Xung quanh nội dung này phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.
Phóng viên: Đích hướng tới trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành BHXH Việt Nam không chỉ là tăng độ bao phủ các chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, mà còn đảm bảo thực hiện chính sách an sinh xã hội này một cách toàn diện, bền vững hơn. Vậy công tác tuyên truyền đóng vai trò như thế nào trong thực hiện mục tiêu này?
Ông Đào Việt Ánh: Truyền thông triển khai hiệu quả sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển bền vững người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Bởi thực hiện tuyên truyền tốt sẽ tạo dựng được niềm tin của nhân dân đối với chủ trương, chính sách BHXH, BHYT của Đảng, Nhà nước ta, nhờ đó người tham gia BHXH, BHYT được mở rộng và không ngừng tăng lên.
Trong thời gian qua, toàn ngành BHXH Việt Nam đã không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông chính sách, cùng sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cấp chính quyền và cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến địa phương. Các kênh truyền thông được thực hiện đa dạng, phong phú, linh hoạt và ngày càng phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng miền và đặc thù của từng địa phương. Truyền thông hiện đại, truyền thông qua mạng xã hội, truyền thông ứng dụng số ngày càng được ngành BHXH đẩy mạnh, hiệu quả lan tỏa cao...
Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam
Vừa qua BHXH các tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các cấp tổ chức hàng chục nghìn nghị, tư vấn, đối thoại, tọa đàm, tập huấn chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, với hàng triệu lượt người tham dự. Bên cạnh đó, duy trì và tăng cường mô hình truyền thông nhóm nhỏ, phối hợp với các cơ quan báo đài địa phương thực hiện đăng tải, phát sóng hàng chục nghìn tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục...; tăng cường truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở…
Thông qua công tác phối hợp với các bộ, ngành trong hoạt động trruyền thông, ngành BHXH Việt Nam cũng kịp thời chia sẻ thông tin về thực trạng thực hiện chính sách, những vấn đề được người dân, DN quan tâm. Từ đó tháo gỡ những khó khăn cho người dân, người lao động, đồng thời giúp họ hiểu hơn về hoạt động của ngành BHXH trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách, giúp giải tỏa bức xúc trong xã hội; kịp thời nắm bắt được nhiều điểm bất hợp lý trong các văn bản pháp luật về BHXH, BHYT do người lao động, người dân phản ánh, giúp cho các cơ quan quản lý, cơ quan ban hành chính sách tìm ra những giải pháp hữu hiệu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực thi chính sách.
Trong bối cảnh số người nhận BHXH một lần xu hướng tăng, nhằm đảm bảo quyền lợi lâu dài cho NLĐ, BHXH Việt Nam đã tập trung tuyên truyền, đối thoại với NLĐ giải thích chế độ chính sách và thực hiện nhiều giải pháp vận động, chia sẻ với NLĐ.
Truyền thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT
Vậy bí quyết công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của ngành BHXH Việt Nam đạt được hiệu quả cao trong thời gian qua?
Ngành BHXH Việt Nam được Chính phủ giao triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT- hai chính sách nhân văn, ưu việt của Đảng và Nhà nước ta, giữ vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Các chính sách này được thực hiện không vì lợi nhuận, nhằm ổn định lâu dài đời sống người dân, người lao động...
Để đạt hiệu quả cao nhất, yếu tố đầu tiên trong công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT là phải tạo được sự đồng thuận trong toàn xã hội. Thời gian qua công tác truyền thông đã được BHXH Việt Nam triển khai một cách đồng bộ, thống nhất và kịp thời từ Trung ương đến địa phương. BHXH Việt Nam đã phối hợp truyền thông với một số đơn vị bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội triển khai đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả, sáng tạo nhiều hình thức truyền thông phù hợp, gắn với đặc thù từng địa phương, phát huy thế mạnh của từng đơn vị. Công tác phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí được tiến hành chủ động, chặt chẽ, hiệu quả với độ bao phủ rộng, tần suất tăng, hướng tới cơ sở và đến với mọi nhóm đối tượng...
Thứ hai là tuyên truyền bám sát các hoạt động của Ngành, đảm bảo đúng định hướng, trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với tình hình thực tế. Thời gian qua, toàn ngành BHXH Việt Nam đã từng bước đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông; hướng đến nhóm chủ thể tiềm năng, trong đó chú trọng đối tượng lao động là nông dân, khu vực phi chính thức nhằm phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Đặc biệt, sự linh hoạt, đa dạng trong các hình thức truyền thông là giải pháp quan trọng để đưa chính sách đến với từng người dân. Rất nhiều kênh truyền thông đa dạng, hiệu quả đã được thiết lập như: hội nghị truyền thông, tư vấn, đối thoại, tập huấn, hội thảo, hội thi, truyền thông nhóm nhỏ đến từng hộ gia đình, truyền thông trên mạng xã hội…
Tại các địa phương, nhiều mô hình hay, giải pháp hiệu quả, sáng tạo đã được BHXH các tỉnh triển khai thực hiện. Một trong những hoạt động truyền thông sáng tạo và bám sát với thực tiễn là BHXH nhiều địa phương đã biên tập, sản xuất các sản phẩm truyền thông phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Truyền thông tiếp tục góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội hiệu quả
BHXH Việt Nam sẽ có định hướng như thế nào để công tác truyền thông tiếp tục góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội hiệu quả cao nhất, thưa ông?
Công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT thời gian qua đã được triển khai một cách đồng bộ, thống nhất và kịp thời từ Trung ương đến địa phương, bám sát các hoạt động của Ngành, đảm bảo đúng định hướng, trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, không ít rào cản trong công tác truyền thông, vận động chính sách cũng đang bộc lộ. Tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn nên còn nhiều người dân chưa mặn mà với chính sách BHXH tự nguyện.
Để chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp mở rộng độ bao phủ và bền vững hơn nữa, bảo vệ tốt nhất cuộc sống người dân, công tác truyền thông sẽ tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành BHXH Việt Nam thời gian tới. Tiếp tục phát huy các phương thức truyền thông hiệu quả trong thời gian qua, và một trong những trọng tâm của công tác tuyên truyền là phát huy các phương thức truyền thông hiện đại, ứng dụng công nghệ số... Thời gian tới, BHXH Việt Nam cũng phối hợp thông tin, truyền thông năm 2024 với các Bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức các hội nghị, hội thảo truyền thông chính sách BHXH, BHYT...
Bình luận (0)