Chúng ta hãy xem thử một kỳ thi Hương thời nhà Nguyễn.
Thí sinh “lôm côm” bị tù tội ngay!
Không phải học trò nào cũng có quyền thi Hương. Muốn thi Hương phải đỗ kỳ thi Hạch. Thi Hạch được tổ chức mỗi năm một lần, những người đỗ gọi là khóa sinh, đỗ hạng nhất gọi là đầu xứ.
Mấy tháng trước kỳ thi Hương, thí sinh phải nộp quyển thi cho quan đốc học tỉnh nhà, như là một thủ tục để ghi danh đi thi. Từ năm 1829, học trò ứng thi phải ghi đủ tên họ và lý lịch 3 đời trên mặt quyển thi, lời khai phải được lý trưởng xác nhận. Những người có ông cha làm xướng ca, trộm cắp, làm giặc đều không được dự thi. Cho nên nhiều người muốn đi thi phải khai man. Nếu phạm những tội này thì cho dù có đỗ đến tiến sĩ cũng bị truất. Thời nhà Lê, có khi lý trưởng phải ra tận trường thi để nhận diện thí sinh, tránh những vụ nhờ người thi hộ. Khoa cuối triều Nguyễn, thí sinh phải dán ảnh.
Lệ năm 1831 định rằng: Quyển thi không được có vết tích gì, e làm dấu hiệu thông đồng với hội đồng thi. Họ tên và quê quán thí sinh được xét tường tận, chính xác rồi quan tổng đốc và quan đốc học mới đóng triện, ký tên vào danh sách những người dự thi gởi về kinh.
Từ nửa đêm trước ngày thi, các quan mặc áo đại triều, ngồi trên ghế trước cổng vào trường thi để chứng kiến lễ điểm danh và coi lính thể sát (khám xét) không cho thí sinh mang sách và bài vở làm sẵn vào trường.
Ngay kỳ thi Hương 1807, những vi phạm như mang sách vào trường thi, sang lều người khác hỏi chữ, thi hộ... đều bị xem như là tội đồ. Tùy theo mức độ nặng nhẹ, có các hình thức phạt như đóng gông đuổi khỏi trường thi, đánh 100 trượng, xóa tên trong sổ không cho đi thi vĩnh viễn, giam cầm... Những người vi phạm tội nặng như phạm húy, bất túc... đều phải bị nêu tên trên bảng con (một tấm bảng ghi tên những người can tội nặng). Những can tội thường được nhắc đến là phạm húy (phạm những chữ cấm ngặt không được dùng); khiếm trung (bên chữ “vua” không được viết thêm những chữ “hôn”, “sát”...); cấm tì ố (quyển thi phải giữ sạch sẽ); bất túc, bất cập (viết không đủ quyển, không thành bài, viết chỉ vài dòng); ngoại hàm (quyển thi bị nộp trễ)...
Hội đồng thi phải uống máu ăn thề
Khảo quan (hội đồng thi) có hai loại là khảo sát và giám sát. Quan khảo sát gồm các chức danh: nội trường gồm có sơ khảo, phúc khảo, giám khảo; ngoại trường gồm có chủ khảo, phó chủ khảo và phân khảo. Ban giám sát có nhiệm vụ giám thị cả quan trường lẫn sĩ tử, nếu thấy điều gì sai trái phải báo lên quan chủ khảo, nếu không chính mình sẽ bị phạt. Ngoài ra, còn có mật sát bí mật theo dõi và bên ngoài có biền binh và voi ngựa tuần hành bảo vệ trường quy. Bên cạnh ấy, quan đề tuyển nội và ngoại trường phụ trách từ việc rọc phách, ráp phách, kê khai danh sách những người thi, người đỗ, yết bảng...
Độ vài tuần trước kỳ thi, triều đình dựa theo bản danh sách sĩ tử mà định số khảo quan. Từ phân khảo trở lên chọn các quan kinh (làm việc tại triều) toàn những người đỗ đạt. Riêng hai quan đề tuyển lại chọn người ít chữ để không thể sửa bài hộ, vì chỉ có hai ông này biết tên người viết bài thi khi ráp phách.
Ban giám khảo được triều đình cử ra rồi đệ lên cho vua chuẩn. Sau đó các ông chánh, phó chủ khảo làm lễ bái mạng rồi ra bộ Lễ lĩnh cờ khâm sai (chủ khảo) và biển phụng chỉ (phó chủ khảo). Liền đấy, hai quan giám sát theo chân hai ông chánh, phó chủ khảo về nhà, có thị vệ canh cổng, không cho tiếp xúc với ai nữa để phòng ngừa những chuyện hối lộ.
Ngay từ năm 1448, Lê Khắc Phục làm đề điệu ở Quốc Tử Giám muốn ngăn ngừa những chuyện hối lộ, đã xin triều đình bắt các khảo quan phải uống máu ăn thề. Lệ hội đồng thi phải thề bắt đầu từ đấy.
Các quan sơ khảo, phúc khảo kén người địa phương, nhưng người ở tỉnh này phải đổi đi chấm thi ở tỉnh khác. Nếu có con em đi thi cùng tỉnh thì phải làm giấy hồi tị, tức là xin cáo không đi chấm trường, nếu không sẽ bị nghiêm trừng.
Các lại phòng (thư ký), thể sát (khám xét) do quan địa phương cử, cũng chọn những người không đỗ đạt nhưng thanh liêm.
“Giam lỏng” quan trường
Nhìn chung, trường thi được chia ra làm 2 phần cho thí sinh và quan trường. Phần ngoài lại chia ra làm 4 hay 8 vi (nơi dành cho sĩ tử cắm lều). Chính giữa chỗ gặp nhau của hai con đường hình chữ thập, chia phần ngoài ra làm 4, có xây một ngôi nhà gọi là nhà thập đạo. Đây là chỗ quan trường họp để ra đầu bài và là chỗ thí sinh đến để liên hệ khi cần thiết.
Phần trong cũng chia làm hai khu, trong cùng là nơi làm việc của quan sơ khảo, phúc khảo và giám khảo. Tiếp giáp với khu thí sinh ở là nơi làm việc của các quan chủ khảo, phó chủ khảo và phân khảo. Các lại phòng, thể sát cũng bị “giam lỏng” như các quan trường 5 ngày.
Quyển thi được giao cho đề tuyển rọc phách rồi đưa vào nội trường. Giám khảo phải khám xét dấu niêm phong trước khi mở hòm phân phát cho các quan sơ khảo chấm trước tiên bằng son ta (màu gạch), xong đến các quan phúc khảo chấm lại bằng mực xanh, cuối cùng đến giám khảo duyệt lại lần nữa bằng màu hồng đơn. Những người chấm thi phải đề rõ tên họ, chức tước, điểm rồi ký tên lên mặt quyển.
![]() |
Lễ xướng danh khoa thi Hương năm Đinh Dậu (1897) tại trường Hà Nam |
Nội trường chấm xong, chuyển ra đề tuyển đưa ra ngoại trường cho các quan chủ khảo, phó chủ khảo chấm lại những bài đỗ. Quan phân khảo đọc lại những bài bị đánh hỏng xem ai đáng vớt thì trình lên chủ khảo, ngoại trường chấm bằng mực son tàu màu đỏ tươi. Chữ đẹp có thể được tăng điểm, chữ xấu quá có thể bị trừ điểm hoặc đánh hỏng. Khi chấm xong, xếp đặt theo thứ tự điểm từ cao đến thấp rồi gởi ra cho đề tuyển ráp phách, lập danh sách những người trúng cử, niêm yết.
Sau mỗi kỳ thi, chủ khảo và cả giám sát mỗi người phải làm một bản phúc trình gởi về kinh, nếu không sẽ bị phạt. Tất cả các bài thi đỗ hay hỏng, kể cả ngoại hàm cũng đều phải được gởi về kinh duyệt lại.
* * *
Khoa cử ngày xưa chọn những người quân tử có tài, có đức ra làm quan giúp vua trị nước. Người quân tử theo đạo Nho trị dân bằng đức hơn là quyền uy hay luật pháp, vì Nho giáo dạy sĩ tử phải “tu thân” trước rồi mới nghĩ đến chuyện “tề gia, trị quốc” chứ không phải dạy học trò tìm mọi thủ đoạn để thi đỗ, chóng ra làm quan để “vinh thân phì gia”. Người học đạo không đến nơi đến chốn, thiếu đức độ, đi thi thì gian lận, ra làm quan thì đục khoét của dân, hẳn không phải lỗi ở đạo mà cũng không phải tại phép thi thiếu nghiêm cẩn.
Bình luận (0)