáng hôm sau, 2 anh đã có mặt tại ga Sài Gòn, lên tàu ra Bắc. Hành trình 2 ngày, 1 đêm vượt hơn 1.700km, đoàn tàu thống nhất Bắc Nam SE8 đã đưa 2 trinh sát ra đến Thủ đô vào lúc 15 giờ 30 phút.
Chiều dần buông, nhưng họ còn cách TP Móng Cái trên 300km. Sau phút hội ý nhanh, Nghĩa cùng đồng đội quyết định mua vội cho mỗi người chai nước suối, rồi bắt xe đi Móng Cái.
Sau hơn 4 tiếng đồng hồ ngồi ôtô, họ đã đến được TP Móng Cái, nhưng… lạ đường, lạ chỗ lại chưa quen với ngữ âm miền Bắc, loay hoay hơn nửa giờ sau, mới hỏi thăm được nơi đã hẹn.
20 giờ 45 phút tối hôm đó, đón 2 anh tại trụ sở Công an phường Hải Yên là một cán bộ cảnh sát khu vực phụ trách Khu phố 3.
Sau tách trà nóng làm ấm người, Nghĩa cùng đồng đội vào thẳng vấn đề và được anh Cảnh sát khu vực cho biết: Người vợ tên là Nguyễn Thị Tín, ngày thường làm vườn và mua bán nhỏ lẻ tại địa phương. Chồng thì làm công cho một công ty tư nhân ở gần đó.
Thứ bảy và Chủ nhật hàng tuần, anh chồng không đi làm mà thường về phụ việc nhà với vợ. Hôm đó lại chính là ngày thứ bảy.
Sáng Chủ nhật, Công an TP Móng Cái cử cán bộ đến phối hợp với 2 trinh sát của Công an Vĩnh Long cùng cảnh sát khu vực bí mật thám sát nhà đối tượng. Khi đã quan sát được mặt đối tượng, 2 trinh sát Vĩnh Long liền ra hiệu cho lực lượng phối hợp cùng tiến vào.
Vợ chồng họ cùng ngỡ ngàng, giật mình khi các trinh sát xuất hiện, nhưng sau đó trấn tĩnh lại ngay và tỏ thái độ rất ngạc nhiên khi nghe các trinh sát hỏi về người đàn bà có tên: Nguyễn Thị Chuốt. Người vợ còn “nhanh nhảu” lấy vội chứng minh thư với tên là Nguyễn Thị Tín ra trình với các trinh sát.
Khi được mời về trụ sở Công an phường Hải Yên, bà vợ vẫn luôn một mực khăng khăng là mình bị oan, còn ông chồng thì có vẻ, đăm chiêu.
Phải mất hơn nửa ngày gặng hỏi, đến 14 giờ ông chồng mới thú nhận vợ mình chính là Nguyễn Thị Chuốt, đồng thời xin các trinh sát cho ông ta gặp mặt vợ để thuyết phục nhận tội.
Thủ tục bắt người và di lý đối tượng về Vĩnh Long được tiến hành ngay trong buổi chiều hôm đó. Sau đó, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã tuyên phạt Nguyễn Thị Chuốt mức án 10 năm tù giam về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Nghĩa thì đó vừa là kỷ niệm mà cũng vừa là một bài học kinh nghiệm trong những lần truy tìm, bắt giữ đối tượng có lệnh truy nã ở xa sắp tới.
Anh còn cho biết tuy rằng chưa được tham quan Móng Cái- nơi địa đầu Tổ quốc nhưng chuyến đi này của 2 anh đã đạt được thành công như mong đợi, đó chính là niềm vui lớn nhất của người trinh sát.
Có thể ví công việc của các trinh sát truy nã tội phạm như là việc “mò kim đáy biển” và chiếc kim này lại biết dịch chuyển, ẩn mình để trốn tránh sự truy tìm của các trinh sát.
Điều đó đòi hỏi cán bộ trinh sát phải có một tinh thần kiên định, ý thức trách nhiệm cao và nhất là phải kiên trì, không ngại khó, ngại khổ, biết hy sinh lợi ích cá nhân thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bình luận (0)