Tôi sắp xếp mọi thứ cần thiết chuẩn bị cho chuyến đi về miền Tây để gặp gỡ các nhân chứng tuyến đường 1C huyền thoại. Vậy mà giải thích đường 1C là gì, tôi không biết phải bắt đầu từ đâu để nói lên tầm vóc to lớn của tuyến đường mà chính những người trong cuộc đã thốt lên: “Chắc chắn không ai nhớ và ghi chép xuể, cũng không bút mực nào tả hết sự gian khổ, hy sinh của lực lượng TNXP trên tuyến đường huyền thoại này”.
Khai thêm tuổi, trốn gia đình tòng quân
Khi tôi đến Cần Thơ, hàng chục cựu nữ TNXP đã tề tựu ngồi đợi tại ngôi nhà vốn là trụ sở của Hội Cựu chiến binh trên đường Trần Quang Diệu. Dường như sự có mặt của ông Chín Tần (Thầy thuốc Ưu tú Trần Minh Hữu, nguyên chủ nhiệm bệnh xá Trung đoàn 195 và Liên đội TNXP tuyến 1C) đã khơi dậy cho nguồn mạch tuyến đường huyền thoại tuôn chảy...
Năm 1966, thời kỳ cao trào cách mạng kháng chiến chống Mỹ của miền Tây Nam Bộ, vùng giải phóng mở rộng nối liền 6 tỉnh Khu 9. Cùng lúc đó, đường Hồ Chí Minh trên biển do Đoàn 962 phụ trách bị địch phát hiện, phong tỏa, đánh gắt gao nên gặp nhiều khó khăn. Phương tiện chiến tranh từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện theo đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ đã đến miền Đông Nam Bộ. Muốn vận chuyển lượng phương tiện chiến tranh này đến tận mũi Cà Mau, phải cấp tốc tổ chức lực lượng vận chuyển. Đó là lý do khiến các đội TNXP miền Tây Nam Bộ được thành lập và tuyến đường giao thông vận tải 1C ra đời.
Vào tháng 9-1966, Khu ủy miền Tây Nam Bộ (T3) giao nhiệm vụ cho Khu Đoàn Tây Nam Bộ thành lập ngay lực lượng TNXP, bước đầu ít nhất 500 quân, để tiếp nhận vũ khí chuyển về quân khu, chuẩn bị cho chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968. Sau chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, các tỉnh bổ sung thêm, quân số được hơn 800 người, đa phần là nữ. Tất cả đều ở lứa tuổi 18-20. Nhiều cô gái mới 14-15 đã khai thêm tuổi để tòng quân, có chị trốn gia đình theo đơn vị. Giã từ quê hương cây lành trái ngọt, giã từ mái trường thân yêu, những người con gái trẻ dấn thân vào chiến trường 1C. Lộ trình của đoàn quân đặc biệt ấy từ lộ Cái Sắn đến kênh Vĩnh Tế, bao gồm vùng Bảy Núi - Ba Hòn. Đôi bàn chân con gái bắt đầu bước đến những địa danh nổi tiếng ác liệt.
Chuyển mình với nhiệm vụ cấp bách
Chị Tuyết Thu (Tô Thị Thanh Xuân) say sưa kể về thời điểm đáng nhớ nhất trong cuộc đời TNXP của chị: “Chuẩn bị cho chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, tuyến đường 1C như chuyển mình với nhiệm vụ cấp bách: Đưa vũ khí kịp thời vào chiến trường miền Tây. Chúng tôi đã vận chuyển an toàn 350 tấn súng đạn, phương tiện chiến đấu của Trung ương Cục chi viện cho Khu 9, triển khai hậu cần đủ cho 6 tỉnh vào chiến dịch Mậu Thân. Trong không khí vui nhộn nhịp đón giao thừa, trên vai chúng tôi trĩu nặng những gùi hàng tải bộ đường xa. Vào trận với chúng tôi còn có đàn voi vận chuyển; bên kia kênh Vĩnh Tế là xe trâu, xe ngựa, xe bò... Lúc đầu chưa quen, chúng tôi ba người một xe, sau kết lại hai xe thành một, tăng thêm trọng lượng, giảm đi số người...”.
Tuyến 1C sôi động đêm ngày. Từ Bắc lộ Cái Sắn đến kênh Vĩnh Tế, đêm đêm hàng trăm ghe xuồng xuôi ngược. Tất cả đều tin vào một trận dứt điểm, và các chị đã sống, chết với niềm tin ấy...
Chị Thanh Xuân giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về lộ trình một chuyến hàng mà các chị đảm nhận. Chị kể: “Vượt qua những ngày bỡ ngỡ, chúng tôi thích nghi nhanh chóng với nhiệm vụ gian khổ. 17 giờ nhận hàng xong, xuất phát đến trạm, đổi xuồng rồi quay ngay về trước khi trời sáng. Chúng tôi luôn cố gắng không để ló đuôi, tránh máy bay địch phát hiện, tranh thủ ăn uống. 17 giờ hôm sau lại gom xuồng đi tiếp. Gian khổ, hiểm nguy vậy mà chị em cứ giành nhau vận chuyển. Vào đợt, chúng tôi đi 29 ngày liền trong tháng. Người chúng tôi ướt ngoi, bơi mỗi người một xuồng đi đường rừng. Mũi xuồng va chạm vào cây là té xuống nước. Mỗi chuyến, chúng tôi té ít nhất là 10 lần. Đoàn người đêm đêm cứ nối tiếp, đi hết mùa mưa rồi lại nắng, đi dưới mưa dầm, vai nặng đường trơn, mồ hôi ướt đẫm. Vậy mà có chị giấu bệnh để được đi công tác. Trên xuồng chở 300 – 400 kg vũ khí, khi kéo, khi đẩy suốt 5-6 km, thân mình, tay chân các chị bị lác, đỉa cắn, cỏ Bắc cắt ngược xuôi thành mủ, sình bám vào châm chích khó chịu, nước uống không có, nói gì đến nước rửa chân. Vậy mà các chị vẫn lạc quan yêu đời, làm thơ, ca hát, đùa giỡn, làm rộn ràng, sôi động đoàn vận chuyển vũ khí trong đêm. Nhưng tiếng cười ấy chỉ vang lên trong những nơi yên tĩnh, thoát khỏi tầm kiểm soát của địch”.
![]() |
Lược đồ hoạt động của TNXP tuyến đường 1C do các cựu TNXP 1C tự vẽ |
Bước vào cuộc chiến không cân sức
Địch đã dùng mọi biện pháp để ngăn chặn những bàn chân TNXP nối liền mạch tuyến đường 1C. Bộ Chỉ huy Liên quân Việt - Mỹ và vùng 4 chiến thuật biết rõ con đường này là “sinh mệnh” của chiến trường miền Tây, nên đã dốc toàn lực đối phó, với những loại vũ khí mang tính sát thương và hủy diệt cao. Đồng thời, địch huy động hàng sư đoàn với các binh chủng phối thuộc bằng phương tiện hiện đại tràn ngập chiến trường. Chúng quyết hủy diệt con đường 1C bằng mọi giá. Khu lòng chảo tuyến đường Vĩnh Tế- Tám Ngàn- Cái Sắn- Bảy Núi, Ba Hòn, mà trung tâm là những cánh rừng với những địa danh Vĩnh Điều, Tràm Dưỡng, Đồng Cừ, Gộc Xây... đã hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn. Những TNXP lại bước vào cuộc chiến đấu diễn ra mỗi ngày, đặc biệt ở lòng chảo Gộc Xây và kênh Vĩnh Tế.
Suốt gần 10 năm liền sau khi hình thành, lực lượng TNXP đường 1C đã cùng chính quyền, du kích địa phương liên kết nhau, bám địa bàn, sẵn sàng hy sinh, bền bỉ thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng chục ngàn tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh, đưa đường cho cán bộ, bộ đội ngược xuôi qua tuyến đường. Họ đã làm nên huyền thoại con đường 1C lịch sử.
Bình luận (0)