Lúc đó, tôi đang làm việc ở tầng 9 của công ty GNT Japan Ltd. nằm ở quận Shibuya, Tokyo. Khi trận động đất bắt đầu, mọi người chỉ nhìn nhau và nói: “Lại động đất!” vậy thôi. Thế nhưng rung động ngày càng mạnh khiến mọi người bắt đầu cảm thấy bất thường.
Nhờ được luyện tập thành thục, người Nhật nhanh chóng chui xuống gầm bàn trốn. Còn người Việt, tuy lần đầu gặp động đất, nhưng cũng đủ bình tĩnh làm theo, không hoảng loạn.
Các nhân viên văn phòng tụ tập ngoài đường phố Tokyo
Dần dần, chấn động dữ dội hơn, tòa nhà hết lắc bên trái rồi sang phải. Lúc này, trưởng phòng của tôi kêu mọi người chạy ra đường. Tôi chỉ còn kịp kiểm tra điện thoại, bóp tiền, chộp vội chiếc áo khoác rồi hòa cùng dòng người tuôn xuống cầu thang.
Tuy lo lắng nhưng mọi người vẫn chạy một cách trật tự. Các nhân viên Nhật cùng phòng không quên hướng dẫn bạn bè người Việt còn thiếu kinh nghiệm những nơi lánh nạn an toàn.
Xuống dưới tầng trệt đã thấy mọi người có mặt đầy đủ. Nhiều công ty lân cận thậm chí bố trí sẵn người hướng dẫn tránh nạn và phát nón báo hiểm cho từng nhân viên.
Dù đã tạm thời an toàn nhưng lẫn trong những người tránh nạn dễ thấy nhiều khuôn mặt Việt Nam sợ hãi, nói không nên lời và chỉ biết khóc. Bản thân tôi đã trải qua nhiều trận động đất mạnh 3-4 Richter nhưng lần này thật đáng sợ.
Mất sóng điện thoại nên chỉ có thể liên lạc bằng chat, Facebook
Ngay cả người Nhật cũng sợ hãi cho người thân ở xa khi mức độ chấn động không ngừng tăng lên. Mọi người đều cố liên lạc với người thân nhưng điện thoại đều mất sóng, chỉ có 3G là hoạt động nên mọi thông tin đều qua Yahoo!Messenger hoặc Facebook.
Chờ khoảng 30 phút, tình hình vừa im ắng thì bất ngờ chấn động lại nổi lên, tòa nhà một lần nữa rung chuyển. Không ai bảo ai, dòng người vội vã chạy đến công viên ở gần công ty. Ở Nhật, hầu như nơi nào cũng có các khu công viên để lánh nạn động đất.
Nhìn từ công viên, chúng tôi đứng tim quan sát các tòa nhà cao tầng lắc lư không ngừng. Mặt đất rung bần bật không ngừng làm chân chúng tôi đứng không vững.
Dư chấn vẫn tiếp diễn trong vòng hơn hai tiếng sau. Mọi người muốn về nhưng không được vì toàn tuyến tàu điện đã ngưng hoạt động, taxi, xe buýt cũng không chạy vì kẹt đường kéo dài.
Tokyo trong đêm 11-3
Hàng hóa trong các cửa hàng hết nhẵn trong đêm
Đường phố ngày càng đông hơn, các siêu thị đông nghẹt. Rồi hàng quán lần lượt đóng cửa, mì gói và các món ăn tạm qua bữa cũng không còn.
Không về được, chúng tôi đành tá túc lại công ty và luôn căng mọi giác quan lên chuẩn bị cho tình hình xấu hơn. Những người có vợ con ở nhà thì liên tục cập nhật tin tức qua chat. Họ thở phào khi hay rằng nhà cửa vẫn an toàn, đồ đạc có rơi đổ, hệ thống gas bị ngắt để ngăn ngừa cháy nổ nhưng điện vẫn còn.
Còn tôi, ba tiếng sau mới liên lạc được với bạn gái vì cô ấy hoảng loạn đến mức không nghĩ ra chuyện online trên Yahoo!Messenger hoặc Facebook. Nhà tôi ở Chiba nhưng may mắn không gần nơi kho chứa xăng bị cháy nổ.
Đến sáng 12-3, tàu điện hoạt động lại, nhưng thời gian di chuyển kéo dài hơn. Thông thường từ nhà đến công ty tôi mất khoảng 1 tiếng thì bây giờ là 3 tiếng. Tại các ga mọi người vẫn xếp hàng trật tự, nhờ vậy mà thiệt hại không cao. Siêu thị cũng hoạt động bình thường, không có chuyện lợi dụng động đất mà tăng giá.
Xếp hàng nghiêm chỉnh chờ xe điện sáng 12-3
Về đến nhà, xem những hình ảnh thảm khốc trên tivi, theo dõi số người chết tăng cao, tôi rất xót xa. Tuy chỉ mới sống ở Nhật 5 năm nhưng tôi xem đây như quê hương thứ hai của mình.
Và lẫn trong những cảm giác ấy là sự khâm phục một đất nước ý thức rất rõ hiểm nguy động đất luôn chực chờ để giáo dục, huấn luyện người dân rất kỹ, giảm thiểu tối đa thiệt hại đáng tiếc khi thảm họa xảy ra.
Bình luận (0)