icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

2048: Thế giới sẽ không còn hải sản

QUANG HÙNG tổng hợp

Nhiều sinh vật tại các đại dương trên thế giới đang suy giảm nghiêm trọng. Một nghiên cứu khoa học công bố ngày 3-11-2006 cho biết phần lớn các loài có thể sẽ biến mất vào năm 2048 và nước biển ngày càng bị ô nhiễm nặng đến mức không còn loài thủy tộc nào sống nổi

Báo cáo trên in trên tạp chí Khoa học phân tích những dữ liệu cách nay đến 1.000 năm, đã lên tiếng cảnh báo rằng nhiều loài đang biến mất với tốc độ nhanh đến nỗi hải sản tự nhiên có thể sẽ không còn trong vòng 40 năm tới.

Trong những năm gần đây, các nhà khoa học biển đã từng cảnh báo chung chung về khai thác quá mức tại nhiều vùng biển. Lần này, báo cáo đưa ra những tiên đoán ảm đạm nhất về tương lai của các loài hải sản cũng như của đại dương một cách thuyết phục nhất.

NHỮNG ĐẠI DƯƠNG KHÔNG CÓ CÁ

Tiến sĩ Boris Worm, giáo sư Đại học Dalhousie tại Halifax, trưởng nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không sớm thay đổi những gì chúng ta đang thực hiện, chúng ta sẽ không còn thấy nhiều loại hải sản ngay trước khi chúng ta qua đời... Con cái chúng ta sẽ chỉ thấy những đại dương không có hải sản”.

Nhóm các nhà khoa học và kinh tế quốc tế phát hiện có tới 40% loài từng được đánh bắt trong suốt dòng lịch sử đã không còn nữa vào năm 2003 so với 13% hồi năm 1980. Cũng vậy, số các loài hải sản giúp giữ cho nước biển trong sạch bị sụt giảm nghiêm trọng, trong khi ngày càng có ít những nơi để cá sinh nở hầu phát triển đông đúc trở lại.

Sự kiện các loài hải sản biến mất có nguyên nhân chủ yếu từ ô nhiễm nước biển và khai thác đánh bắt bừa bãi. Khẩu vị của con người cũng góp phần làm giảm thế giới hải sản.

Tiến sĩ Worm nêu thí dụ cụ thể tại vùng bờ biển miền Đông nước Mỹ với sự sụt giảm đáng kể của các bầy cá sống ở tầng đáy nước và việc gần như biến mất các loài cá từng một thời được coi là vô số như cá kiếm và cá ngừ.

Đồng tác giả của bản báo cáo, giáo sư Stephen Palumbi của Đại học Stanford nói các loài như cua mai mềm trở nên ngày càng khan hiếm tại nhiều nơi ở nước Mỹ mà xưa kia hết sức phong phú.

Theo ông Worm, mỗi dạng đời sống biển đều đóng một vai trò quan trọng trong tổng thể và khi chúng biến mất có nghĩa đại dương khó có thể chống chọi nổi với những căn bệnh, sản xuất ra thực phẩm, lọc chất ô nhiễm và phục hồi từ những ảnh hưởng gây ra do khí hậu thay đổi và đánh bắt quá mức: “Mất mát nhiều chủng loại dẫn đến không còn đa dạng và sẽ phá hoại sự ổn định của môi trường biển”.

Chất lượng nước biển đang trở nên xấu hơn, các loài tảo độc hại phát triển. Khí hậu thay đổi cũng làm hỏng hệ thống sinh thái biển.

Các tác giả báo cáo đã kết nối sự biến mất của các loài với với việc gia tăng đáng kể ngập lụt vùng bờ biển, sụt giảm các loại ốc và sò, cá chết hàng loạt và sự hiện diện của các loài xâm lấn trong những năm gần đây. Nhiều cửa sông, rạn san hô, khu vực đầm lầy nước mặn.

Loài người đang sống dựa vào đa dạng sinh học biển theo nhiều cách: Biển là một máy lọc khổng lồ. Nó chứa các chất thải và tái chế thành thực phẩm cho nhiều loại sinh vật biển, lọc các chất độc ra khỏi nước, biến carbon dioxide thành thực phẩm và khí oxygene. Nhưng để thực hiện được điều này, đại dương cần đến sự đa dạng sinh vật với hàng triệu triệu động vật và thực vật.

Do đó ảnh hưởng của sự biến mất các loài sinh vật, biển không chỉ làm thiếu hụt thực phẩm. Sức khỏe con người có thể gặp nguy hiểm nếu hệ thống sinh thái ven biển bị đe dọa với sự phát triển của các rong tảo độc hại.

VẪN CÒN HY VỌNG

Tuy nhiên vẫn còn đó hy vọng, theo kết luận của nhóm nghiên cứu. Nếu có nhiều vùng được bảo vệ hơn, số lượng các loài hải sản dùng làm thực phẩm sẽ tăng trở lại và các đại dương có thể phục hồi.

Tiến sĩ Worm nói: “Có thể thực hiện được những thay đổi, nhưng cần phải thực hiện ngay. Chúng ta vẫn có tiềm năng phục hồi nếu chúng ta từ bỏ kiểu đánh bắt hủy diệt. Tự hải sản có thể phục hồi. Đại dương không phải ở chỗ nào cũng giống nhau và chúng ta cần biết phải khai thác những gì và khai thác như thế nào”.

Nicolas Beamont, nhà kinh tế môi trường thuộc Phòng Thí nghiệm Plymouth, Anh, một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho rằng: “Cần quản lý việc đánh bắt cá một cách hiệu quả. Cần những giải pháp khác nhau cho các hệ thống sinh thái biển khác nhau”. Theo ông, những giải pháp đó có thể là hạn chế hoạt động đánh bắt một số thời điểm trong năm (tùy theo từng loại cá, từng vùng biển), thay đổi dụng cụ đánh bắt cá, chỉ đánh bắt một số loài đặc biệt tại một số khu vực, khoanh những vùng có thể bị nguy cơ hủy diệt và bảo vệ những vùng bảo tồn biển.

Những loại cá nào giảm nhiều nhất?

img
Hải sản bị khai thác quá mức đang làm cạn kiệt tài nguyên biển

Đã có 29% các loài cá đánh bắt - bao gồm cá ngừ vây xanh, cá thu Đại Tây Dương, cua “vua” Alaska, cá hồi Thái Bình Dương (có thịt màu hồng da cam) và nhiều loại cá California – đã sụt giảm nghiêm trọng và tốc độ giảm đang gia tăng. Một loài bị coi là sụt giảm nghiêm trọng nếu việc đánh bắt loài ấy giảm 10%.

Viện Ngư nghiệp Quốc gia Mỹ cho biết, theo các thống kê của Chính phủ Mỹ, trong một phần tư thế kỷ qua, cá đánh bắt trên toàn thế giới cung cấp từ 85 đến 100 triệu tấn mỗi năm và cá nuôi bù đắp vào chỗ thiếu hụt ngày càng tăng.

Tuy nhiên, vấn đề nuôi cá thay cho cá biển tự nhiên hết sức phức tạp. Trước hết cần cho cá nuôi ăn. Cá ăn gì? Ăn thực phẩm làm từ những cá khác. Vậy là cách này hay cách khác vẫn phải đánh bắt cá và tất nhiên, cá đánh bắt là cá tự nhiên trên biển.

Rồi cá thải ra chất thải. Chất thải này sẽ gây ra nhiều loại ký sinh có thể lan tràn trong nước và gây nguy hại cho không chỉ cá nuôi mà cả cá tự nhiên.

Họ đã nghiên cứu như thế nào?

Nhóm khoa học gia nói trên đã bỏ ra bốn năm để lấy các dữ liệu về mật độ các loại cá và hệ thống sinh thái đại dương, bao gồm 32 thí nghiệm có kiểm soát, nghiên cứu từ 48 vùng biển được bảo vệ và dữ liệu đánh bắt toàn cầu của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc tất cả các loài cá và động vật không xương sống trên toàn thế giới kể từ 1950 đến năm 2003.

Họ cũng xem xét 12 vùng ven biển suốt 1.000 năm qua, lấy dữ liệu từ thư viện, hồ sơ ngư nghiệp, những vật hóa thạch và dữ liệu khảo cổ học.

Các nhà nghiên cứu phát hiện những loài khác nhau thay đổi khá nhiều tại 64 hệ thống sinh thái biển rộng được chọn để nghiên cứu - từ 20 loại tại một số vùng cho tới hơn 4.000 loại tại những vùng khác. Các loài cá khác nhau cả ở biển Ả Rập và biển Bengal, gồm từ 500 đến 1.000 loài.

Các tác giả báo cáo khoa học trên gồm 14 nhà sinh học biển và kinh tế, trong đó có 8 người của các học viện ở California: Học viện Scripps về hải dương học, Đại học Biển Hopkins thuộc Stanford, Trung tâm Quốc gia Santa Barbara nghiên cứu về phân tích và tổng hợp sinh thái và Phân viện Tiến hóa và Sinh thái Đại học Davis. Việc nghiên cứu do Quỹ Khoa học Quốc gia, Đại học California và Đại học Santa Barbara UC đồng tài trợ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo