Sự kiện ông Chung Mong-hun, 54 tuổi, Chủ tịch HAC, nhảy từ phòng làm việc của mình ở tầng lầu 12 xuống đất đã gây chấn động cả Hàn Quốc (HQ). Ông để lại nhiều lá thư tuyệt mệnh nhưng không giải thích vì sao ông chọn cái chết thê thảm. Ông chỉ xin lỗi và yêu cầu mọi người tha thứ cho hành động của ông. ông cũng yêu cầu Công ty HAC tiếp tục các dự án ở Bắc Triều Tiên vì đó là tâm huyết của cha ông là Chung Ju-jung, nhà sáng lập Tập đoàn Hyundai lớn nhất HQ.
Ông MH
Có dư luận cho rằng ông MH – nhân viên của HAC đều thích gọi ông chủ của mình bằng cái tên ngắn gọn như vậy – tìm đến cái chết vì không chịu nổi sự nhục nhã. Ông đang đối mặt với một bản án ba năm tù giam trong vai trò một trong số nhiều bị cáo liên can đến vụ xì-căng-đan trong Chính phủ HQ dưới trào cựu tổng thống (TT) Kim Dae-jung , thông qua Công ty HAC, bí mật chuyển 100 triệu USD cho Bình Nhưỡng để tổ chức cuộc họp cấp cao lịch sử năm 2000 giữa Seoul và Bình Nhưỡng. Bước ngoặt trong quan hệ ngoại giao liên Triều này đã giúp TT Kim Dae-jung đoạt giải Nobel hòa bình.
![]() |
Hiện trường vụ tự tử |
Một cuộc điều tra của chính phủ tập trung vào việc HAC chuyển 500 triệu USD cho Bình Nhưỡng trước khi diễn ra cuộc họp cấp cao 2000. HAC giải thích rằng số tiền này dùng để trả tiền độc quyền khai thác du lịch và nhiều dự án kinh tế khác ở Bắc Triều Tiên vốn là nơi chôn nhau cắt rốn của ông Chung Ju-jung. Nhưng một cuộc điều tra độc lập khác đã phát hiện trong số tiền 500 triệu USD đó có 100 triệu USD chuyển vào quỹ Chính phủ Bình Nhưỡng. Việc làm này đã qua mắt các cơ quan giám sát bằng thủ thuật làm giả sổ sách, chứng từ. Chi tiết này khiến người ta nghi ngờ Hyundai đã hối lộ Bình Nhưỡng để thuyết phục Chủ tịch Kim Jong-il tham dự cuộc họp lịch sử năm 2000 nhưng không đủ bằng chứng để buộc tội.
Bình Nhưỡng đã phản ứng mạnh mẽ về cái chết của Chung Mong-hun. Đầu tiên, họ quyết định tạm đình chỉ chương trình du lịch núi Kim Cương để tỏ lòng thương tiếc ông Mong-hun. Ủy ban Hòa bình châu Á - Thái Bình Dương của CHDCND Triều Tiên, thay mặt chính phủ, gửi điện chia buồn đến ông Chung Mong-koo, ca ngợi ông Mong-hun là người đi tiên phong trong cuộc hợp tác kinh tế liên Triều, đồng thời nhấn mạnh rằng “ông Chung không tự tử mà bị Hội đồng Độc lập và đảng đối lập GNP bức tử”.
Người con hiếu nghĩa
Chung Mong-hun là con trai thứ 5 của ông Chung Ju-jung, sinh ngày 14-9-1948. Tốt nghiệp bằng cử nhân ngữ văn Trường Đại học Yonsei năm 1975, ông được cha bố trí vào công ty công nghiệp nặng Hyundai. Sau đó, ông lãnh đạo công ty đóng tàu 6 năm. Sau khi cha qua đời vào năm 2001, MH thế vai trò của cha, giữ chức chủ tịch Hyundai Asan, một công ty phụ trách các dự án kinh tế của Tập đoàn Hyundai ở Bắc Triều Tiên. Trước đó, MH từng giữ chức chủ tịch Tập đoàn Hyundai và ba công ty con là Hyundai Electronics (điện tử), Hyundai Engineering & Construction (xây dựng) và Hyundai Merchant Marine (hàng hải).
MH có một phong cách lãnh đạo gần gũi với cấp dưới và đối tác, có tầm nhìn xa rất thích hợp với tư duy của ông Chung Ju-jung cho nên ông này có vẻ cưng yêu MH nhất trong nhà. Tuy nhiên điều làm cho ông Ju-jung hài lòng nhất là lòng hiếu thảo của MH đối với ông. Ông MH biết rất rõ Công ty Hyundai Asan lâm vào cảnh khó khăn tài chính vì các dự án liên doanh với phía Bắc Triều Tiên như tổ chức tour du lịch trên núi Kim Cương kể từ tháng 11-1998, mở khu nghỉ dưỡng cao cấp tại vùng núi này, xây dựng đường sắt và đường bộ, mở khu công nghiệp Kaesong ở Bắc khu phi quân sự... đều thua lỗ nhưng ông vẫn ủng hộ hết mình việc làm của cha, vui vẻ nhận “của nợ” để làm vui lòng cha, như nhận xét của một nhà quản lý cao cấp của Tập đoàn Hyundai.
Năm 1991, khi ông Chung Ju-jung đứng ra tranh cử TT, MH ủng hộ cha hết mình. Thậm chí, ông còn bị cáo buộc dùng tiền quỹ của Công ty Hyundai Asan do ông lãnh đạo tài trợ bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử TT của cha. Và cũng vì chuyện làm phi pháp này, ông bị kết án ba tháng tù ở. Người ta nói ông ở tù vì cha.
Và cũng bởi tấm lòng hiếu thảo hiếm thấy đó mà ông Chung Ju-jung đã chọn ông là người thừa kế “vương quốc” Hyundai chứ không phải Chung Mong-koo là con trai trưởng bướng bỉnh. Nhưng, không như ông Chung Ju-jung tưởng, quyết định tối cao của người sáng lập Tập đoàn Hyundai không những không giải quyết được cuộc đấu đá tranh giành quyền lực trong nội bộ gia đình họ Chung giữa Mong-koo và Mong-hun mà còn làm cho cuộc chiến thừa kế càng thêm gay gắt.
Khổ vì có nhiều dòng con
Theo báo International Herald Tribune, bi kịch gia đình nhà họ Chung có lẽ bắt đầu từ cái chết của Chung Mong-pil, trưởng nam của ông Chung Ju-jung, trong một vụ tai nạn giao thông vào năm 1982. Nếu Mong-pil còn sống, chắc chắn ông Chung sẽ chọn ông này thừa kế Tập đoàn Hyundai chứ không phải đau đầu giải quyết mâu thuẫn giữa Mong- koo và Mong-hun vốn là anh em cùng cha khác mẹ. Kế đến là vụ tự tử của Chung Mong-woo, con trai thứ tư của dòng bà lớn, vào năm 1990 nghe đâu vì suy nhược thần kinh.
Đời tư của ông Chung Ju-jung vốn có một số điều bí ẩn. Dư luận đồn rằng ông có tất cả 4 người con trai với người vợ thứ nhất là bà Byun Joong-suk, con gái nhà nông trong một thôn gần làng ông Chung, nay thuộc lãnh thổ Bắc Triều Tiên. Năm người con còn lại, trong đó có một gái, đều có mẹ khác nhau nhưng đều đăng ký tên mẹ là người vợ đầu của ông Chung. Đây là tục lệ của HQ. Theo các nhà phân tích, mâu thuẫn giữa Mong-koo và Mong-hun có lẽ là do có mẹ khác nhau. Giáo sư Ung-ki, Trường Đại học Yonsei, nhận định: “Nếu hai người có chung mẹ, câu chuyện tranh giành quyền thừa kế có lẽ đã không xảy ra”.
Bình luận (0)