Lớn lên và được học hành tới nơi tới chốn khi đất nước đã sạch bóng ngoại xâm, người người hối hả chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh và dựng xây đất nước, nhưng thay vì hòa vào dòng chảy chung đổi mới và phát triển của cả dân tộc thì Nguyễn Văn Đài (NVĐ) lại tự tách mình ra, lao vào các hoạt động chống phá trong sự cổ súy hết mình của các thế lực phản động bên ngoài.
Đường quang không đi...
NVĐ chẳng có lý do gì để phàn nàn về tuổi thơ được học hành đàng hoàng, tử tế của mình. Sinh năm 1969, tuổi niên thiếu của NVĐ trôi qua một cách yên ả tại vùng quê Châu Giang, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình có bố là cán bộ Bộ GD-ĐT. Là con trai duy nhất của gia đình có 4 chị em, NVĐ được ưu ái hơn cả để chuyên tâm vào chuyện học hành với hy vọng là chỗ nương tựa sau này của cha mẹ sinh thành. Không đậu được vào ĐH, Đài được học ở Trường Trung học Cơ điện Sóc Sơn- Hà Nội. Ra trường, NVĐ lại tiếp tục được đi học nghề tại Đức, niềm mơ ước của khối người khi đó.
Về nước, nhờ bố, NVĐ lại được theo học tiếp Trường ĐH Luật Hà Nội hệ mở rộng mà không phải thi đầu vào. Ra trường 7-8 năm với đầy đủ bằng cấp nhưng NVĐ mãi chưa được công nhận là luật sư thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội. Phải dùng tới “chiêu” đi đường vòng xin làm luật sư Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Phúc năm 1999, NVĐ nghiễm nhiên khoác lên mình chiếc áo mong ước khi trở lại Đoàn Luật sư Hà Nội năm 2002.
Một năm sau, NVĐ đứng ra lập Văn phòng Luật sư Thiên Ân tại số 10 Đoàn Trần Nghiệp- Hà Nội, do mình làm trưởng văn phòng. Từ đó, ông ta trượt dài, “đường quang không đi, đâm quàng bụi rậm”.
Mượn áo luật sư
Thay vì hành nghề luật sư, NVĐ liên lạc với một số cá nhân, tổ chức phản động ở nước ngoài để nhận chỉ đạo thành lập cái gọi là “Ủy ban Nhân quyền VN” do mình đứng đầu với sự tham gia của một số kẻ bất mãn, cơ hội. Công việc thường nhật của ủy ban này là đi thu thập những thứ gọi là bằng chứng “đàn áp dân chủ, nhân quyền” để tổng hợp đưa lên cái gọi là “Hãng tin Tự do (FNA)” trên Internet, đồng thời gửi báo cáo cho các đối tượng người VN phản động lưu vong. NVĐ nhiều lần cử nhân viên văn phòng mình đi các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Bộ gặp những chức sắc, tín đồ Tin lành cực đoan để thu thập cái gọi là “những bằng chứng VN đàn áp đạo Tin lành" rồi chuyển cho Ngô Thị Hiền, chủ tịch tổ chức phản động “Ủy ban Tự do tôn giáo VN” ở Mỹ và nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, nhằm sử dụng vào mục đích tuyên truyền chống nhà nước VN.
NVĐ luôn rất “hào phóng” chi trả cho những người đi thu thập thông tin, nhất là khi có được thông tin “đáng giá”. NVĐ từng chi cho Phùng Quang Lâm tới 6,36 triệu đồng chỉ trong chuyến “công cán” một tuần để thu thập thông tin ở miền Nam; hay nhiều lần trả cho Trần Thanh, mỗi lần 500.000 đồng. Bản thân NVĐ có mối quan hệ thường xuyên rất chặt chẽ với một số nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội để kịp thời báo cho họ những thông tin “vi phạm dân chủ, nhân quyền sốt dẻo”. Ai lên mạng Internet phát tán thông tin xuyên tạc VN đàn áp tự do, nhân quyền... cũng được NVĐ “thưởng nóng” 200.000-300.000 đồng.
Chiếc áo luật sư như hoàn toàn tuột khỏi NVĐ khi ông ta câu kết với Trần Ngọc Thành, “Phân bộ trưởng Tập hợp dân chủ đa nguyên”, chủ bút Báo Đàn chim Việt ở Ba Lan, để thành lập tổ chức xưng danh “Công đoàn độc lập VN”. NVĐ còn cử Trần Văn Hòa ở Quảng Ninh ra nước ngoài để gặp Trần Ngọc Thành bàn việc thành lập cái gọi là “Công đoàn độc lập VN”. Đài đưa “miếng mồi” 1.000 USD để lôi kéo Hòa tham gia tổ chức ảo này.
Dù không thu được gì từ các thân chủ trong suốt chừng ấy năm lập ra Văn phòng Luật sư Thiên Ân, nhưng túi NVĐ lúc nào củng rủng rỉnh USD đến từ các nhóm chống đối ở nước ngoài. Theo thống kê chưa đầy đủ, Đài đã nhận trên 60.000 USD tiền tài trợ từ nhóm Phạm Nam Định và Hội Cứu trợ thuyền nhân VN của Nguyễn Đình Thắng. Văn phòng của NVĐ được Thắng “nuôi” đều đặn tới 1.819,39 USD/tháng, trong đó anh ta được 700 USD. NVĐ còn đòi nhóm phản động Phạm Nam Định tài trợ mỗi tháng 850 USD cho cái gọi là “Ủy ban Nhân quyền VN”, trong đó anh ta tự đút túi 200 USD mỗi tháng. Ngoài ra, NVĐ còn nhận khoảng 400 USD/tháng từ các tổ chức phản động bên ngoài.
Trả giá
Nắm rõ bản chất và những hành động chống đối Nhà nước ngày một ngông cuồng của NVĐ, cơ quan an ninh đã triển khai nhiều biện pháp đấu tranh, cảm hóa. Nhưng thay vì “quay đầu là bờ”, NVĐ cố tình, ngang nhiên có hành động thách thức và vi phạm luật pháp. Các cơ quan chức năng và Hội thánh Tin lành đã nhiều lần phối hợp gặp gỡ, thuyết phục, giáo dục NVĐ từ bỏ âm mưu chống đối để trung thành với nghề luật sư. Năm 2001, Đoàn Luật sư Hà Nội đã cảnh cáo NVĐ về hành vi lập câu lạc bộ “Dự án vì công lý” trái pháp luật. Tháng 6-2006 lại tổ chức cuộc họp nội bộ phân tích cho NVĐ thấy sự sai trái của hành vi tuyên truyền chống đối Nhà nước để anh ta hối cải. Hội thánh Tin lành VN miền Bắc sau nhiều lần nhắc nhở, thuyết phục bất thành đã buộc phải tổ chức họp phiên toàn thể Ban Trị sự Tổng hội ngày 13-6-2006 quyết định miễn nhiệm chức vụ ủy viên pháp chế Hội đồng Quản trị sản nghiệp Hội thánh Tin lành VN miền Bắc của NVĐ.
Mới đây, ngày 8-2, MTTQ phường Bách Khoa (Hà Nội), địa phương nơi NVĐ cư trú, đã tổ chức hội nghị nhân dân để đấu tranh với những hoạt động sai trái, vi phạm pháp luật của ông ta; lên án những hành vi của NVĐ thời gian qua là rất nghiêm trọng, xâm hại đến an ninh quốc gia. Dù vậy, NVĐ chưa một lần tỏ ra ăn năn, hối lỗi, ngược lại ngày càng có thái độ và hành động thách thức dư luận, thách đố pháp luật, hoạt động chống phá nhà nước quyết liệt hơn gây phẫn nộ đối với quần chúng nhân dân.
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu được, ngày 2-3, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN VN”. Ngày 6-3, Đài đã bị bắt tạm giam để chờ ngày ra tòa nhận hình phạt thích đáng của pháp luật.
Tự đánh bóng Khi đã có “số má”, NVĐ cũng ôm ấp giấc mộng... “lãnh đạo”. NVĐ viết loạt bài tung lên website của BBC để quảng bá cá nhân, đồng thời tạo “cú hích” để hình thành và công khai hóa các tổ chức chính trị đối lập ở VN. NVĐ cũng biên soạn, phát tán hàng chục tài liệu nhằm đánh bóng tên tuổi của mình trên các website phản động nước ngoài. NVĐ cũng chính là người trực tiếp chắp bút soạn thảo điều lệ dài gần 3 trang A4 của cái gọi là “Đảng dân chủ 21”. |
Bình luận (0)