Chưa nguôi giận, tôi quay lại nói như quát vào mặt bà chị: “Còn chị nữa, phải chi hôm đó chị nói vô vài tiếng để ông già đồng ý thì bây giờ đâu phải khổ sở, nhục nhã với chiếc xe cà tàng này”. Biết tôi còn đang giận chuyện ba không đồng ý ký giao đất cho ban dự án để được đền bù, chị Hai chỉ biết im lặng. Một hồi lâu chiếc xe đi lại bình thường, chị nói nhẹ nhàng ở phía sau: Chứ hôm kia trong lúc mấy người đó đến nhà em, không nghe ba nói gì với họ sao?
- Có nghe, nhưng chị nghĩ coi, vào quy hoạch rồi, xóm mình nay mai sẽ trở thành khu đô thị vậy mà ba vẫn còn muốn giữ đôi bò và chiếc xe cổ lỗ này, chán chết đi.
Chị Hai lại tiếp tục xoa dịu tôi, vì hơn ai hết chị hiểu tôi mà giận lên thì coi trời đất bằng vung, có khi còn bỏ cả ăn và không thèm chở rau cho chị ra chợ bán nữa.
- Được rồi, để thủng thẳng rồi chị nói với ba cho.
Phía trước đôi bò vẫn cúi đầu ngoan ngoãn kéo xe, chúng như muốn cùng chị Hai xoa dịu cái tánh nóng nảy thất thường của ông chủ nhỏ đang ngồi chễm chệ trên xe.
Nhiều khu công nghiệp đã được xây dựng ở vùng ngoại ô các tỉnh. Nông dân có dịp đổi đời khi ruộng đất được đền bù và con cháu được nhận vào làm công nhân ở các nhà máy. Nhân vật Tú trong truyện Chiếc xe bò cũng vui mừng vì không phải vất vả chăm sóc đôi bò kéo xe. Anh đã trở thành công nhân nhưng cũng thoáng bùi ngùi khi gặp lại chiếc xe bò ngày xưa, trở thành chiếc xe kiểng trong một công viên.
Văn của Đào Văn Đạt dí dỏm nhưng lại có cái “hậu” buồn man mác...
Đoàn Thạch Biền |
Tèo ký giấy vào quy hoạch nên có tiền mua xe Dream, chiều nó phóng xe đi thị xã chơi. Lại nhà thằng Tí thì nó bận rộn với cái điện thoại di động, không biết có cái gì trong đó mà lúc nào nó cũng dán mắt vào. Tôi không có gì cả, ngồi một mình ngoài chuồng bò lắng tai nghe tiếng nổ tí tách của đống lửa, nhìn khói trắng ngoằn ngoèo đuổi đám ruồi muỗi bay vo ve buồn ngáp sái cả hàm.
Lững thững tôi bước lại gần đôi bò, dường như chúng còn ngán tôi chuyện hồi sáng nên vội né tránh. Tôi đưa nắm đấm dứ dứ vào mặt hai con bò, chửi bâng quơ: “Tụi bay liệu hồn đấy!”. Bỗng tôi nghe ba gọi vào nhà ăn cơm. Ủa, sao lạ vậy? Thường ngày chị Hai gọi sao hôm nay lại là tiếng ba. Mà nghe giọng ba như có gì nghiêm trọng lắm, chắc có chuyện lớn rồi đây.
- Hôm nay sao con ăn ít vậy Tú, con có làm sao không?
- Dạ, con no rồi ba.
Ba tôi từ tốn:
- Nếu no rồi thì con ngồi lại, ba có chút việc!
Thì ra ông già thật kỹ tính, ông không muốn đàm luận trong bữa ăn. Cũng tốt thôi, tôi ngồi xuống ghế chuẩn bị tinh thần. Ba tôi nhẹ nhàng:
- Hình như ba nhớ con còn nợ đôi bò nhiều chuyện lắm.
Đưa ly nước lên hớp một ngụm, ba tôi tiếp:
- Tháng trước, con đánh xe bò chở chị Tư đi khám thai ở trạm y tế về, chị Tư có mua cho con cái áo mới, con mừng rỡ hứa với đôi bò sẽ cắt cho tụi nó bốn bao cỏ sữa non, vậy mà con chưa thực hiện. Rồi mới tuần trước con đánh xe bò chở gạch cho chú Ba xây chuồng heo. Xong việc chú Ba có mua cho con đôi giày tốt. Chiều hôm đó ba nghe con hứa với đôi bò là từ nay không la hét tụi nó nữa, vậy mà hồi sáng này con làm cái trò gì vậy Tú?
Tôi ngớ người ra. Chuyện tôi giận đót bò hồi sáng sao ba biết. Tôi đảo mắt nhìn chị Hai, chị né cái nhìn của tôi bằng cách cúi xuống dọn mớ chén dĩa trên bàn ăn. Thôi được, ngay trong lúc gay cấn này tôi tạm bỏ qua cho chị. Còn chuyện hứa với đôi bò sao ông già cũng biết được? Tôi còn nhớ, tôi thường trò chuyện với đôi bò trong lúc vắng người. Có khi là ở dưới bụi tre ngoài bờ ruộng. Giữa trưa nắng chang chang vắng vẻ buồn quá tôi và bò tìm đến nhau trò chuyện thì thầm hệt như ba người bạn, hay trong lúc un khói đuổi muỗi cho chúng, tôi tâm sự với bò như anh lo lắng cho em, vậy mà sao ông già nghe được. Hay là lâu nay ông già theo dõi mình chăng? Tôi còn chưa biết phải trả lời ra sao, ba tôi lại nói tiếp:
- Ngày mai ba bán đôi bò và chiếc xe cho người ta. Vậy con không còn cơ hội trả nợ cho chúng nữa rồi.
Đêm đó tôi không ngủ được, cứ nghĩ chỉ cần sáng mai thôi là tôi sẽ lột xác, sẽ không còn ngồi trên chiếc xe bò cọc cạch, khổ sở chở từng bó rau ra chợ quê bán nữa mà đàng hoàng làm chủ một chiếc xe máy bóng lộn, tha hồ mà chảnh với tụi thằng Tèo. Và chỉ sáng mai thôi là tôi sẽ không còn là thằng Tú đen nhẻm chiều chiều ngồi một mình bên chuồng bò đuổi muỗi. Bao nhiêu chuyện sung sướng đang diễn ra trước mắt tôi cho đến khi tôi chuẩn bị đi vào giấc ngủ thì nghe có tiếng động lạ ngoài chuồng bò. Thôi kệ tụi nó, ngủ luôn sáng rồi tính. Nhưng chợt nhớ nếu đêm nay đôi bò có chuyện gì thì ngày mai bao mơ ước sẽ tan tành mây khói. Nghĩ vậy tôi xuống giường đưa chân tìm dép. Đêm vắng, hai con bò nằm châu đầu nhau nhai cỏ, hai đôi tai ung dung ve vẩy đuổi ruồi. Thấy tôi ra chúng đưa đôi mắt nhìn ơ hờ, dường như chúng chẳng quan tâm đến sự hiện diện của tôi. Đối với chúng, tôi bây giờ là một người bạn hứa lèo, một người bạn độc ác vô tâm. Tôi tiến đến gần, thầm nói: “Ừ, bây cứ tha hồ mà giận tao đi, rồi đây không còn cơ hội nữa đâu con ạ!”. Tự nhiên nói xong câu này tôi cười hả hê như người đắc thắng. Bước chân đến gần hơn nữa coi đôi bò có chuyện gì không, nhìn thấy vết đót trên mông chúng, tôi cảm thấy thương thương, chạy vào nhà lấy chai dầu ra xoa xoa. Hành động của tôi lúc này mang ý nghĩa làm phước chứ không hề có ý hối hận. Dường như đôi bò cũng chẳng cần tôi thương hại, chúng đứng dậy quay đít chỗ khác. Tôi kiên nhẫn, thôi kệ đằng nào ngày mai mình cũng xa chúng rồi, thôi thì ráng chiều chúng một chút vậy. Vừa xoa dầu, tôi vừa thì thầm cho đỡ thẹn: “Thú thật lúc trước tao có hứa với tụi bay nhiều việc lắm nhưng lu bu quá tao quên mất. Mà cũng tại tụi bay không nhắc tao. Thôi cho tao xin lỗi nghen, ngày mai bay đi đừng giận tao!”. Tôi chia tay đôi bò chỉ sơ sài có vậy. Quá nhanh so với cả đời nó gắn bó với tôi, quá nhanh so với những gì tôi từng nói với nó dưới bóng mát cây bằng lăng ngoài bờ ruộng giữa trưa hè vắng vẻ. Màn đêm cũng vô tình lướt nhanh qua mọi chuyện để rồi sáng mai chuồng bò nhà tôi trống hoác, trống huơ.
***
Xóm làng trở thành khu đô thị, đường quê tráng nhựa phẳng lì. Tôi và mấy thằng bạn cởi bỏ lớp vỏ nhà nông nhiễm phèn, khoác lên mình chiếc áo công nhân đi vào nhà xưởng. Làm việc cho các công ty nước ngoài có khi tăng ca đến khuya mới về tới nhà. Không phải như hồi trước, năm giờ chiều là cả nhà quây quần bên mâm cơm đầm ấm.
Chiều nay công ty tôi làm hết hàng, ban giám đốc cho công nhân về sớm. Lâu lâu mới có một bữa thoải mái, tôi rủ thằng Tèo ra công viên mới xây chơi. Hai đứa lững thững trong công viên, hai bên lối đi rực sắc màu của muôn loài hoa trang trí. Vô tình bước chân tôi đến gần một mô đất, cỏ được trồng tỉ mỉ từng hàng, trên đỉnh có một chiếc xe bò nằm lặng lẽ trong nắng chiều, tạo cho công viên có vẻ gì đó của một chiều quê êm ả. Tôi đến gần chiếc xe hơn. Dù được sơn phết thật cẩn thận nhưng tôi vẫn phát hiện chiếc xe bò này là của nhà tôi hồi đó, bởi những dấu tích còn in sâu trên từng thớ gỗ. Bên hông xe còn một vết xước dài, vết xước này là do hồi đó tôi đánh xe chở lúa cho cô Út, đường xuống dốc Đình trơn trượt chiếc xe lật nghiêng, may mà nhờ chân cặp bò khỏe kìm lại được nếu không thì miếng gỗ này đã gãy đôi. Kia nữa, nơi bánh xe một cây căm bị rạn nứt. Đây là vết tích của lần kéo củi cho nhà anh Năm bán bánh bò, lần ấy cặp bò dở chứng không chịu kéo xe, tôi đót vài cái chúng nhảy tót lên làm cho củi trên xe rơi xuống đường, có một cây xỏ vào làm căm xe bị rạn nứt. Lần đó về tôi bị ba la là làm ẩu, còn phải tốn tiền mua cái quần mới vì củi móc rách một đường dài. Tôi tiếp tục quan sát chiếc xe bò của mình. Nơi cái ách còn khắc sâu hai chữ T,Y. Tôi còn nhớ hai chữ này là do nhỏ Yến bày ra, lúc xe dựng nơi gốc bằng lăng ngoài bờ ruộng. Tôi và nhỏ ngồi bó gối trên xe trò chuyện. Nhỏ Yến nói chuyện trên trời dưới đất, chuyện bên Tàu bên Tây. Kể cả chuyện nửa đêm thức giấc thèm đủ thứ. Khi tôi lái câu chuyện qua đề tài yêu đương thì nhỏ thẹn thùng đỏ mặt nói trống lảng: “Thôi không nói chuyện đó nữa, tôi và Tú thử làm hai con bò kéo xe đi”. Rồi hai đứa cứ giành nhau kéo bên phải vì cả hai đều thuận vai phải. Yến bèn nghĩ ra ý kiến nam tả, nữ hữu thế là nhỏ lấy cái liềm cắt lúa khắc chữ T là tên tôi bên trái còn chữ Y tên nhỏ bên phải. Vì không thuận vai nên tôi bị nhỏ Yến kéo xệch một bên làm cả chiếc xe bò lệch qua bên trái, lảo đảo rồi nhào xuống đám mạ non xanh rì của chú Hai. Nhỏ Yến đứng cười ha hả, còn tôi ê vai mà chiều về còn bị ba “dần” cho một trận nên thân vì tội phá hại đám mạ non của chú. Giờ nhìn lại hai chữ này, tiếng cười của nhỏ Yến ngày nào như còn vẳng bên tai, chợt thèm sống lại với hương đồng gió nội. Thích được ngửi mùi khói đống un ngày nào, nỗi nhớ đôi bò cứ quay quắt trong tôi. Thấy tôi ngồi thừ ra, thằng Tèo lại gần vỗ vai rồi nói:
- Mày không ngán những ngày gian khổ với nó hay sao mà ngồi nhìn nó hoài vậy. Hay mày còn tiếc của, nghe đâu bây giờ mấy người xây công viên họ đua nhau tìm mua xe bò với giá rất cao vậy mà tìm không ra. Xe bò bây giờ thuộc hàng hiếm đấy!
Tôi không nói gì, kéo tay thằng Tèo ra về.
Về đến nhà tôi thả mình xuống bộ salon, lòng trống vắng. Nhà không có ai, chị Hai đi làm chưa về, còn ba má giờ này chắc lúi húi ngoài hàng rào. Từ khi xóm trở thành khu đô thị, mấy người già trong xóm thường rảnh tay, tiền đền bù gởi ngân hàng lãnh lãi tha hồ tiêu xài, mà già rồi cũng chẳng xài bao nhiêu chỉ cần ba bữa cơm với chín bữa trầu tươi. Ngồi ở nhà nhai trầu ngó ra ngõ, ngày nào cũng nhai như nhai cái nhàm chán, buồn bã của tuổi già trong chốn thị thành náo nhiệt. Thế là rủ nhau đánh bài tứ sắc, có người nằm dài xem ti vi cả ngày rồi than đau lưng nhức cốt. Má tôi suốt ngày ở ngoài miếng đất nhỏ xíu bên hông nhà. Ở đó má tôi trồng đủ thứ, từ cọng rau lang, lùm mía lau cho đến nọc trầu, dường như bà muốn níu kéo chút miền quê nơi mảnh vườn ấy. Ba tôi thì mải mê bên cái hàng rào. Không phải ba sợ trộm vào nhà mà bên cái hàng rào độc nhất vô nhị ấy có tất cả những dây leo đồng nội được ba mang về trồng.
Chiều nay, tôi bước ra hàng rào đứng tần ngần nhìn đám dây leo đồng nội nở hoa vàng rực, chúng cứ quấn lấy nhau như sợ bị bỏ rơi giữa chốn ồn ào công nghiệp này. Gió chiều làm mái đầu bạc phơ của ba cứ ẩn hiện trong đám lá xanh...
Bình luận (0)