icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Sổ tiết kiệm” của mẹ

Truyện ngắn của Lâm Tịch (Trung Quốc) - Nguyễn Hải Hoành dịch

Hôm ấy con gái tôi đi học vừa về đến nhà bỗng dưng vội hỏi tôi: “Mẹ ơi, nhà mình có bao nhiêu tiền tiết kiệm hở mẹ?”.

Chưa chờ tôi trả lời, nó đã liến thoắng: “Bọn chúng nó bảo nhà ta ít nhất cũng có 50 vạn đồng”.

Tôi ngạc nhiên nhìn con bé: “Con bảo “chúng nó” là ai thế?”.

“Bọn bạn học lớp con chứ còn ai nữa. Chúng nó bảo mỗi cuốn sách mẹ được trả nhuận bút mười mấy vạn đồng. Mẹ viết được nhiều sách như thế cho nên nhà ta phải có 50 vạn đồng chứ ạ”.

Tôi lắc đầu bảo: “Không có đâu”.

Con bé không giấu nổi nỗi thất vọng, hai mắt nó nhìn tôi chằm chằm, như có chút không tin hỏi lại: “Tại sao thế ạ?”.

“Bởi vì...” tôi đưa tay chỉ căn nhà, bàn ghế giường tủ, đồ điện, cả cái từ điển điện tử tay nó đang cầm, trả lời: “Tất cả những thứ ấy không phải là tiền hay sao? Tiền là loại vật lưu thông, có người nào lại như chúng bay chỉ tính thu nhập mà không tính chi tiêu!”.

Con bé chớp chớp mắt, chưa chịu thôi mà vẫn khăng khăng hỏi tiếp: “Nếu tính tổng cộng giá trị tất cả nhà ở, đồ đạc và tiền tiết kiệm, có đủ 50 vạn đồng không ạ?”.

Tôi gật gật đầu. Con bé lập tức toét miệng cười, vỗ tay thích thú: “Nói như thế thì con là người giàu thứ 3 trong lớp đấy, mẹ ạ!”.

Bấy giờ tôi mới hiểu tại sao con bé lại hỏi tôi chuyện ấy, chắc hẳn là các bạn trong lớp tiến hành so bì gia cảnh với nhau, lập bảng xếp hạng tài sản gì gì đó.

Tôi lập tức uốn nắn con gái: “Không đúng, đây là tiền của mẹ chứ có phải của con đâu”.

“Nhưng con là con gái của mẹ kia mà! Sau này, sau này” – Con bé liếc nhìn tôi rồi im lặng không nói nốt.

Tôi tiếp lời, nói thay cho nó: “Đợi bao giờ mẹ không còn nữa thì số tiền ấy sẽ là của con, đúng không?”.

Con tôi đỏ ửng mặt, xoay lưng đi, nói lấp liếm: “Con không có ý nói thế đâu mẹ ạ. Chẳng qua là bọn bạn con cả ngày rỗi rãi nên mới đoán mò thế thôi, thật là chán chết đi được! Thôi, chẳng nói chuyện ấy nữa, con phải đi làm bài đây”.

Nói đoạn nó vội vàng bỏ vào phòng mình. Nhìn theo bóng con gái, tôi có chút tư lự.

Đúng thế, con gái tôi là người thừa kế hợp pháp của tôi, đến một ngày nào đó, tất cả mọi tài sản tôi hiện có đều sẽ thuộc về nó – đây là một sự thật không cần bàn cãi. Chỉ có điều người Trung Quốc hiện nay còn chưa quen và cũng không tiện công khai bàn với người thừa kế của mình về vấn đề tài sản, một vấn đề cực kỳ nhạy cảm. Còn trong nhiều gia đình ở phương Tây, người ta giải quyết vấn đề ấy một cách văn minh hơn chúng ta rất nhiều, có khi công khai bàn bạc ngay trong bữa ăn. Tôi cho rằng đó chủ yếu là vì trước kia Trung Quốc thực hành nền kinh tế kế hoạch, tất cả mọi tài sản đều là của Nhà nước. Cha mẹ tôi làm việc cả đời mà vẫn là người vô sản, cho đến tận trước ngày nghỉ hưu mới vì chuyện sửa nhà mà mua căn hộ riêng để ở, cuối cùng có tài sản mang tên mình. Thế nhưng so với chúng tôi, lớp con cháu sống trong môi trường kinh tế thị trường thì số “tài sản” hữu hạn của ông bà thật là quá ít tới mức đáng thương hại. Cũng vì thế mà tôi chưa bao giờ hy vọng cha mẹ có thể để lại cho mình thứ gì cả; ngược lại, tôi rất muốn biếu ông bà ít tiền. Tôi biết cha mẹ mình hầu như không có tiền gửi tiết kiệm, thế nhưng ông bà rất khí khái, bao giờ cũng từ chối sự giúp đỡ của con cái. Chẳng còn cách nào, tôi đành đứng tên mình gửi tiền vào ngân hàng với ý nghĩ là sau này ông bà nhất định sẽ có lúc dùng tới.

Tết năm ấy tôi về nhà cha mẹ. Các anh chị em tôi đều về đây ăn bữa cơm đoàn tụ toàn gia đình. Dĩ nhiên người vui nhất là mẹ tôi. Ngờ đâu vì mừng quá lại thêm mấy ngày liền vất vả chuẩn bị cơm nước, ngủ kém nên nửa đêm khi tỉnh dậy xuống giường, mẹ tôi bỗng dưng bị ngã bất tỉnh nhân sự! May sao nhờ phát hiện kịp thời đưa ngay đi bệnh viện nên cuối cùng mẹ cũng qua khỏi, nhưng tinh thần không còn minh mẫn như trước nữa. Thỉnh thoảng bà lại ngơ ngơ ngẩn ngẩn, quên chuyện này, lẫn chuyện nọ. Bởi vậy khi kỳ nghỉ Tết đã qua, tôi vẫn chưa yên tâm ra đi. Tuy mẹ tôi không muốn để tôi đi, nhưng vì là người tính tình kiên quyết, bà không đồng ý tôi chỉ vì bà mà trở về cơ quan chậm ngày. Mẹ lấy hết nghị lực, cố sức làm ra vẻ khỏe mạnh bảo bây giờ mẹ hoàn toàn khỏi ốm rồi và giục tôi sớm về cơ quan. Không làm mẹ thay đổi được ý kiến, tôi đành mua vé tàu về.

Trước khi đi, mẹ gọi tôi đến bên giường. Tôi nhìn ngay thấy bên cạnh chiếc gối có một cái hộp đựng đồ trang sức to bằng cỡ nửa viên gạch, ngoài bọc vuông nhiễu đỏ. Thấy thế tôi rất đỗi ngạc nhiên. Hồi còn bé, một hôm nhân bố mẹ đi vắng, tôi lục lọi đồ đạc trong nhà có tìm thấy chiếc hộp này, đang định mở ra xem thì mẹ đi làm về nhìn thấy, mắng cho tôi một trận nên thân. Từ đó tôi chẳng hề trông thấy cái hộp ấy nữa, chẳng hiểu mẹ giấu nó đi đâu. Tôi đoán nhất định trong hộp phải có thứ gì mẹ yêu quý nhất. Nó là cái gì nhỉ? Nhất định không phải là tiền bạc hoặc sổ tiết kiệm rồi. Mẹ tôi bao giờ cũng để tiền trong cái túi tiền lương nhét trong ngăn kéo tủ cơ mà; cứ đến ngày cuối tháng là cái túi lại rỗng tuếch, rất hiếm khi còn tiền thừa. Chắc hẳn thứ trong hộp là đồ trang sức, vì ngày xưa ông tôi có kinh doanh muối ở Thiên Tân, hồi ấy gia cảnh khá giàu có, tuy về sau bị sa sút nhưng để lại vài cái nhẫn vàng hoặc vòng ngọc thì cũng chẳng lấy gì làm lạ.

Tôi đang đoán chưa ra thì mẹ đã cởi tấm nhiễu đỏ bọc ngoài, lộ ra chiếc hộp đồ trang sức dán lụa đỏ. Mẹ ấn cái nút trên hộp, “tách” một tiếng, chiếc hộp mở ra! Mẹ lấy ra một túi lụa nhỏ, ngắm nghía nó khá lâu như ngắm một vật báu, rồi ngẩng đầu nhìn tôi chậm rãi nói: “Trong này có một ít tóc máu của con lúc mới lọt lòng mẹ, một chiếc răng sữa rụng hồi con lên 5 tuổi, và một bức ảnh chụp khi con được 100 ngày, mặt sau ảnh có ghi ngày giờ sinh tháng đẻ, mẹ luôn giữ cho con từ bấy đến nay. Bây giờ mẹ già rồi, con cầm lấy tự bảo quản nhé”.

Tôi đón chiếc túi, thận trọng mở ra xem. Thế là tôi nhìn thấy mấy sợi tóc máu của mình khi tôi ra đời 35 năm trước, chiếc răng sữa rụng cách đây 30 năm và tấm ảnh chụp khi tôi đến với thế giới này được 100 ngày. Bức ảnh đã hơi ố vàng, dòng chữ viết đằng sau cũng đã mờ nhạt song vẫn có thể đọc được. Trong chớp mắt, hai hàng lệ ứa ra làm tôi không nhìn rõ mọi thứ. Tôi hiểu ra: Đây chính là “cuốn sổ tiết kiệm” của mẹ mình, chứa đựng toàn bộ tài sản của mẹ, tuy không có thứ gì đáng tiền, song mỗi thứ trong đó đều vô cùng quý báu đối với tôi.

Mang theo “cuốn sổ tiết kiệm” ấy của mẹ, tôi lên tàu trở về nhà; dọc đường lòng xốn xang muôn vàn nỗi xúc động. Tôi biết rằng tôi giàu có hơn mẹ mình, cả đời này mẹ tôi mãi mãi cũng không dành dụm nổi số tiền 50 vạn đồng! Đó là một con số rất lớn đối với mẹ, chưa từng bao giờ mẹ nghĩ đến con số ấy. So với tôi thì con gái tôi lại giàu hơn, những thứ nó được hưởng khi vừa chào đời là kết quả bao nhiêu năm tôi vật lộn kiếm sống mới có được. Thế nhưng con gái tôi sẽ mãi mãi chẳng được như tôi – được sở hữu vài sợi tóc máu và chiếc răng sữa của mình. Mấy kỷ vật ghi lại sự sống của nó ấy đã bị thất lạc trong những năm tháng trôi qua suốt cuộc đời bôn ba của tôi, sẽ không bao giờ còn tìm lại được nữa!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo