Phố Wall chiều hôm ấy, theo kế hoạch, sẽ diễn ra một sự kiện vui vẻ. Nữ nghệ sĩ Christy Carlson Romano sẽ tự tay bấm chuông sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE). Nó đánh dấu ngày đầu tiên Romano xuất hiện trên sân khấu ca kịch Broadway trong vở Đại lộ Q.. Chị sẽ đóng hai vai: nữ trợ giáo lãng mạn trường mẫu giáo và nữ ca sĩ phòng trà lẳng lơ.
Các nhà giao dịch chứng khoán vui vẻ đón chờ sự kiện trên trong tâm trạng khá háo hức. Thế nhưng sự kiện đó không hề xảy ra. Thay vào chỗ Christy Carlson Romano là một nhân viên NYSE trong trang phục màu xám trông chẳng có vẻ gì là vui cả . Anh đứng trên bục, rồi lặng lẽ đưa tay nhấn nút. Tiếng chuông reo lên và anh ta biến mất ngay lập tức. Không có tràng pháo tay, không có tiếng reo hò hân hoan như mọi khi.
Những gã khổng lồ cũng quỵ ngã
Cuối ngày thứ tư đó, không ai có thể cười nổi. Tin tức xấu ùa đến phố Wall rất nhanh và dồn dập. Tất cả các mã số chứng khoán Mỹ lại lao dốc sau một ngày nghỉ xả hơi ngắn ngủi. Giống như xe trượt dốc cao tốc, chỉ số Dow Jones lao xuống đất với tốc độ kinh hoàng. Chỉ trong chốc lát, chỉ số này mất 450 điểm, điều chưa từng thấy kể từ năm 2001.
Các nhà đầu tư hùa nhau ruồng bỏ thị trường, chạy theo những mặt hàng khác xanh tươi hơn. Giá vàng nhảy dựng lên, phá kỷ lục của chính mình trong vòng một ngày.
Họ bỏ chạy khỏi NYSE. Giá cổ phiếu rớt như sung rụng: mã số chứng khoán American Express giảm 8,4%, Citigroup giảm 10,9%, JP Morgan giảm 12,2%. Những thần tượng của ngành tài chính Mỹ, giống như mấy con thú cưng đi lạc, đã bị ngược đãi thậm tệ.
Một nhân viên giao dịch cùng với một số đồng nghiệp tự an ủi bằng rượu vang trắng và bia trong một quán bar gần NYSE. Anh than thở: “Tôi không biết phải nói sao đây”. Họ đã cởi hết áo jacket và cà vạt. Mặc dù gió chiều thổi hây hây, trên trán họ mồ hôi vẫn rịn ra lấm tấm.
Sau khi sàn giao dịch chứng khoán đóng cửa, mọi sự càng trở nên tồi tệ hơn. Washington Mutual, ngân hàng lớn thứ tư của Mỹ, tuyên bố bắt đầu tiến trình tự rao bán. Nhật báo The Wall Street Journal đưa tin Công ty Dịch vụ Tài chính Wells Fargo và ngân hàng khổng lồ Citigroup ngỏ ý muốn mua lại các ngân hàng tiết kiệm đang lâm nạn.
Thứ năm, thị trường tài chính Mỹ lại rúng động vì nguồn tin Morgan Stanley – thể chế tài chính đáng kính ở phố Wall và một trong hai ngân hàng đầu tư Mỹ còn đứng được – tuyên bố một khoản lỗ khổng lồ và đang đấu tranh để sống còn. Báo chí đồn đoán Stanley Morgan sẽ được chính phủ bơm tiền để tồn tại hoặc bị sáp nhập. Đáng kể nhất là tin đồn Ngân hàng Citic của Trung Quốc có thể thôn tính ngân hàng này của Mỹ. Một viễn cảnh thật khó tưởng tượng nhưng có thể là sự thật.
Tham nhũng và tham lam
Tình hình nghiêm trọng đến mức Tổng thống Bush phải hủy bỏ hai chuyến đi trong nước để ở lại Nhà Trắng bàn cách đối phó “những thách thức nghiêm trọng mà thị trường tài chính Mỹ đang đối đầu”.
Không chỉ Tổng thống Bush mà hai ứng viên tổng thống John McCain của Đảng Cộng hòa cầm quyền và Barack Obama của Đảng Dân chủ đối lập cũng phải nói năng cẩn trọng trong những bài diễn văn vận động tranh cử của mình. Các vị này chỉ kêu gọi chung như cần phải “cải cách” và “điều tiết” các thị trường tài chính.
Nếu ngày 15-9, ông McCain còn khẳng định rằng “nền móng kinh tế của chúng ta vẫn vững vàng” và ông cực lực phản đối việc chính phủ ra tay cứu giúp Công ty Bảo hiểm AIG thì sau đó ông phải đổi giọng. Ông hứa chính phủ sẽ có thêm những bước nữa nhằm “ngăn chặn nạn đầu cơ điên loạn có thể làm nguy hại các thị trường của chúng ta”. Rồi ông giải thích rằng sở dĩ có cuộc khủng hoảng hiện nay là do “không ngăn chặn được tham nhũng và tham lam”.
Trong khi đó, ứng viên Barack Obama vẫn trung thành với những lời lẽ mang tính hô khẩu hiệu : “Chúng ta là người Mỹ. Trước đây chúng ta đã từng vượt qua những thách thức nghiêm trọng và chúng ta có thể làm điều đó một lần nữa”.
Ngày tàn của một thời đại Kể từ năm 1864, ngành ngân hàng Mỹ phân chia thành ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư. Nhưng giờ đây, đã có sự thay đổi. Bear Stearns, Lehman Brothers, Merrill Lynch, toàn những tên tuổi lớn ở phố Wall, đã bốc hơi chỉ sau một đêm. Chỉ có Goldman Sachs và Morgan Stanley là hai gã khổng lồ còn trụ lại. Mặc dù kết quả kinh doanh các quý là khá tốt, mã số chứng khoán của họ cũng có những đợt mất giá bí ẩn và nay – ít nhất là trong trường hợp của Morgan Stanley – họ phải chuẩn bị khăn gói đi theo các đồng môn. James Allroy, một nhà môi giới chứng khoán kỳ cựu ở NYSE, đang ngồi nhâm nhi cốc cà phê trong quán Starbucks, tâm sự với phóng viên Der Spiegel: “Trước đây chưa từng có chuyện giống như thế này. Thế giới mà chúng ta từng biết đến nay đã gục ngã rồi”. Ngay cả nhà tài chính huyền thoại Donald Trump cũng phát biểu trên đài truyền hình CNN: “Tôi nghĩ đây là thời kỳ tồi tệ nhất kể từ năm 1929”. Chuyện gì đã xảy ra vậy? Các chuyên gia không thể nhất trí với bất cứ kết luận nào. Đây có phải là bước khởi đầu của một sự kết thúc? Hay chỉ là khó khăn nhất thời trong vài năm? Có phải là trách nhiệm của những công ty thẩm định tài chính bấy lâu nay đánh giá quá cao các thể chế tài chính? Hay do các tay chuyên “bán lúa non” đáng ngờ đã lũng đoạn giá chứng khoán? Những người này đã từng bị nghi ngờ là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán hồi tháng 7 vừa qua. Ngoài số nghi vấn nói trên, có một điều chắc chắn là thời kỳ kinh tế thị trường tự do không bị kiểm soát ở Mỹ đã qua rồi- ít nhất là hiện nay. Động thái của chính phủ gần như quốc hữu hóa AIG, công ty bảo hiểm lớn nhất ở Mỹ, bằng cách bơm 85 tỉ USD – tiền của người đóng thuế Mỹ - vào công ty này đã làm nhiều người sững sờ. Khía cạnh thú vị nhất của cuộc khủng hoảng tài chính trong tuần qua là chính phủ phải quăng chiếc phao cứu sinh trong khi Đảng Cộng hoà cầm quyền xưa nay luôn luôn phản đối mọi sự can thiệp của chính quyền. Chính sách này đã được ghi rõ trong cương lĩnh đảng. |
Bình luận (0)