Xe buýt đã đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu vận chuyển công cộng. Tuy nhiên, loại phương tiện này cũng là mối đe dọa thường trực cho hàng triệu người đi xe máy, xe đạp đi chung làn đường, trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người dân TPHCM.
Tài xế chạy ẩu
Đoạn đường Bà Hom từ vòng xoay đến đường An Dương Vương (quận 6), bụi bay mù mịt, xe cộ qua lại đông đúc. Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi, một số xe buýt lưu thông qua đoạn đường này bóp kèn inh ỏi, đua tốc độ với các xe máy lưu thông cùng chiều. Khi có 2 xe buýt lưu thông trái chiều, mặt đường bị “ngốn” hết, nhiều người đi đường phải tấp vội vào bên đường nhường cho các “ông lớn” đi qua.
Tại ngã ba Âu Cơ - Nguyễn Hồng Đào (phường 14, quận Tân Bình, nơi chiếc xe buýt số 23 cán chết thanh niên Hồ Đắc Hưng chiều 5-12), chiếc xe buýt chạy đằng trước ghé trạm, chiếc xe buýt phía sau lấn tuyến sang làn trái đường tăng tốc vượt lên trên, các xe máy phải dạt vào gần lề hoặc leo lên lề để tránh. Một số xe buýt chạy từ hướng Nguyễn Hồng Đào ra Âu Cơ lấn hết cả 2 làn đường mới quẹo được vì xe quá dài mà khúc cua thì hẹp.
Xe buýt dàn hang ngang, đón khách giữa đường trước Khu Du lịch Suối Tiên. Ảnh: ÁNH NGUYỆT
Dọc đường Lý Thường Kiệt, hướng từ đường 3 Tháng 2 về Hoàng Văn Thụ, chúng tôi lạnh người khi chứng kiến màn đưa - đón khách của những chiếc xe buýt lớn (loại 80 chỗ). Chiếc xe buýt số 8 tuyến Bến xe quận 8 - Đại học Quốc gia chạy phía sau bấm còi không ngớt, cả lúc đang chạy lẫn khi tấp vào trạm. Nhiều người đi đường bực mình nhưng cũng đành phải dạt ra trước sự uy hiếp của tiếng còi lớn và khối phương tiện khổng lồ lao tới từ phía sau.
Trạm dừng xe buýt trước Khu Du lịch Suối Tiên vài phút có một chuyến xe buýt đến trạm, không hiếm những lúc có từ 3-5 xe buýt vào trạm cùng một lúc. Từ vị trí cầu vượt bộ hành Suối Tiên, xe buýt phải “lạng” từ làn đường ngoài cùng bên trái vào làn đường ngoài cùng bên phải để ghé trạm.
Nhiều tài xế khi đến chân cầu vượt bật đèn xi nhan rồi ào ào đổ dốc, cho xe băng chéo qua đường lạng ngay vào khu vực trạm, buộc người đi xe máy phải canh chừng để… né. Những lúc có 3-5 xe buýt ghé trạm cùng lúc, người đi xe máy lọt thỏm giữa vòng vây xe buýt, vừa phải len lỏi giữa những khoảng trống nhỏ nhoi còn lại để chạy vượt lên vừa căng mắt quan sát tránh chiếc xe buýt trước mặt “lạng” qua phải vào trạm, chiếc xe buýt sau lưng “lạng” qua trái để tăng tốc chạy sau khi đã đón khách.
Mặt đường tại khu vực này còn bị thu hẹp vì một số xe buýt chạy tuyến số 7, 602, 603, 604 (các xe này có lộ trình đi về Đồng Nai và Bình Dương) đậu “lì” chiếm bến để đón khách. Ông Trần Văn Út, chạy xe ôm trước Khu Du lịch Suối Tiên, lắc đầu: “Xe buýt ở đây chạy dữ lắm, cứ đổ dốc ào ào rồi đùng đùng lạng ra bên ngoài mà chạy, bữa trước có chiếc xe buýt cán một thanh niên đi xe hai bánh nát cánh tay”.
Ý thức người đi đường kém
“Xe buýt chạy ào ào cả ngày, nhiều tài xế lấn tuyến. Nhưng cũng phải nói nhiều vụ tai nạn trên con đường này là do người đi xe máy chạy ẩu” - bà Nguyễn Thị Hai (76 tuổi, ngụ Tỉnh lộ 10, quận Bình Tân) nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trên nhiều đoạn đường, một xe buýt lưu thông trên đường đã chiếm gần trọn phần đường, thế nhưng nhiều xe máy cứ tăng ga vượt lên đầu xe buýt, lấn sang phần đường bên trái đua tốc độ với xe buýt, xe tải, bất chấp tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Trước cổng Trường Tiểu học Phạm Ngọc Thạch (đường Âu Cơ, phường 9, quận Tân Bình, vị trí gần với nơi xảy ra vụ xe buýt cán nát cánh tay một cô gái ngày 5-12), hàng trăm học sinh từ trong cổng túa ra, phụ huynh từ lề đường lao xe xuống “cài” vào dòng người tan sở ngược xuôi.
Cứ khoảng 3-4 phút lại có một chiếc xe buýt to đùng lừng lững chạy qua. Nhiều học sinh đi bộ hoặc xe đạp vô tư vui đùa bên cạnh chiếc xe dài hơn 11 m nặng cả chục tấn. Nhiều người chạy xe máy vọt lên hai bên, cúp đầu xe buýt để thoát khỏi sự cản đường “gã to xác” thường xuyên tấp vào, tạt ra.
Chúng tôi lên chuyến xe buýt số 28, tuyến Bến Thành (quận 1) - chợ Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), may mắn được tiếp chuyện với bác tài Trần Trọng Minh, người có 20 năm kinh nghiệm lái xe, từng được tuyên dương là “Hiệp sĩ giao thông”.
Vừa chăm chú nhìn quãng đường phía trước, ông Minh vừa đảo mắt liên tục hai bên để tránh xe máy. “Xe cộ chạy chung một làn thế này, độ nguy hiểm rất cao. Nhiều người từ lề lao xuống, trong hẻm phóng ra bất chợt, mình chạy vừa phải mới phanh kịp. Nếu có sự cố cách 10 m phía trước thì chúng tôi có thể xử lý được, chứ họ (người đi xe máy, xe đạp) ngã ngang đầu hoặc thân xe thì “bó tay” - ông Minh cho biết.
Theo ông Minh, điều khiển xe buýt khó khăn nhất trong các loại xe. Nhiều người chạy xe khách Bắc - Nam kinh nghiệm hàng chục năm, đến khi xin vào lái xe buýt thì chỉ được nửa ngày là bỏ xe, bỏ luôn việc. “Những con đường TP luôn đông đúc, lái chiếc xe 4 chỗ tấp vào lề đã vất vả, huống hồ chúng tôi phải lái chiếc xe rộng 2,6 m, dài hơn 11 m. Làm nghề này phải luôn nhường nhịn, hòa nhã; nóng vội, bực bội là dễ gặp tai nạn” - ông Minh tâm sự.
Mệt mỏi khi ra vào trạm
Một tài xế xe buýt thuộc Liên hiệp HTX Vận tải TP, có hơn 10 năm ôm vô lăng, ngán ngẩm cho biết dù không bị áp lực thời gian, doanh thu nhưng hiện nay, tài xế xe buýt rất mệt mỏi, nhất là khi ra vào trạm đón, trả khách. Trung bình một chuyến phải ra vào trạm hơn 50 lần, trong đó hơn 1/3 số trạm bị chiếm dụng làm chỗ đậu xe, buôn bán… khiến tài xế không tài nào tấp sát lề theo quy định. Trong lúc vừa sợ bị CSGT xử phạt vừa sợ khách phàn nàn, lại tránh đám đông xe máy đang cố tình chen lấn khiến tài xế luôn căng thẳng. Theo tài xế này, nếu hệ thống trạm dừng được thiết kế riêng biệt như trên đường Trường Chinh thì tài xế đỡ vất vả hơn.
T.Hồng |
Bình luận (0)