Nhìn một cách tổng thể, Babylift là một chương trình nhân đạo để lại dấu ấn khá đặc biệt đối với người Mỹ trong giai đoạn rút khỏi VN với tư cách là người thua trận. Phần lớn các em từ chương trình Babylift được cha mẹ nuôi nuôi nấng tử tế và cho ăn học đàng hoàng. Diễn viên Julie Andrews cùng chồng (đạo diễn Blake Edwards) nhận nuôi 2 trẻ sơ sinh Babylift. Diễn viên đầu trọc nổi tiếng Yul Brynner cùng vợ (Jacqueline) đã nhận nuôi Meloday - một bé gái sống sót từ thảm kịch C-5A. Một tai nạn đáng tiếc mở đầu cho một chiến dịch bốc dỡ hơn 3.000 trẻ em mồ côi hoặc bị cha mẹ bỏ rơi trong một kế hoạch đầy tham vọng: mang 70.000 trẻ mồ côi VN ra khỏi Sài Gòn.
Khởi đầu tang tóc
Được xem là vận tải cơ lớn nhất thế giới thời điểm đó (có thể vận chuyển xe tăng và thậm chí cầu quân sự nặng 70 tấn), một chiếc Lockheed C-5A Galaxy được phái đến Sài Gòn trong sứ mạng Babylift từ căn cứ không quân Clark (Philippines) ngày 4-4-1975. Sau khi hơn 300 trẻ em và người lớn (trong đó có nhân viên Sứ quán Mỹ tại Sài Gòn) được đưa lên máy bay, C-5A bắt đầu rời đường băng.
Cất cánh khoảng 67 phút và cách Tân Sơn Nhất chừng 64 km, C-5A bắt đầu bốc cháy sau tiếng nổ to ở cửa sau (C-5A đáng lý chỉ nên chở không hơn 100 em, bởi chiếc vận tải cơ không đủ mặt nạ ôxy). Phi hành đoàn buộc phải quay lại Tân Sơn Nhất. Khi cách Sài Gòn khoảng 16 km, C-5A bắt đầu rơi, lướt đập vào bờ kè và gần như vỡ vụn! Chỉ có 170 người lớn và trẻ em sống sót với nhiều thương tích.
![]() |
Tổng thống Gerald Ford ẵm một bé VN trong chiến dịch Babylift đầy tranh cãi |
Tuy nhiên, bi kịch C-5A không làm hoãn chiến dịch Babylift. Từ ngày 4-4 đến 19-4-1975, với 30 chuyến bay được thực hiện, Babylift mang được chừng 2.000 em đến Mỹ và 1.300 em đến Canada, châu Âu và Úc (theo tờ Vietnam số tháng 10-2006, một nguyệt san của giới cựu binh Mỹ).
Chương trình Babylift cũng có không ít tai tiếng và nước Mỹ từng nhìn lại di sản Babylift với nhiều góc độ khen chê khác nhau. Năm 1976, trong một phóng sự đặc biệt, tờ Des Moines Register cho biết, một năm sau chiến dịch Babylift, hàng trăm em vẫn sống trong tình trạng tư cách pháp nhân mù mờ. Báo Time (ngày 24-5-1976) cho biết nhiều trẻ Babylift hoàn toàn không có thông tin lý lịch cá nhân và do đó gặp khó khăn trong việc thực hiện hồ sơ cho các trường hợp nhận con nuôi. Một năm sau chiến dịch Babylift, Cục Di trú và Nhập tịch Mỹ cho biết có 1.671 em hợp lệ và 353 không hợp lệ.
Bi kịch gia đình
Nhiều trường hợp đau lòng và khó xử đã xảy ra. Bà Hà Thị Võ, người từng đưa 3 đứa con đi trong chương trình Babylift, khi đến Mỹ đã đâm đơn kiện. Tìm thấy cậu con út 3 tuổi tại một nhà nuôi trẻ từ thiện, bà đòi lại con. Tuy nhiên, việc cậu bé không nhận ra bà khiến nhà chức trách bác bỏ đề nghị trên.
Trong khi đó, tại Forest City (bang Iowa), vợ chồng Johnny và Bonnie Nelson tin rằng họ có đủ quyền và tư cách pháp nhân để chống lại Doãn Thị Hoàng An (sống tại Great Falls, bang Montana), người nhận mình là mẹ đích thực của bé Ben 4 tuổi được vợ chồng Nelson nhận nuôi từ chương trình Babylift. Khi cả hai ra tòa, bà Nelson kể: “Nếu Ben có thái độ và cử chỉ trìu mến với bà An, chúng tôi biết rằng bà ấy là người mà thằng bé có thể chấp nhận và thương yêu. Tuy nhiên, trong suốt phiên tòa, Ben chẳng hề phản ứng trước biểu lộ tình cảm của bà ấy”. Dù vậy, cuối cùng tòa phán Ben thuộc về bà An và gia đình Nelson tiếp tục kiện lên tòa thượng thẩm...
Thập niên 1980, từ bang California có nhiều đơn kiện nội các Tổng thống Ford (có cả đích danh Ngoại trưởng Henry Kissinger) “bị đưa khỏi miền Nam VN nhiều trẻ em trái với ước nguyện của cha mẹ chúng”.
Bình luận (0)