xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Choáng với Kình ngư xứ Dừa

Bài, ảnh, clip: Thiên Kim

(NLĐO) – Khi đang tháp tùng với Công viên cây xanh TPHCM vận động nghệ nhân tham gia Hội hoa xuân Tao Đàn năm 2012 ở miền Tây, chúng tôi nhận được tin ở Bến Tre có một con cá gỗ độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

img

Nghệ nhân Ba Bình An bên chú Kình ngư độc nhất vô nhị
 
Chủ nhân của con cá là nghệ nhân Ba Bình An, tức ông Nguyễn Văn Ba ở 4, xã Nhơn Thạnh, TP Bến Tre.

Nhà ông Ba thuộc vùng nông thôn, dù có đường nhựa đến tận nhà nhưng khá hẹp, chỉ đủ cho xe ô tô cỡ vừa. Hai bên đường, dừa rợp bóng, trĩu trái.

Xe vừa dừng lại trước cửa nhà ông Ba, đập ngay vào mắt chúng tôi là một con cá to vật vã, màu cánh gián, lên nước đỏ au nằm chiếm hết cả một khoảng sân.

Với cái đầu to bóng lưỡng, đôi mắt tinh ranh, thân hình uốn khúc khoẻ mạnh, bộ da gồ ghề, chiếc đuôi cong, chẻ hai kiêu hãnh vẫy lên trời, con cá gỗ sống động đến mức nếu thả xuống biển, xem chừng hắn sẽ lướt đi cùng những con sóng.

Đi vòng tới vòng lui, ấp mãi tay lên thớ gỗ mát lạnh, lên vân sặc sỡ, chúng tôi quên mất cả việc hỏi chuyện chủ nhân của con cá gỗ, nghệ nhân Ba Bình An.

Ngư phủ bỏ thuyền lên bờ làm nghệ nhân

Gia đình ông Ba có 3 đời làm nghề chài lưới, riêng ông có đến 35 năm là ngư phủ. Những năm lênh đênh trên biển, ông đã bộ lộ mắt thẩm mỹ và khéo tay khi nhặt vỏ ốc lắp ráp hình con nọ, con kia.
Mấy chục năm làm nghề cá, con cái khôn lớn, ông bán thuyền bán lưới và bắt đầu vui hưởng tuổi già bằng thú chơi kiểng khô. Ban đầu chỉ là làm cho thoả đam mê, về sau có người biết tới hỏi mua và dần dần ông Ba bắt đầu bén duyên với cái nghề bắt củi phải biến thành vàng.

“Cái nghề này ngoài có con mắt nghệ thuật chưa đủ đâu cô. Dù gốc cây khô, cây chết chỉ để làm củi nhưng mua rồi công vận chuyển nó về nhà cũng rất tốn kém. Phải làm rồi bán sản phẩm để lấy ngắn nuôi dài”.

Dẫn chúng tôi vào nhà, ông Ba chỉ cho chúng tôi xem một con rồng đang… cười tươi hớn hở. Đối diện với nó là con tôm hùm to vật vã. “Đây là tác phẩm đầu tay của tui, có tên là “rồng đến nhà tôm”, nhiều người thấy thích trả giá cao lắm nhưng tui không bán, để dành làm kỷ niệm”.
 
img
Tác phẩm đầu tay của ông Ba "rồng đến nhà tôm"
 
"Không có tên nào xứng với Kình ngư"
 
Từ chú rồng vui tính đó đến nay đã 6 năm, ông Ba đã tạo hình khoảng 100 tác phẩm. Trong đó, đặc sắc nhất là một con rùa được ông đặt tên là “Thần Kim Quy dâng gươm báu” và mang ra Hà Nội để chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long.

“Nhưng từ đó tới nay chưa có tác phẩm nào bằng con Kình ngư, nó dài 6,3 m, cao 1,2m, đường kính vòng bụng rộng 3,4m, nặng khoảng 1 tấn, con cá này bảo đảm độc nhất vô nhị ở Việt Nam đó cô”.
 
img
Tác phẩm "Thần Kim Quy dâng gươm báu". Ảnh do nghệ nhân Ba Bình An cung cấp

Ông Ba kể, khoảng tháng 11-2010, một người quen mách nước ở xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, cách nhà ông 45 km có một cây mù u khoảng 200 tuổi mới chết. Nghe qua số tuổi của cây, lại là mù u nên ông Ba biết là của quý, lập tức lên đường ngay.

Tới nơi, nhìn qua dáng cây, thấy đây là loại mù u tía, gỗ màu đỏ, gốc phình to, thân cây ngả về một hướng, phân nhánh làm hai như đuôi cá, ông ba mừng lắm, đồng ý chồng tiền liền mà không cần trả giá.
 
img
Nhờ nhánh cây chẻ hai nên chiếc đuôi Kình ngư thật sự sống động

“Nhìn tướng cái cây là tui thấy nó ẩn trong đó hình dáng một sinh vật biển. Ban đầu, tui thấy bộ rễ nó đẹp quá, như một cái đầu rồng nên định làm tác phẩm cá hoá rồng. Nhưng coi lại thấy đào bộ rễ đó lên nguyên vẹn là cả một vấn đề, đề tài đó lại không mới nên tui quyết định nó chỉ thuần là một con cá”.

img
Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.


Cả chục thanh niên khoẻ mạnh được ông Ba huy động đến đào cây, chuyển lên xe và đưa về. Cây mù u đó ông mua chỉ có 3 triệu nhưng công cáng vận chuyển về đến nhà lên đến 15 triệu đồng.

“Tốn kém thiệt nhưng gặp được cái cây quý là mừng lắm cô, tốn bao nhiêu cũng được, làm xong rồi nó sẽ trở nên vô giá”.

Người nghệ nhân chơi cây khô, gặp được gốc cây thế đẹp, nhìn ra dáng cây, lấy được ý tưởng cũng giống như rồng gặp nước.
 
Chỉ trong vòng 3,5 tháng, ông Ba đã đã làm xong các công đoạn như đập vỏ, móc ruột, cắt tỉa, đánh bóng để một khúc củi khô bỗng hoá kình ngư.
 
img
 
Kình ngư nặng đến 1 tấn, chiều dài hơn 6 m
 
img
 
Da Kình ngư lên nước đỏ au với những đường vân độc đáo

“Làm xong con cá, tui đi tới đi lui nhìn nó hoài mà không thể mường tượng được nó giống loài cá nào. Cá mập, cá heo, cá kiếm, con nào cũng có vẻ không xứng với nó nên tui quyết định đặt tên là Kình ngư, tức là con cá lớn, con cá vô địch thiên hạ”.

Trong dịp Tết Nguyên đán 2012, ông Ba sẽ mang Kình ngư đi trưng bài tại Hội hoa xuân TP Bến Tre. Ông tâm sự, làm được con cá hoành tráng như vậy, ông rất muốn khoe với thiên hạ nên cũng đang tìm hiểu thủ tục đăng ký cho con cá được ghi tên vào sách kỷ lục Việt Nam.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo