Bà nằm co quắp bất động trên chiếc chõng tre, cổ họng phát ra tiếng khò khè nhịp nhàng. Có thể những âm thanh đó đã đánh thức ông Cẩm nhưng cũng có thể là do giấc chiêm
Tác giả:
Bạn bè trường huyện ở vùng cát xứ Quảng ngày xưa ra đi bây giờ rất thành danh. Có người là tổng biên tập một tờ báo lớn, có người là nhà văn nổi tiếng... Riêng Phan Văn Minh vẫn ở lại vùng quê theo nghiệp gõ đầu trẻ và sáng tác nhạc. Phan Văn Minh có nhiều bài hát hay cho thiếu nhi và quê hương. Tác giả bài hát Cả nhà thương nhau này còn viết truyện ngắn và làm thơ. Nhiều truyện ngắn của anh được chọn in trong những tuyển tập lớn.
|
Thật ra bà Cẩm cũng đã mang thai vài lần nhưng đều đẻ non. Hậu quả là bị thêm chứng cục máu nhà con hành hạ lúc về già. Thỉnh thoảng trong cơn hen suyễn, nó chạy từ bụng dưới lên chặn trong ngực làm bà ngất đi vì khó thở. Những lần như thế ông Cẩm lại vuốt ngực bà với một tình âu yếm của thời xa xưa. Dường như ông đã dành nửa cuộc đời để chăm sóc người vợ bệnh hoạn và những chậu kiểng còi cọc trong khoảnh vườn hình tam giác của mình. Khoảnh vườn đó là miếng thừa thẹo còn sót lại từ gia tài của tổ tiên ông sau những giằng xé của chung và của riêng, của kẻ sống và người chết. Trải qua bao cuộc vật đổi sao dời, vợ chồng ông đã sống bám vào đó như bám vào manh chiếu rách giữa chợ đời. Lẽ ra ông đã thu nhập khá hơn nếu trồng hoa huệ, hoa hồng để bán vào các ngày chủ nhật, vạn thọ và mẫu đơn cho những ngày rằm và mùng một. Nhưng ông lại bỏ công ra uốn những cây duối và chè tàu thành nai thành hạc, đẽo gọt những gốc tre khô thành rồng thành phượng. Những của ấy mỗi năm chỉ có thể bán một lần vào dịp Tết. Còn những ngày thường thì năm khi mười họa mới có một gã khùng điên nào đó đến mua của ông vài chậu với giá rẻ mạt. Cho nên vợ chồng ông quanh năm sống lặng lẽ như hai cái bóng mờ nhạt giữa ba bờ rào cây dại đan kín mít, chẳng được và chẳng bị ai quấy rầy.
Nhưng đột nhiên người ta cần đến ông cũng như cần nghe lại bản hợp xướng của mùa đông xa xưa. Ông được phân công phụ trách phần bè cao và các đoạn lĩnh xướng. Bởi vậy khi lom khom trong bếp đun cháo cho bà Cẩm ông đã nhẩm đi nhẩm lại bài hát ấy nhiều lần. Và cũng rất nhiều lần ông phải cầu cứu đến bà Cẩm ở những câu đã chìm khuất trong trí nhớ mệt mỏi. Bà vợ đã nhắc ông rất chuẩn xác trong tiếng thở khò khè. Sau đó, ông lôi từ đáy rương ra một bộ quân phục đã bạc phếch, một đôi giày bố, một chiếc mũ sĩ quan và hai tấm huân chương chiến công. Sau bốn mươi năm, những kỷ vật ấy bây giờ vẫn còn phả vào mũi một thứ mùi làm trái tim già nua của ông đập mạnh. Ông nai nịt tất cả vào. Chúng chạm vào da thịt làm các khớp xương, các cơ bắp của ông rung chuyển. Máu lại chảy rần rần trong huyết quản. Ông ước ao có một tấm gương, ông không nhớ lần cuối cùng mình soi gương vào dịp nào nhưng ông đang có một tấm gương trung thực nhất, đó là bà Cẩm. Ông đến trước mặt bà, hát lại bài hát từ đầu đến cuối trong tư thế biểu diễn. Bà nhìn ông mỉm cười, hai hàng nước mắt chảy dài làm ông thấy lại cái đêm bà đứng bên đống lửa nhìn ông, đôi mắt long lanh.
Cuối cùng, ông đặt tay lên ngực bà và hỏi:
- Bà thấy trong người thế nào?
Bà Cẩm thều thào trong cơn suyễn. Khí quản của bà như có vạc dầu đang sôi:
- Khỏe... Hơn mọi hôm. Ông... đi... đi kẻo muộn!
Ông Cẩm sờ bụng vợ và thấy cục máu nhà con đang nằm ngang chớn thủy. Giọng ông thoáng chút lo âu:
- Liệu hôm nay nó có chạy lên không?
- Không... hề gì. Tôi sẽ... tự đẩy nó xuống.
Bà Cẩm khẽ cựa mình, lôi từ dưới gối ra một chiếc áo capốt cũ mèm dùng làm cả áo mưa lẫn áo rét. Ông Cẩm ngần ngại hỏi bà:
- Bà không để mà đắp sao?
- Thôi... Tôi không thấy lạnh. Ông mang theo phòng... mưa ướt.
Ông Cẩm đặt bát cháo lên đầu giường rồi tập tễnh bước ra khỏi nhà trong lúc cơn gió bấc đang chuyển giật, trời lất phất mưa bay. Ông run run lội qua những ngõ hẻm quanh co đầy bùn nước và xiêu vẹo băng ra con đường lớn. Nhà hai bên phố đã đóng cửa im lìm. Hình như có tin một cơn bão đang tiến vào từ phía biển. Thỉnh thoảng một cái đầu ló ra khỏi cửa, lộ vẻ ngạc nhiên nhìn người thương binh đang độc hành giữa phố. Còn ông Cẩm thì ngạc nhiên rằng sao người ta lại sợ gió mưa đến thế. Ông ngẩng đầu nhìn thẳng lên bầu trời mờ đục, miệng nhẩm lại bài hát theo nhịp quân hành. Ông còn định huýt sáo thật vang nhưng hai chiếc răng gãy đã làm ông bực mình.
Một giờ sau ông Cẩm đã đứng trên sân khấu lộ thiên cùng dàn hợp xướng. Mặc dầu trời đang mưa gió làm lượng khán giả không đông như dự kiến nhưng tất cả những khách mời đều đã ngồi kín hai hàng ghế đầu. Ban nhạc chơi dạo một bản disco rồi chuyển sang bài hợp xướng. Bốn chục cựu chiến binh bước đều ra giữa sân khấu trong tiếng kèn đồng trống phách và tiếng vỗ tay vang dội. Người ta nhận ra trong số đó có bác thợ giày, anh Lương phó cạo. Một vài người già vừa nghỉ hưu. Chỉ có một ít không già không trẻ là vẫn thấy ngồi sau các bàn giấy. Không biết có bao nhiêu người nhận ra ông Cẩm nhưng đêm đó ông đã hát say sưa hơn cả. Ông đặt sát miệng vào micro nên giọng ông đi riêng một phần bè. Ngọn gió bấc quần thảo trong quảng trường làm các bóng đèn nhấp nháy liên hồi. Ông Cẩm có cảm giác như đang đứng giữa núi rừng biên giới trước ánh lửa bập bùng. Trong chớp sáng của hồi ức, ông sống lại nguyên vẹn cái đêm hùng tráng của bốn mươi năm trước. Và ông thét to lên ở đoạn cao trào bất chấp cả nhịp phách, mặc cho giai điệu đôi lúc bị chệch khá nhiều do hai chiếc răng cửa vừa rụng. Cho nên ba mươi chín người còn lại cố sức đuổi theo ông mà không kịp. Bởi mỗi người đều muốn tỏ ra không thua kém, bằng một cách diễn xuất riêng, nên bản hợp xướng đã trở nên đặc sắc lạ thường. Những vị khán giả ngồi ở hàng ghế đầu bị kích động cao độ. Họ vung tay cùng hát với diễn viên. Sau đó, ông Cẩm đã một mình đi vào lĩnh xướng như một người hùng một mình xông pha giữa trận mạc. Mặc cho mưa gió hắt vào người, ông đã dùng tất cả hơi sức còn lại để diễn tả quang cảnh chiến trường sau trận đánh đẫm máu. Ông xúc động đến mức nước mắt ứa ra hòa với nước mắt của đất trời. Trong giây phút, ông tưởng như mình đang độc thoại về Tổ quốc, về đồng đội và chính cuộc đời mình.
Ông Cẩm sẽ còn hát mãi không biết đến bao giờ nếu đèn điện không bị cúp đột ngột. Một ngọn gió đã giật phăng phông màn, hất đổ cả đàn trống. Trong lúc đứng chờ được hát tiếp, ông đã không nghe thấy tiếng mọi người nhốn nháo bỏ chạy trên sân khấu và khắp cả quảng trường. Ông vẫn giậm chân giữ nhịp cho đến khi cơn mưa ập xuống như thác đổ và gió xô ông ngã ngồi trên sân khấu. Không có bàn tay nào đỡ ông. Rồi trong lúc đi tìm chiếc áo capốt ông chợt nghĩ tới bà Cẩm. Ông sờ lên chỗ hai chiếc răng cửa vừa rụng và nghĩ đến giấc chiêm bao ban chiều.
Chợ tết năm đó ông Cẩm không còn gì để mang đi bán. Cơn bão đã bẻ gãy cẳng tất cả tai và hạc, đã vặt trụi râu cánh tất cả rồng và phượng. Chính nó cũng góp phần làm cho bà Cẩm vĩnh biệt ông ngay đêm ấy không một lời trăng trối. Ông đã khóc suốt mùa đông bên mộ người vợ yêu dấu cho đến khi nhận ra nước mắt đã khô mà nguồn sống đã cạn kiệt. Ông còn một chậu bạch mai may mắn thoát khỏi cơn bão nhờ không còn lá. Đó là cây kiểng đã sống hơn nửa thế kỷ nên tiểu sử của nó phải kể mất nhiều trang giấy. Nó vô giá ở dáng cổ thụ lùn tịt, có đủ hang bộng cho các loại bò sát và thân đốt. Nó càng quý hiếm ở chỗ mỗi năm chỉ cho ra đời năm bảy nụ hoa trắng lơ thơ. Ông Cẩm tự hào về nó bao nhiêu thì nay cũng đoạn trường bấy nhiêu khi đem gạ bán cho một tay thương gia giàu sụ. Hắn đã hẹn sẽ đến với một số tiền đủ cho ông sống hết quãng đời còn lại.
Cả ngày cuối năm ông ngồi ngắm những cành nhánh cỗi cằn như ngắm nỗi cô đơn của mình và hy vọng của ông về người khách sẽ đến cũng mong manh như những nụ hoa trước ngọn bắc phong rét buốt.
Bình luận (0)