Sáng kiến của Indonesia mới được đưa ra hồi tuần rồi. Ông Darori, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ rừng của Bộ Lâm nghiệp, cho biết chính phủ đang triển khai một kế hoạch cứu loài cọp Sumatra một cách thiết thực khỏi họa tuyệt chủng. Theo kế hoạch này, những người giàu có có thể nhận nuôi cặp cọp con (đực và cái) tại nhà sau khi đóng tiền ký quỹ 1 tỉ rupiah (1 rupiah=1,975 đồng).
Một trại nuôi cọp tư nhân ở Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc. Du khách ngồi trong xe được nhìn thật gần những con cọp to lớn. Ảnh: AP
Xưa nuôi ngựa, giờ nuôi cọp
Ông Darori giải thích: “Chúng tôi không bán hay cho mướn cọp. Chúng tôi chỉ cho phép họ nuôi giùm. Quyền sở hữu cọp vẫn thuộc về nhà nước. Chúng tôi sẽ nhận lại cọp nếu người nuôi không muốn nuôi nữa”.
Kế hoạch cho mượn cọp xuất phát từ nhu cầu của nhiều người giàu có muốn nuôi cọp trong nhà để chứng tỏ đẳng cấp bởi cọp được coi là biểu tượng của sức mạnh và quyền uy. Trước đây, người giàu thích nuôi ngựa đua nhưng giờ đây nuôi cọp “bảnh” hơn.
Như vậy cả nhà nước lẫn người nuôi đều có lợi. Cọp Sumatra có cơ hội sống tốt, được bảo vệ chu đáo, không lo bị tuyệt chủng. Theo Bộ Lâm nghiệp, rừng đảo Sumatra chỉ còn khoảng 200 con cọp Sumatra. Số cọp này càng ngày càng ít đi bởi nạn săn bắn trộm.
Người nuôi, ngoài việc đóng tiền ký quỹ, phải đáp ứng một số điều kiện của chính phủ như phải có chuồng rộng ít nhất 50 m2 (5x10 m). Nếu rộng bằng sân bóng đá thì càng tốt. Họ phải cho phép nhân viên thú y và nhân viên những cơ quan có trách nhiệm đến kiểm tra mỗi quý một lần việc nuôi cọp.
Hợp đồng nhận nuôi cọp còn ràng buộc người nuôi không được ngược đãi thú, nếu cọp sinh con thì cọp sơ sinh thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Khi cọp chết phải trả lại cho nhà nước, người nuôi không được bán. Nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền rất nặng, thậm chí phạt tù.
Chế rượu thuốc
Nuôi cọp để cứu các giống cọp có nguy cơ tuyệt chủng, hạn chế tệ nạn săn trộm cọp hoang dã và mua bán lậu các sản phẩm cọp từ da, xương đến râu mép..., đã được nhiều nước thực hiện. Trung Quốc (TQ) là nước có nhiều trại nuôi cọp nhất. Ở Đông Nam Á, Thái Lan, Lào và Việt Nam cũng có trại nuôi tư nhân nhưng không nhiều.
Đài BBC cho biết ở TQ, tính trung bình cứ mỗi con cọp hoang dã có đến 3 con cọp nuôi. Số cọp nuôi trong các trang trại ở đây – hầu hết của tư nhân – từ 5.000 đến 10.000 con, nhiều hơn cọp hoang dã.
Trả lời phỏng vấn trên đài BBC, bà Judy Mills, chuyên gia về cọp của Tổ chức Bảo tồn Quốc tế từng đến thăm các trại nuôi cọp TQ từ năm 1990, cho biết gọi là trang trại nhưng trên thực tế giống như xưởng chăn nuôi bởi mục đích chính là bán da, cọp nhồi bông nguyên con. Xương và các sản phẩm khác ngâm làm rượu thuốc.
Thu hút khách du lịch tham quan xem cọp vồ mồi (bò, gà...), theo giải thích của chính quyền địa phương TQ, là mục đích chính của trại nuôi cọp nhưng các nhà bảo tồn nói thông tin đó không chính xác. Làm rượu thuốc, bán da và các sản phẩm cọp mới là chính.
Theo nghiên cứu của bà Mills, cọp nuôi chủ yếu là cọp cái nuôi theo mô hình công nghiệp để lấy con. So với cọp hoang dã, cọp nuôi đẻ con nhiều gấp ba lần. Một năm, chúng có thể đẻ ba lứa. Cọp mới đẻ được rã bầy trước khi cai sữa để cọp cái đẻ thêm lứa khác. Chúng được nuôi bằng sữa “mẹ nuôi” là chó hoặc heo.
Bà Mills kể: “Năm 1990, lần đầu tiên tôi đến thăm một trại nuôi cọp và thú lấy lông. Tại đây, ngoài cọp, người ta nuôi cả gấu trúc, chồn, chó xù và các loại thú có thể lấy lông bán. Chủ trại cho phép tôi xem danh sách người đặt hàng mua da, xương và các thứ khác của cọp nuôi. Rồi năm 1993, dưới sức ép của dư luận quốc tế, TQ cấm mua bán xương, da nhưng đồng thời vẫn cấp phép mở trại nuôi cọp”.
Mặc dù có lệnh cấm của Chính phủ TQ, các trại nuôi cọp vẫn làm ăn phát đạt, chủ yếu nhờ bán rượu thuốc và thuốc đông y chế biến từ các sản phẩm cọp. Trước thực tế này, tháng 12 năm ngoái, chính quyền TQ đã tăng cường các khung hình phạt, cấm các tiệm thuốc bắc bán các chế phẩm từ cọp chữa đủ thứ bệnh từ chứng co giật đến bệnh ngoài da và thuốc cường dương.
WB kêu gọi đóng cửa trại
Bên lề Hội nghị bảo tồn cọp cấp bộ trưởng châu Á tổ chức tại Hua Hin, Thái Lan từ ngày 27 đến 29-1 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB)- đơn vị đồng tổ chức hội nghị - kêu gọi TQ và các nước châu Á đóng cửa các trại nuôi cọp. Keshav Varma, Giám đốc chương trình của Global Tiger Initiative (GTI) - liên minh giữa WB, Viện Smithsonian và 40 tổ chức bảo tồn động vật hoang dã - tuyên bố: “Quan điểm của chúng tôi là nuôi cọp (biểu diễn cho du khách xem) trong chuồng trại là tàn nhẫn.
Chẳng những tàn nhẫn mà còn nguy hiểm vì tiếp tục khuyến khích nhu cầu dùng các bộ phận của cọp để làm thuốc đông y. Và như thế sẽ không dẹp được nạn buôn lậu các bộ phận cọp cũng như không chặn được nạn săn trộm vì săn bắn cọp hoang dã ít tốn kém hơn nuôi cọp. GTI và WB ủng hộ giải pháp đóng cửa các trại nuôi cọp”.
Tuy nhiên, đóng cửa các trại nuôi cọp tư nhân không phải là chuyện đơn giản. Ngay các nhà bảo tồn cũng đồng ý rằng nếu đóng cửa trại, người ta sẽ làm gì với số cọp đang nuôi, giải quyết ra sao tiền đầu tư của những chủ trại bởi họ được cấp phép đàng hoàng. Cũng chính vì lẽ này mà vấn đề trại nuôi cọp đã không được ghi vào chương trình nghị sự của Hội nghị Hua Hin.
Bình luận (0)