icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kỷ niệm rời rạc

Truyện ngắn của Khánh Thương

Số phận: Ở một vùng quê buồn bã nào đó, có những số phận lầm lũi gắn kết với đất với người đầy cam chịu. Ở đó, người ta mơ tới một chân trời mới, dù chân trời đó mịt mờ...

Rơi tìm thấy tôi ở khu gò Ông Đống, khi tôi đang mê mải thả hồn theo tiếng sáo mà quên mất con Lì. Đó là khu nghĩa địa của làng, tôi và lũ trẻ vẫn thường thả trâu ra đó chăn. Bọn trẻ con hay để mặc cho đàn trâu nhởn nhơ gặm cỏ, còn chúng bày ra lắm trò. Chỗ trốn lý tưởng vẫn là sau những cái mả cao thấp, nhấp nhô.

Thằng Rơi chạy đến chỗ tôi. Trông nó kìa, quần ống cao ống thấp, lấm lem bùn đất. Nó gọi tôi, hổn hà hổn hển:

- Anh... Đất! Dì... Lê mất... rồi!

Tôi sững người, đánh rơi cả cây sáo trúc. Tôi không tin, đúng hơn là không muốn tin. Nhưng thằng Rơi, lúc này đã lấy lại được bình tĩnh, rành rọt:

- Dì Lê mất! Em đi tìm anh về!

Tôi ra dấu cho thằng Rơi đi tìm con Lì, chắc nó ăn quanh quẩn đâu đây, lẫn vào với đám trâu nhà khác. Tôi nhặt cây sáo trúc dắt vào cạp quần, cắm đầu chạy thục mạng. Vừa chạy vừa gọi tên dì Lê. Mấy lần tôi vấp phải những rễ cây bò ngang ra đường, chân tứa máu.

Dì Lê là em ruột của mẹ. Mẹ tôi mất vì bị hậu sản, ngay sau khi sinh đứa em kế tôi. Đấy là sau này tôi nghe dì Lê và cha tôi kể lại. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, mẹ tôi nắm chặt tay dì Lê, dặn dò trong hơi thở đứt quãng:

- Em... em hãy thay... chị, nuôi dạy... các cháu nên... người!...

Khi ấy, dì Lê mới tròn hai mươi tuổi. Dì có người yêu là anh Hướng làng bên. Nhưng, khi mẹ tôi mất đi, dì dọn về ở với bố con tôi thì anh Hướng không thấy còn qua lại nữa. Em tôi, một đứa em gái, ít lâu sau cũng bỏ cha con dì cháu tôi để đi theo mẹ, sau một trận ốm không rõ nguyên nhân.

Dì Lê dọn về nhà tôi, ở trong gian buồng đằng Đông, trước kia gian buồng này dùng để quây cót thóc. Từ ngày mẹ tôi mất, cha tôi chẳng nói chẳng rằng. Ông thường hay uống rượu cho tới tận lúc say mềm. Dì Lê cũng trở nên lặng lẽ. Lặng lẽ chăm chút cho cha con tôi từng li từng tí. Có những lần tôi bắt gặp dì Lê dìu cha tôi, khi ấy ông đã say, người mềm oặt, đổ như thân cây chuối, về buồng của ông. Dì lấy vôi bôi vào gan bàn chân, sửa lại tư thế nằm của cha tôi cho ngay ngắn. Rồi dì quay trở về buồng mình, nằm cạnh tôi, ôm chặt lấy tôi. Nửa đêm, tôi giật mình tỉnh giấc thì thấy dì đang khóc. Nước mắt nhòe nhoẹt vỏ gối...

Tôi chạy về, thấy nhà rất đông. Người đứng vòng trong vòng ngoài. Toàn các cậu, các dì... người trong họ tộc cả. Cha tôi đứng bất động ngay lối cửa ra vào, thấy tôi về, ông nhìn tôi, đôi mắt đỏ sọc tưởng chừng như vô cảm.

- Vào với dì lần cuối đi, con!

Tôi chạy vào. Dì Lê nằm im trên giường. Dì đã được thay quần áo mới, người ta lại còn đánh thêm chút phấn cho dì. Dì Lê! Cả một đời cơ cực, đầu tắt mặt tối quần quật làm lụng. Vun vén cho bố con tôi. Chưa bao giờ dì sắm sanh riêng cho mình manh quần, tấm áo mới. Lần đầu tiên tôi thấy dì trang điểm là lúc này đây. Sao lại thế, dì Lê?

Thằng Rơi cũng đã về từ lúc nào. Nó đứng sau lưng tôi, nấc lên từng chặp. Không kìm được, tôi cũng òa khóc, nức nở như đứa trẻ bị đòn oan. Khắp căn nhà tiếng khóc bỗng rộ lên. Cha tôi phải quát lên:

- Có im hết đi không! Cứ như thế này thì linh hồn cô ấy siêu thoát làm sao được...

Tiếng khóc nín dần rồi im bặt, chỉ còn tiếng nấc cụt. Cha tôi nói tiếp:

- Mọi người ai vào việc nấy, khóc ít thôi để cô ấy đi được thanh thản.

Đám ma dì Lê vào buổi sáng hôm sau. Lúc thắt vành khăn lên đầu tôi, cha tôi bảo:

- Vậy là dì con sắp được gặp mẹ và em con rồi!

Chỉ thế thôi, rồi ông nắm chặt tay tôi, không nói thêm gì nữa. Đoàn người đưa ma lặng lẽ sau xe đòn đi qua đường ba chín, ra cánh đồng. Dì Lê sẽ nằm cạnh mẹ và em gái tôi, ở khu gò Ông Đống. Thằng Rơi được giao một túi vàng mã. Nó đi trước, vừa đi vừa rải dọc đường.

Thằng Rơi không phải em ruột của tôi. Cha tôi nhặt nó về vào một đêm ông xuống đồng đi soi ếch. Khi ấy, nó còn đỏ hỏn, được quấn chặt trong mớ tã rách, người ta đặt ở vệ đường. Cha tôi đem nó về trao cho dì Lê, ông bảo:

- Thằng bé cũng là người! Nó được quyền sống, được quyền có mặt trên đời...

Quay sang tôi, ông tiếp:

- Nó sẽ tên là Rơi! Từ nay, Rơi sẽ trở thành một thành viên chính thức trong nhà mình. Rơi là em của con, con phải nhớ...

Nói rồi ông lại xách đèn pin ra đồng, tiếp tục công việc còn dang dở. Mặc kệ cho dì Lê loay hoay với thằng bé, cứ khóc ngằn ngặt. Tôi chạy lăng xăng quanh nhà mà chẳng biết phải làm gì.

Như biết thân biết phận, thằng Rơi cứ thế lớn lên, chẳng ốm đau sài đẹn gì. Nó đen trùi trũi, lầm lì, ít nói. Vậy mà cha tôi, hình như, yêu nó hơn tôi! Đấy là tôi có cảm giác thế. Bởi khi cả hai cùng mắc lỗi, cha thường đánh đòn tôi nhiều hơn. Có những hôm bị cha đánh đòn, đêm đến tôi nằm khóc một mình. Tôi cảm thấy tủi thân. Tôi ghét thằng Rơi. Tôi gọi thầm tên mẹ...
Khi ấy, thằng Rơi vẫn nằm cạnh tôi. Nó dường như cũng không ngủ được, cứ loay hoay trở mình. Hình như nó biết tôi vừa khóc! Chúng tôi nằm im. Giường bên, cha tôi ho húng hắng. Xen lẫn với tiếng thở dài không lẫn vào đâu được của dì Lê ở gian buồng đằng Đông.

Mỗi buổi sáng, tôi và thằng Rơi thường lùa trâu ra đồng. Sau đó để mặc tôi với cây sáo trúc của mình, thú vui duy nhất, nó bỏ đi móc cua, bắt cá. Những hôm như vậy, hiếm khi nào thằng Rơi chịu về không.

Cho đến một hôm, thằng Rơi xách xâu cá nó vừa bắt được đến chỗ tôi rồi hai anh em cột trâu lại để về nhà ăn cơm, thì không thấy con Lì. Mải mê thổi sáo, tôi quên bẵng, con Lì phóng đi đâu mất. Hai chúng tôi bổ ngược đi tìm, vừa đi vừa bắc tay lên mồm kêu “nghé ọ!” mà vẫn bặt vô âm tín. Lúc ấy có một người đi qua bảo:

- Trâu mày ăn lúa đồng Lân rồi đang húc nhau với con Trắng nhà ông Khởi bên gò bên kia kìa!

Tôi và thằng Rơi nhìn nhau rồi cắm đầu cắm cổ chạy. Khi ấy, trên một mô đất rộng, con Lì nhà tôi và con Trắng đang đấu đầu nhau. Lũ trẻ chăn trâu xúm quanh reo hò ầm ĩ. Tôi rẽ đám trẻ, chạy vào. Đúng lúc ấy, con Lì nhà tôi đâm trúng một sừng vào con Trắng, chỗ gần ức. Tôi nghe thấy tiếng “rắc... ắc”. Con Trắng rống lên một tiếng, chỗ bị đâm máu phun thành vòi. Con Lì nhà tôi cũng rống lên, nó nghênh đầu “khoe” một bên sừng bị gẫy trước khi cong đuôi chạy mất. Tôi và thằng Rơi cắm cổ đuổi theo. Phải một phen vất vả hai chúng tôi mới lùa được nó về chuồng...

Cha đứng đợi chúng tôi ở bậc thềm. Trên tay ông là cái roi mây lâu ngày lên nước bóng loáng. Thoáng nhìn cha, tôi biết là ông đang rất giận. Dì Lê đứng nép ở sau cánh cửa trộm nhìn, lo lắng. Tôi nhìn thằng Rơi, chờ cơn thịnh nộ của cha sắp giáng xuống đầu...

- Nằm sấp xuống! - Cha tôi quát.

Thằng Rơi lẳng lặng nằm xuống, gần chỗ cha. Mỗi lần bị cha đánh đòn, nó thường hay thế nhằm mục đích đỡ đòn cho tôi.

Tôi oằn mình dưới làn roi. Thằng Rơi vẫn nằm im không nhúc nhích, mắt nó ráo hoảnh.

Mắt tôi hoa lên, nhòe đi. Đúng lúc đó, tôi thấy một ông già râu tóc bạc trắng chống mảng bơi qua sông. Dòng Kiến Giang cuồn cuộn, ngược gió. Vừa bơi, ông vừa hát:

“Giữa mênh mang trời đất

Mình ta chống ngày đi

Rượu một chén chẳng say

Vắng bạn bầu tri kỷ...”.

Ông già nhìn tôi nheo mắt cười. Chiếc mảng vẫn thong thả trôi, từ từ rồi mất hút...

Tôi cắn chặt đôi môi cho khỏi bật lên tiếng khóc nhưng nước mắt cứ trào ra giàn giụa.

- Cho bò dậy!

Cha khẽ quát, thằng Rơi huých vào tay tôi một cái khiến tôi chợt tỉnh. Lúc này mới thấy cảm giác đau rát ở mông...

Dì Lê giấu cha xoa dầu cho tôi. Thằng Rơi không nói không rằng, cũng chẳng cần bôi dầu, nó đi ra chuồng trâu. Một lúc sau, tôi chạy ra, thấy nó đang gục đầu vào con Lì. Nó khóc...

Dì Lê mất được gần năm. Một buổi chiều, thằng Rơi ở đâu chạy về. Không nói không rằng, nó đến trước mặt cha tôi, quỳ mọp xuống:

- Cha! Xin cha hãy cho con biết con có phải là con của cha không?

Cha tôi nhìn thằng Rơi, ông thở dài, không nói gì.

Cha khoát tay ra hiệu cho nó đừng nói gì thêm nữa. Ông đứng dậy, chắp tay sau đít đi vòng quanh nhà. Thật lâu, ông chậm rãi:

- Cha đã nuôi con khôn lớn! Mẹ và em gái con đã mất, dì Lê cũng mất! Đất là anh trai con, nhà này là nhà của các con... Hãy sống như con vẫn từng sống ở đây, sao cho xứng...

Thằng Rơi dập đầu, vừa lạy cha tôi vừa khóc. Nó nói trong nước mắt:

- Con xin tạ ơn cha, anh Đất! Dù thế nào cũng xin cha cho con được ở đây...

Cha tôi gật gật đầu, quay đi. Tôi thấy mắt ông đỏ hoe. Hình như cha cũng khóc...

Sau lần ấy, thằng Rơi càng trở nên lầm lì, ít nói hơn xưa. Nó làm quần quật suốt ngày, việc nhà, việc đồng áng. Cho đến một ngày tôi biết thằng Rơi đã yêu. Hình như nó thích cái May con ông Ất ngoài xóm Lũng.

Ai chứ cái May thì tôi biết. Nó sàn sàn tuổi thằng Rơi. Trước kia tôi nghĩ nó “chíp hôi” nên không thèm để ý. Mấy năm nay, tự dưng nó lớn bổng. Con nhà nông mà da nó trắng hồng, thắt đáy lưng ong, mình lẳn như thân cá trắm. Nhiều thằng con trai ao ước cưới được nó làm vợ nhưng cái May không thích. Tôi thấy nó thân thiết, quấn quýt với thằng Rơi.

Tôi bảo thằng Rơi:

- Tao có ý định “cưa” con May! Mày là bạn thân nó, mày “chân gỗ” giúp tao nhé!

Thằng Rơi nhìn tôi, rồi lặng lẽ gật đầu:

- Em chỉ tạo điều kiện cho anh gặp nó thôi! Còn mọi chuyện do anh cả đấy...

Mọi chuyện chưa đâu vào đâu cả thì xảy ra một việc. Hôm ấy, không thấy thằng Rơi về ăn cơm nên cha bảo tôi đi tìm. Tôi ra gò Ông Đống, thấy thằng Rơi đang dùng gạch non hí hoáy vẽ cái gì đó lên ngôi mộ xi măng. Tôi nhón chân, trộm nhìn, thì thấy nó vẽ hình trái tim rồi viết tên nó và tên cái May lồng vào trong ấy. Thấy tôi, nó vội vã xóa đi, ngượng nghịu. Ra là nó cũng yêu cái May...

Một buổi chiều, thằng Rơi đi vắng. Chỉ có hai cha con tôi ở nhà. Cha nhìn thẳng vào mắt tôi, hỏi:

- Mày cũng thích cái May phải không?

Tôi ấp úng trả lời:

- Dạ.

Cha tôi bảo:

- Thôi đi! Mày chẳng làm nên cái trò trống gì đâu con ạ!

Tôi nhìn cha, sửng sốt. Ngừng một lát, ông nói tiếp:

- Để đó cho thằng Rơi! Còn mày, đi tìm đứa khác...

Đêm đó, tôi không hề chợp mắt. Tôi đã là một thằng con trai trưởng thành. Tôi nghĩ, mình phải ra đi! Cứ ở mãi cái đất này, muôn đời sẽ không khá lên được...

...Xóm Đê nằm bên dòng Kiến Giang. Dòng sông như một cánh tay nằm vắt qua làng, oằn mình chảy qua cánh bãi. Như một con rắn khổng lồ ngậm bao nhiêu nước đổ vào biển cả, không cạn bao giờ.

Một buổi sáng, khoác ba lô lên vai, tôi quyết định ra đi. Sau khi đã dặn dò thằng Rơi ở nhà chăm sóc cha chu đáo, cẩn thận. Tôi đi ngược dòng Kiến Giang, gió lồng lộng. Tôi đã nghĩ kỹ càng mọi việc, tôi phải quyết tâm ra đi...
Thằng Rơi đón đầu tôi ở ngã ba, nơi con đường dẫn về ba ngả. Một con đường lên rừng, một đường dẫn về làng, nơi tôi vừa đi qua, lầm lụi. Đường đi Hà Nội là con đường đẹp nhất...

Thằng Rơi chạy từ dưới ruộng lên, quần ống cao ống thấp, lấm lem bùn đất. Nó dúi vào tay tôi nắm tiền lẻ, vừa nói vừa thở hổn hển:

- Anh... Đất! Anh đi... cố gắng giữ gìn sức khỏe... Mà, bao giờ anh sẽ về?

- Khi nào giàu lên được! - Tôi đáp.

Im lặng một lúc, thằng Rơi nói tiếp, giọng nó buồn buồn:

- Anh đi, chưa biết sướng, khổ thế nào nhưng cũng một lần được làm theo ý mình. Còn em... Nó bỏ lửng câu nói.

Xốc lại cái ba lô trên vai, tôi rảo bước ra quốc lộ để đón xe về Hà Nội. Phải thật xa tôi mới dám ngoảnh lại nhìn.

Nơi ấy là xóm Đê, là tuổi thơ, là tuổi thanh niên của tôi với biết bao nhiêu kỷ niệm. Kỷ niệm rồi đây không biết có phai mờ trong tôi?

Thằng Rơi quay về, dáng nó nhỏ nhoi, lụi cụi đến tội nghiệp. Tôi dấn bước. Dòng sông vẫn lươn lướt trôi. Và, tôi thấy hiện lên phía chân trời nhiều nắng, hình ảnh ông già râu tóc bạc trắng, vừa chống mảng bơi trên sông vừa nhẩn nha hát:

“Giữa mênh mông trời đất

Mình ta chống ngày đi...”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo