xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lụy song sa

Truyện ngắn của Liêm Trinh

Cái tin “thằng Sành chồng con Diệp sắp chết” khiến cho cả xóm bàng hoàng. Ai cũng thảng thốt kêu lên: “Trời đất ơi, cái thằng mạnh cùi cụi, tối ngày làm hùng hục như trâu bò vậy mà chết được sao?”.

“Hứ, được quá chứ sao, thì cũng tại cái tội hùng hục như trâu tối ngày đó!”. “Tụi bay nói sao chứ... để tao chạy qua hỏi thăm con vợ nó thử coi!”. Cái bà nói câu đó vừa nói xong là sốt ruột tất tả chạy đi liền. Cái “thằng tối ngày hùng hục như trâu” này làm cái giống gì mà coi bộ cũng được chòm xóm quan tâm dữ!

Trời ơi, té ra nó có là cái đinh gì ghê gớm lắm đâu! Dòm cái nhà nó thì biết. Nhỏ xíu, chật chội, nóng nực. Hình như không phải cái nhà mà là cái kho chắc? Gì mà ngộp ngụa quá chừng. Từng chồng két nước ngọt chất cao đụng trần, đầy nhóc không còn chỗ mà thở nữa. Con vợ nó đang ngồi xệp giữa nhà, mặt mũi bơ phờ còn ngấn nước mắt, chắc là mới từ bệnh viện về. Con nhỏ này thường ngày xí xọn lắm. Sáng nào cũng ngủ trưa trờ trưa trật mới chịu dậy. Dậy xong thủng thỉnh sửa soạn thay đồ, chải đầu cột tóc cho hai đứa con rồi ba mẹ con dắt nhau tung tăng vô chợ kiếm đồ ăn sáng.

Cái bà ban nãy thò đầu vô nhà hỏi nhóng: “Chồng mày nó làm sao rồi Diệp?”. Như cái vòi nước bị bể, mới đụng nhẹ đã tuôn ra ào ào xối xả không sao kìm lại được, nghe có người nhắc đến chồng, nước mắt Diệp tự nhiên tuôn ra hai hàng lai láng. Bà hàng xóm thấy vậy bước hẳn vô trong ngồi xệp xuống ngay bên cạnh, thở dài sườn sượt. Tội nghiệp con nhỏ, còn trẻ quá vậy mà sắp sửa góa bụa đến nơi, hai đứa con thì mới có chút xíu.

“Mày nín khóc đi, chuyện gì thì cũng từ từ, còn nước còn tát. Tai nạn hả? Hay trong xóm có đám uýnh lộn, nó nhào vô can rồi bị chém trúng?”. Diệp lắc đầu, bệu bạo: “Không phải tai nạn cũng không có ai uýnh lộn đâm chém trúng ảnh. Ảnh bị bệnh nặng lắm dì Tám ơi!”. “Bệnh nặng? Bệnh gì? Từ hồi nào mà sao tụi bay hổng biết?”. Diệp nức nở: “Vậy mới nói, bệnh gì từ hồi nào con đâu có biết”. “Trời đất ơi, con này nói lạ, mày là vợ nó, ăn ở gần kề bên nó mà chồng đau bệnh gì từ hồi nào giờ cũng không hay nữa? Thiệt là...”. Dì Tám lắc đầu phẩy tay: “Mà thôi, bỏ qua chuyện đó đi, kể tiếp nghe coi!”.

. Cảm nhận:

Góa chồng, hai tiếng đó với người phụ nữ trẻ nghe thật khủng khiếp. Nhưng đó là sự thật của nhân vật chính trong truyện ngắn này. Hình như với sự thật phủ phàng đó, tình yêu của họ càng sâu sắc hơn, dù chàng sẽ không còn trên cõi đời này nữa...

Diệp kể, từ hồi tết Sành đã thấy khó chịu trong người, ăn uống không vô, cứ dật dờ uể oải, tối cũng không ngủ được, mắt mở trao tráo nằm thở khò khè. Diệp biểu chồng đi khám bác sĩ, Sành ậm ừ rồi không đi. Sành nói chắc là cái bao tử nó hành, thêm cái bệnh suyễn từ hồi nhỏ tái lại, kêu Diệp ra tiệm thuốc tây đầu hẻm mua đại mấy viên thuốc về uống. Cái ông bán thuốc quen lâu nay biết rành bệnh của Sành. Thuốc của ổng hay như thần, uống vô Sành khỏe lại liền, đi bác sĩ làm chi cho tốn kém.

Nhưng lần này lạ quá, Sành uống quá trời thuốc rồi mà sao vẫn cứ lệt bà lệt bệt.

Hôm đó, Sành quá oải, có một két nước cũng không sao kéo nổi, không bằng mọi ngày bốn năm két chồng lên Sành cũng làm cái một gọn bân. Sành nhào lăn xuống sàn gạch nằm thở, lát sau ráng ngồi dậy kêu chú Tài chạy xe ôm trước cửa chở đi bác sĩ. “Nó đi khám bệnh một mình thôi hả?”. “Một mình, con đi theo lấy ai coi nhà? Nghĩ chắc cũng không có gì. Ai ngờ...”.

Đến trưa Sành về, mặt buồn hiu kêu Diệp ra nói: “Kỳ này tui phải nhập viện gấp”. Diệp lại ứa nước mắt: “Ảnh biểu con dọn cơm hai đứa ăn chung. Thường ngày có khi nào vợ chồng cùng ngồi mâm ăn cơm với nhau được đâu. Hết giao hàng rồi lấy hàng, rồi vô chai, sắp két. Bạn hàng kêu réo thúc hối um sùm, lu bu riết, đến lúc rảnh rang thì quá bữa hết thấy đói”. Dì Tám chép miệng: “Cái thằng thiệt tham công tiếc việc!

Ờ, mà nó không tham công tiếc việc sao được? Cả xóm này ai mà không biết khó khăn lắm thằng Sành mới lấy được con Diệp. Cái con xí xọn, tối ngày se sua quần áo tóc tai vậy mà làm cả đống con trai trong xóm chết lên chết xuống. Lạ thiệt cho cái đám đàn ông con trai, hám chi cái đám con gái mặt hoa da phấn õng à õng ẹo không được cái tích sự gì. Thiệt tình dì Tám cũng không biết cái thằng có miệng cũng như câm tả xung hữu đột cách nào để gạt cái đám lùm xùm kia ra, giành quyền làm chồng cái con xí xọn này. Nói cho ngay, cưới xong con nhỏ lơ hết cái đám nhí nhố, xí xọn cũng còn nhưng chỉ xí xọn với chồng nó thôi. Thằng kia lấy được vợ đẹp, ý chừng sung sướng thỏa mãn lắm, hết sức thương yêu chiều chuộng con vợ. Mà nó cưng vợ nó quá. Mấy chị hàng xóm không được chồng cưng như vậy, cứ lườm nguýt mỉa mai: “Lấy được vợ đẹp, có nai lưng làm trâu ngựa hết đời cho nó cũng khoái”.

Mà con vợ đỏng đảnh thiệt, tối ngày đi ra đi vô không biết làm gì, cứ lượn qua lượn lại mấy tiệm vàng dòm dòm nghía nghía. Dòm cái bộ nó thì thôi, không ngứa con mắt cũng uổng, ngoài cái thằng kia ra không biết chồng nào mà chịu cho thấu? Mười ngón tay nó chừa lại hai ngón cái làm vốn, tám ngón còn lại sắm đủ tám cái nhẫn vàng. Cái thì nhận hột xoàn chiếu chiếu, cái thì kiểu cọ quắn quắn to đùng.

Diệp mân mê cái chuông như chuông bò đeo ở cổ chân, thổn thức: “Người ta thấy con được chồng cưng nên ghét con, trù ẻo con đó dì Tám à!”. Ờ, cũng có lẽ. Dì Tám từng có lần nghe mấy chị ở chợ xì xầm: “Thứ đàn bà vô lo vô lự, chồng cày mờ trời mà chưng diện quá sức. Không biết thằng nọ hầu được bao lâu?”. Mấy mụ đàn bà thiệt là ác khẩu, nếu đó là lời trù ẻo thì bây giờ nó ứng nghiệm thiệt rồi.

Diệp phân trần: “Đâu phải con không biết lo cho ảnh. Con lo chớ. Thấy ảnh làm cực, con đi chợ nấu cơm, làm đồ ăn ngon cho ảnh ăn mà ảnh đâu có chịu ăn. Trưa nào cũng gặp chiến hữu kêu đi nhậu. Con đi kiếm ảnh về thì ảnh hờn. Mà cái đám chiến hữu cũng lì lợm lắm, thấy con kêu một tiếng là ảnh đứng dậy về liền, không chửi con một câu, tụi nó chọc ảnh là sợ vợ này nọ. Thành ra ngày nào ảnh cũng vô cả chục chai. Bụng toàn bia bọt chứ có hột cơm nào ở trỏng. Cả năm trời như vậy, bây giờ thì...”.

Bây giờ thì bác sĩ kêu Diệp vô phòng nói y hệt như dì Tám: “Ở nhà thấy ảnh bình thường lắm phải không? Hổng ai ngờ ảnh bị bệnh nặng đến như vậy phải không?”. Nghe bác sĩ nói Diệp tối tăm mặt mày, lảo đảo muốn xỉu. Bây giờ thì ai cũng biết rồi. Biết thì đã muộn. Vì bây giờ cái bụng của Sành đã sình lên, phình to cứng ngắc như cục đá. Sành đi đứng nặng nề khệ nệ, có mấy bước cũng phải dừng lại vịn tường thở dốc. Đứng xa mà nhìn thấy Sành mập ú tròn quay nhưng da dẻ tai tái vàng vàng kỳ cục. Lấy ngón tay dí xuống chỗ nào, chỗ đó lủng luôn chứ không thèm trồi lên trở lại.

Dì Tám vuột miệng: “Thôi rồi, xơ gan chớ gì. Chết mẹ, con ơi!”. Diệp òa khóc. Khi không nhà kế bên thình lình mở máy hát thiệt lớn: “Hò ơ... lụy song sa đưa chàng xuống huyệt... ơ hò, mai táng chàng rồi ly biệt ngàn năm...”. Dì Tám vùng chạy ra ngoài hét lên lồng lộng: “Tổ cha đứa nào hò hát bậy bạ bên đó vậy?”. Hàng xóm chắc cũng chưng hửng khi không bị chửi chạy ra léo nhéo với bà già mấy tiếng nhưng rồi giọng hát cũng im bặt, yên lặng trở lại.

Ngồi một mình, Diệp lại thút thít, nước mắt rơi từng hột, hột nào hột nấy to bằng hột đậu phộng. Diệp thấy khổ quá, chưa bao giờ Diệp khổ như vầy. Hồi Diệp ưng lấy Sành, Sành có hứa sẽ không bao giờ để Diệp phải khổ. Ở thì Sành cũng có giữ lời, hết sức lo cho Diệp được đầy đủ sung sướng, không để Diệp phải làm gì đội nắng đội mưa. Diệp chỉ có mỗi việc đẻ con cho Sành bồng, nấu cơm cho Sành ăn, vậy thôi. Tới cái nhà Sành cũng giành lau, giành quét không cho Diệp làm. Thành ra Diệp mới mang tiếng là ăn bơ làm biếng chứ người ta có biết đâu.

Góa chồng, trời ơi, hai tiếng đó nghe bắt rùng mình, có bao giờ Diệp dám nghĩ tới. Mà sao cái chuyện khủng khiếp như vậy lại xảy ra cho Diệp? Diệp ăn ở bạc ác hồi nào mà biểu là không có đức ráng chịu? Sành cũng vậy, cả đời hiền khô, còn hơn cục đất nữa, không quậy quọ gì, chỉ biết làm lụng cặm cụi nuôi vợ nuôi con. Quanh năm suốt tháng quần đùi ở trần vậy mà vợ con muốn cái gì cũng chiều, muốn mua gì thì mua. Mà Diệp muốn cái gì? Muốn cái xe máy để lâu lâu chồng vợ con cái chở nhau đi chơi vòng vòng, nghỉ mát đâu đó như người ta. Thấy mấy cặp vợ chồng trong xóm lâu lâu nghỉ lễ nghỉ tết dung dăng dung dẻ dắt nhau đi chơi mà Diệp bắt thèm. Sành cũng chiều Diệp mua cái xe thiệt đẹp xong trùm mền để đó, chưa có ngày nào rảnh rang để chở mẹ con Diệp đi chơi. Cái nghề của Sành, càng lễ tết lại càng lu bu chộn rộn. Hết nhà này kêu bia đến nhà kia kêu nước. Trong lúc người ta ăn uống khách khứa ì xèo thì mình vắt giò lên cổ lo hầu hạ người ta.

Có người nói ai biểu Sành ham tiền không chịu nghỉ ngơi, ai cấm? Thì không ai cấm nhưng cứ thử nghỉ một ngày coi. Mối lái mất hết ráo còn gì. Người ta cần mình không có thì đi kêu chỗ khác hoặc người khác thừa cơ nhảy vô phá giá hốt luôn khách hàng của mình. Chuyện làm ăn thủng thỉnh được sao? Chết đói hết cả nhà.

Diệp sụt sùi. Trời ơi, phen này không có đàn ông cáng đáng gia đình, mẹ con Diệp sắp bơ vơ chết đói thiệt rồi. Diệp bỗng thấy giận hờn thù hận hết thảy. Cái đám người thiệt dã man tàn nhẫn hùa vô giết chết chồng Diệp. Diệp hận đám chiến hữu ngày nào cũng rủ rê Sành. Diệp thù thằng cha dược sĩ ham tiền bán thuốc tầm bậy. Diệp oán cái đám bác sĩ làng chàng vô tích sự có mỗi chuyện làm cho con người ta khỏi bệnh mà cũng không xong. Diệp giận mình mủi lòng làm chi khi nghe Sành nói: “Tui làm việc cực khổ suốt ngày chứ có biếng nhác gì đâu, giải trí với bạn bè mấy chai thôi mà cũng cấm”. Diệp đâu ngờ chỉ có “mấy chai giải trí” cũng làm cho tim gan phèo phổi người ta tầy huầy ra được.

Diệp nức lên, Sành thấy chưa, ai biểu không chịu nghe lời tui, cứ biểu tui không biết thương chồng cằn nhằn cấm cản hoài. Giờ Sành có muốn về nhà cho tui cằn nhằn cấm cản cũng không được nữa rồi.

Không được nữa rồi. Nghe vậy mà nước mắt Diệp lại lã chã tuôn rơi.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo