Ngày 3-6, các cuộc xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình đã bùng phát trở lại tại các thành phố lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan lên án những người biểu tình là "những kẻ cực đoan bắt tay với khủng bố".
Đài truyền hình NTV đưa tin về trường hợp tử vong thứ hai trong các cuộc biểu tình được xem là nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua. Đó là 1 thanh niên 22 tuổi, qua đời tại bệnh viện ngày 3-6 sau khi bị trúng đạn tại tỉnh Hatay ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Đụng độ rạng sáng 3-6 tại Istanbul. Ảnh: REUTERS
Đảng Cộng sản Hy Lạp bày tỏ đoàn kết với người biểu tình Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, tại thành phố Istanbul, những người biểu tình đã đốt phá nhiều ô tô, ném gạch đá và một số vũ khí tự chế vào cảnh sát chống bạo động, buộc lực lượng này phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông trước văn phòng Thủ tướng Erdogan và gần sân vận động Besiktas.
Tại quảng trường Taksim ở trung tâm Istanbul, nơi được coi là tâm điểm của cuộc biểu tình, hàng ngàn người vẫn tập trung, mang theo nhiều khẩu hiệu, biểu ngữ phản đối chính sách của chính phủ, yêu cầu ông Erdogan từ chức.
Nhóm tin tặc Anonymous sáng 3-6 đã thực hiện một loạt vụ tấn công vào các website của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ để trả đũa phản ứng bạo lực của cảnh sát.
Một số thông điệp của Anonymous trên mạng xã hội Twitter có cung cấp kết nối với các website mà công chúng không được tiếp cận, trong đó có website của Tổng thống TNK Abdullah Gul và Đảng Công lý và Phát triển (AK) cầm quyền ở nước này.
Ngoài ra, nhật báo tiếng Anh Hrriyet Daily News ở TNK đưa tin một số website của các phương tiện truyền thông nước này cũng là mục tiêu của Anonymous vì đã không đưa tin một cách thỏa đáng.
Người biểu tình cố lao vào văn phòng Thủ tướng Tayyip Erdogan rạng sáng 3-6. Ảnh: REUTERS
Cùng ngày, Mỹ đã bày tỏ lo ngại trước tình hình bạo lực gia tăng tại Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt việc cảnh sát dùng vũ lực "quá mức" để trấn áp người biểu tình. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi chính phủ và người biểu tình ở Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế đối đa.
Cuộc biểu tình vì môi trường phản đối kế hoạch phá một công viên ở dọc quảng trường Taksim để xây dựng trung tâm thương mại biến thành làn sóng phản đối đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền gay gắt nhất kể từ khi đảng này lên nắm quyền năm 2002 sau khi cảnh sát sử dụng vũ lực "quá mức" ngày 31-5.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Erdogan tuyên bố tiến hành đến cùng dự án gây tranh cãi nói trên cùng với việc AKP thông qua luật cấm bán và quảng cáo đồ uống có cồn khiến tâm lý chống chính phủ gia tăng trên cả nước, đặc biệt là trong giới trẻ.
Bộ trưởng Nội vụ TNK Muammer Guler ngày 2-6 cho biết đã có hơn 1.700 người bị bắt trong cuộc bạo loạn trên khắp cả nước, 58 thường dân và 115 nhân viên an ninh bị thương trong mấy ngày xảy ra các cuộc chống đối. Trong khi đó, dư luận quốc tế đã lên tiếng chê trách việc xử lý các cuộc phản đối của nhà chức trách TNK.
Bình luận (0)