Ratan Tata, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Tata sở hữu khách sạn Taj Mahal, cho biết khách sạn đã nhận được tin báo – nhưng không nói rõ nhận được từ nguồn tin nào - có thể bị khủng bố trước khi thảm họa xảy ra.
Phát biểu trên đài truyền hình Mỹ CNN hôm 30-11, ông Tata khẳng định rằng trước khi bị tấn công, các biện pháp an ninh đã được tăng cường. Ví dụ xe hơi của khách không được đậu dưới mái cổng và bản thân khách phải đi ngang máy dò kim loại trước khi vào khách sạn. Bảo vệ đã được tăng cường. Chỉ một cửa vào được mở, còn tất cả các cửa trước khác đều bị khóa lại.
Đề phòng cửa trước, địch vào cửa sau
Ông A. Vaidyanathan, một nhà kinh tế Ấn Độ, xác nhận trên nhật báo The Hindu rằng cách nay một tháng, khách sạn này đã được tăng cường bảo vệ. Hành lý được khám rất kỹ. Khách trải qua nhiều cửa gắn thiết bị dò kim loại. Bảo vệ khám xét từng khách.
Tuy nhiên, ông cho biết thêm, mới đây ông trở lại khách sạn thì mọi chuyện đã thay đổi. Ông có thể đi thẳng vào khách sạn mà không bị khám xét gì cả. Chính vì sự lỏng lẻo của bộ phận an ninh trong những ngày gần đây mà các tay súng đã đột nhập vào dễ dàng.
Được bảo vệ hùng hậu ở cửa trước, các cửa sau của khách sạn bị bỏ ngỏ. Ban lãnh đạo khách sạn đã phạm một sai lầm chết người khi cho rằng bọn khủng bố, nếu có, sẽ tấn công từ phía mặt tiền. Trong thực tế, chúng vào từ cửa hậu khu nhà bếp.
Như đã trình bày ở bài trước, các tay súng đã điều nghiên khách sạn này trước cả tháng. Một tên xin làm tập sự bếp trưởng tại khách sạn từ 10 tháng nay. Chi tiết này đã được người thân của một nhân viên tập sự làm bếp trưởng xác nhận trên website Zeenews.com. Người thân này cho biết trước khi bị giết, nạn nhân đã kịp móc điện thoại di động gọi về nhà nói “bị một đồng nghiệp bắn”.
Những tên khác từng làm khách mướn phòng để ở và chuẩn bị chỗ cất vũ khí. Do đó, dù đường đi nước bước trong khách sạn có đến 565 phòng xây dựng theo kiểu lâu đài thời nữ hoàng Victoria của Anh vô cùng phức tạp, bọn khủng bố chẳng gặp mấy khó khăn khi đột nhập và ra tay bắn giết khách một cách lạnh lùng.
![]() |
Khách sạn Taj Mahal trong khói lửa khi các lực lượng đặc nhiệm Ấn Độ giao tranh với các tên khủng bố hôm 26-11 |
Bọn khủng bố đột nhập khách sạn Taj Mahal lúc 21 giờ 45 phút ngày 26-11. Alan Jones, một chức sắc ngành truyền thông ở Newport (Anh), từ trên lầu xuống tầng trệt bằng thang máy thì nghe tiếng súng nổ chát chúa. Khi cửa thang máy mở ra, một ông khách người Nhật bị bắn chết máu phun đầy người ông Jones. Ông vội vã nhấn nút đóng cửa cầu thang đi tiếp xuống tầng hầm, ba chân bốn cẳng chạy thoát ra ngoài.
Alex Chamberlain, giám đốc một website thể thao, kể lại rằng các tay súng ra lệnh mọi người đi lên lầu, hai tay đặt lên đầu. Chúng hỏi ai là người Anh hoặc Mỹ giơ tay lên. Một người bạn của ông nói khẽ: “Đừng có dại dột làm anh hùng. Đừng trả lời tôi là người Anh”. Cuối cùng, thật may mắn, ông chạy thoát được ra ngoài bằng cửa thoát hiểm.
Cái chết của một triệu phú Anh
Trong số những người bị giết tại khách sạn Taj Mahal, ông Andreas Liveras, triệu phú người Anh gốc Cyprus, là công dân Anh duy nhất. Các tên khủng bố tìm thấy hộ chiếu Anh trong người ông. Thế là chúng gom ông và nhiều người mang hộ chiếu Mỹ và Anh vào một nhóm.
Trước khi bị bắn chết, ông còn gọi điện thoại cho con trai là Dion ở Anh, nói ông vẫn an toàn và được đối xử tốt. Trước đó nữa, ông còn có dịp trả lời phỏng vấn của đài BBC qua điện thoại di động khi khách sạn Taj Mahal bị tấn công. Ông “tường thuật” tại chỗ: “Tôi đến khách sạn này để thưởng thức món cà-ri nổi tiếng khắp Mumbai cùng với vài người bạn. Ngồi vào bàn được ít phút, chúng tôi nghe tiếng súng tiểu liên nổ vang ở hành lang. Chúng tôi trốn dưới gầm bàn. Đèn tắt tối thui. Tiếng súng vẫn nổ chát chúa. Chúng tôi được nhân viên khách sạn hướng dẫn vào nhà bếp và từ đây chạy xuống tầng hầm. Khi chúng tôi vào một căn phòng cửa phòng bị khóa trái.
“Có thể hơn 1.000 người mắc kẹt trong khách sạn này, bao gồm du khách và người địa phương. Chúng tôi không trốn chỉ bị mắc kẹt trong tầng hầm. Nhân viên khách sạn giúp chúng tôi nhiều lắm. Họ cung cấp nước uống và bánh mì kẹp thịt nhưng không ai buồn ăn bởi quá sợ hãi. Trong lúc này đây, bầu không khí rất im lặng. Tiếng bom nổ cuối cùng diễn ra cách đây 45 phút. Nó làm rung chuyển cả tòa nhà, không ai vào mà cũng không ai ra khỏi nơi này”.
Vài phút sau, Liveras bị bắn chết không rõ trong hoàn cảnh nào. Ông hưởng thọ 73 tuổi, để lại ba người con gái và một người con trai. Người nhà ông cho biết đó là số mệnh. Gia đình ông tiếc nuối “phải chi ông mang theo hộ chiếu Cyprus, có lẽ ông không chết thảm như vậy”. Ông Liveras từ Cyprus định cư ở Anh từ năm 1963. Lúc đầu, ông làm nhân viên giao hàng cho một tiệm bánh nhỏ ở London. Không lâu sau, ông mua lại tiệm bánh và phát triển một chuỗi tiệm bánh khác, trở thành một trong những nhà sản xuất bánh ga-tô lạnh nổi tiếng ở châu Âu. Trở thành triệu phú - tài sản của ông ước tính vào khoảng 315 triệu bảng Anh (8.290,8 tỉ đồng) – ông bán những cửa hàng bánh để lao vào ngành sản xuất du thuyền vốn là sở thích của ông từ bé. Ông đến Mumbai để dự hội chợ du thuyền quốc tế.
Bình luận (0)